Tin tức

Thúc đẩy tái cơ cấu trong lĩnh vực kinh tế biển

Để khắc phục một số mặt yếu trong phát triển kinh tế biển, đại biểu Quốc hội Phan Văn Quý, Ủy viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội cho rằng, cần quan tâm thúc đẩy tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước (DNNN) trong lĩnh vực này.

Thưa ông, ông có nhận xét gì về thực tế phát triển kinh tế biển ở nước ta thời gian qua?

 

Việt Nam là một quốc gia biển. Biển nước ta có nguồn tài nguyên phong phú và đa dạng, cho phép phát triển nhiều lĩnh vực kinh tế biển quan trọng.

 

Nghị quyết số 09 ngày 9/2/2007 của Hội nghị lần thứ 4, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X về Chiến lược biển Việt Nam xác định: “Đến năm 2020, phấn đấu đưa nước ta trở thành quốc gia mạnh về biển, làm giàu từ biển, góp phần quan trọng trong sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá, làm cho đất nước giàu mạnh. Trong đó, xây dựng và phát triển toàn diện các lĩnh vực, phấn đấu đến năm 2020, kinh tế trên biển và ven biển đóng góp khoảng 53-55% tổng GDP của cả nước”. Tuy vậy, đến nay, chúng ta vẫn chưa thực sự dựa vào biển để phát triển đúng tiềm năng và thế mạnh.

 

Cụ thể, tiềm năng, thế mạnh chưa được khai thác đó thể hiện như thế nào?

 

Những năm qua, phát triển kinh tế biển đã bộc lộ một số mặt yếu; thiếu chiến lược phát triển tổng thể và liên kết chặt chẽ giữa các vùng, các ngành kinh tế, với an ninh – quốc phòng. Đặc biệt, một vài DN được giao làm nhiệm vụ khai thác kinh tế biển còn yếu trong quản lý, làm thất thoát tài sản của Nhà nước, giảm năng lực cạnh tranh. Chúng ta đều thấy, các mô hình như Vinashin, Vinalines đã bộc lộ nhiều bất cập.

 

Về tổng thể, theo đánh giá của một số chuyên gia, dù có nhiều thuận lợi trong việc phát triển kinh tế biển, nhưng năng lực khai thác biển của Việt Nam chỉ bằng 1/7 Hàn Quốc, 1/94 của Nhật Bản.

 

Tại kỳ họp thứ ba, Quốc hội khóa XIII bế mạc vào tuần trước, Quốc hội đã thảo luận về Đề án Tổng thể tái cơ cấu kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng nâng cao hiệu quả, năng suất và năng lực cạnh tranh. Ông có góp ý gì với đề án này?

 

Tôi nhất trí với Đề án và ý kiến thẩm tra của Ủy ban Kinh tế của Quốc hội. Riêng với nội dung tái cơ cấu DNNN, mà trọng tâm là các tập đoàn, tổng công ty nhà nước, tôi muốn đề cập thêm về tái cơ cấu DNNN trong lĩnh vực phát triển kinh tế biển.

 

Từ mô hình thành công của Tập đoàn Viễn thông Quân đội (Viettel), tôi nghĩ, nếu mô hình này được áp dụng, bằng cách san sẻ một phần nhiệm vụ của Vinashin cho các đơn vị đóng tàu nhiều kinh nghiệm của quân đội, thì việc quản lý sẽ chặt chẽ hơn, các sản phẩm sẽ đáp ứng được yêu cầu của việc khai thác và bảo vệ nguồn tài nguyên biển đảo.

 

Đồng thời, để đạt mục tiêu tăng trưởng kinh tế biển bền vững, cần có cơ chế phối hợp liên ngành trong quản lý biển. Ngoài ra, cần liên doanh với các tập đoàn nước ngoài để tận dụng nguồn lực và công nghệ hiện đại về khai thác biển. Có như vậy, mục tiêu “Việt Nam phải là một quốc gia mạnh về biển, giàu lên từ biển vào năm 2020”, mới có khả năng thành hiện thực.

 

Từ thực tế bất cập trong quản lý DNNN, tập đoàn, tổng công ty thời gian qua, cần thay đổi gì trong công tác quản lý các doanh nghiệp này?

 

Theo quy định hiện nay (Nghị định 101/2009/NĐ-CP), Ban kiểm soát tại các DNNN do Hội đồng Thành viên (HĐTV) thành lập, trưởng ban kiểm soát là thành viên của HĐTV, được HĐTV phân công làm nhiệm vụ. Các thành viên của Ban kiểm soát do HĐTV lựa chọn, bổ nhiệm, miễn nhiệm. Ban kiểm soát hoạt động theo quy chế của HĐTV ban hành. Ban kiểm soát không được tiết lộ kết quả kiểm tra, giám sát khi chưa được sự cho phép của HĐTV.

 

Những quy định trên cho thấy, Ban kiểm soát là đơn vị giúp việc cho HĐTV, chịu sự chi phối của HĐTV hơn là một đơn vị hoạt động độc lập và có quyền lực thực sự trong DNNN. Đây là một trong những nguyên nhân lý giải vì sao một số DNNN thua lỗ, vi phạm pháp luật nhiều năm vẫn không bị phát hiện, dẫn đến thiệt hại nghiêm trọng cho nền kinh tế. Vì vậy, việc quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Ban kiểm soát trong DNNN đảm bảo là một đơn vị độc lập, thực quyền, có ý nghĩa quan trọng, giúp cho tái cơ cấu DNNN được triển khai triệt để.
Bài viết đã được đăng ký bản quyền (DMCA). Nếu bạn đọc copy nội dung hãy để lại link về bài gốc hoặc ghi rõ nguồn camautravel.vn như một sự tri ân với tác giả.
Copyright © 2023 - 2024 | camautravel.vn | All Rights Reserved. DMCA.com Protection Status