Hỗ trợ tối đa, tạo thuận lợi nhất trong điều kiện có thể của đất nước để phát triển nhanh và bền vững ngành Thủy sản, nâng cao đời sống nhân dân, gắn liền với bảo vệ chủ quyền, lãnh thổ, biển đảo quốc gia.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định quan điểm này khi phát biểu chỉ đạo Hội nghị về giải pháp và chính sách phát triển thủy sản tổ chức ngày 15/4 tại Đà Nẵng.
Theo Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, nhìn lại 10 năm qua, ngành Thủy sản nước ta đã có bước phát triển nhanh, ổn định; đánh bắt, nuôi trồng, xuất khẩu… thủy sản tăng mạnh. Thủy sản Việt Nam đang giành được vị thế cao trong cộng đồng nghề cá trên thế giới, đứng đầu về sản lượng cá tra, đứng thứ 3 thế giới về nuôi trồng thủy sản (trong đó đứng đầu thế giới về sản xuất tôm sú), thứ 4 về giá trị xuất khẩu thủy sản.
Những kết quả đạt được của ngành Thủy sản đã trực tiếp đóng góp vào tăng trưởng của nền kinh tế quốc dân; giải quyết công ăn việc làm, tạo thu nhập, cải thiện đời sống cho người lao động; vào bảo vệ chủ quyển, biển đảo quốc gia…
Tuy nhiên, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng nêu những tồn tại, hạn chế mà ngành Thủy sản cần tập trung khắc phục, đó là năng lực sản xuất, sức cạnh tranh, giá trị gia tăng, tính hiệu quả của ngành còn thấp, chưa tương xứng với tiềm năng; phương tiện đánh cá chủ yếu là tàu cũ, tiêu tốn nhiều nhiêu liệu; còn sự cạnh tranh không lành mạnh trong xuất khẩu; sự rủi ro của người đi biển còn lớn, thu nhập của ngư dân thấp; vốn đầu tư phát triển nghề cá của doanh nghiệp, của ngư dân còn ít; việc ứng dụng khoa học công nghệ vào nghề cá chưa đáp ứng được yêu cầu, thất thoát sản lượng trong đánh bắt còn cao; chưa hình thành được chuỗi giá trị trong ngành. Bên cạnh đó, quản lý Nhà nước đối với ngành tuy có nhiều tiến bộ, song so với yêu cầu cần phải làm tốt hơn, một số cơ chế, chính sách chưa đáp ứng, chưa sát với thực tế, chiến lược quy hoạch nghề cá còn yếu…
Đề cập tới các nhiệm vụ cụ thể, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chỉ đạo cần đặc biệt quan tâm tăng cường quản lý Nhà nước trong lĩnh vực thủy sản; tập trung rà soát các cơ chế, chính sách, tổng kết thực tiễn, phân tích, làm rõ và đề xuất sửa đổi, bổ sung, ban hành mới các cơ chế, chính sách phù hợp.
Trước hết là về tín dụng, đây là chính sách hết sức quan trọng, theo đó phải quan tâm tập trung tín dụng cho những người đang có tàu, những tàu đã cũ để đóng mới tàu bằng vỏ thép, hiện đại hơn, công suất cao hơn; tín dụng cho ngư dân nâng cấp, cải hoán các tàu đang còn tốt; hỗ trợ tín dụng cho người đánh bắt, nuôi trồng thủy hải sản.
“Trong cho vay, ngân hàng không được để ngư dân ra khơi phải đi vay nặng lãi”, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh.
Đồng thời quan tâm rà soát, xây dựng các cơ chế, chính sách phù hợp liên quan đến bảo hiểm; xuất khẩu; đầu tư cơ sở hạ tầng nghề cá như các khu neo đậu tránh trú bão cho tàu; hạ tầng các cảng cá; hạ tầng thông tin liên lạc nhằm đảm bảo an toàn cho ngư dân….
Trong quản lý Nhà nước, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng đặc biệt lưu ý cần phải từng bước hình thành quan hệ hợp tác sản xuất mới, hình thành các hợp tác xã, các liên kết sản xuất, các nghiệp đoàn nghề cá… qua đó tạo chuỗi giá trị, đảm bảo hiệu quả, an ninh, an toàn cao hơn trong hoạt động nghề cá.
“Chính phủ sẽ hết sức cố gắng trong thực hiện các hoạt động xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường xuất khẩu thủy sản của Việt Nam”, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng yêu cầu các địa phương cần đặc biệt chú trọng thực hiện đồng bộ, hiệu quả các giải pháp giảm nghèo trong ngư dân, bởi hiện nay các hộ nghèo là ngư dân còn quá lớn. Các bộ, ngành chức năng, các địa phương hết sức quan tâm, tăng cường hơn nữa lực lượng nòng cốt trên biển, như Hải quân, Cảnh sát biển, Kiểm ngư… để hỗ trợ ngư dân trong khai thác, đánh bắt thủy hải sản, trong thiên tai cũng như các sự cố khác trên biển, góp phần bảo vệ độc lập, chủ quyền, biển đảo quốc gia.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nêu rõ yêu cầu phải quán triệt sâu sắc Chiến lược Biển của Đảng và Nhà nước bởi đây là tiềm năng, lợi thế lớn của đất nước; là không gian sinh tồn để chúng ta công nghiệp hóa, hiện đại hóa, phát triển đất nước, cải thiện đời sống nhân dân; là nơi để giữ vững chủ quyền quốc gia; là nơi để hội nhập quốc tế, gìn giữ, bảo đảm hòa bình…