Khoảng 8% chi phí kinh doanh của doanh nghiệp FDI được chia sẻ cho đào tạo lại, cho thấy nguồn nhân lực chưa chắc đã rẻ.
“Vậy Việt Nam đang giới thiệu mình như thế nào?” Edmund Malesky, Trưởng nhóm nghiên cứu Chương trình năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI 2010) vừa nói vừa trình chiếu lên màn hình cỡ lớn một ấn phẩm của cơ quan xúc tiến đầu tư Việt Nam để minh họa.
Ở những dòng tít nổi bật, Việt Nam được nhắc đến với dân số trẻ, chi phí lao động thấp, tăng trưởng cao, chính trị ổn định…, nhưng môi trường thế chế, môi trường pháp lý lại không được nói đến nhiều. Và đó là sự khác biệt với những gì vị chuyên gia đến từ Hoa Kỳ thu nhận từ ý kiến của 1.155 doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), tương đương 20% tổng số doanh nghiệp đã đầu tư vào Việt Nam.
Những hạn chế
Trước hết, hãy nói về những hạn chế của khu vực doanh nghiệp FDI tại Việt Nam. Đóng góp khoảng 20% GDP, trên 50% kim ngạch xuất khẩu mỗi năm, khu vực này chưa thể nói đã trở thành nguồn lực cạnh tranh của đất nước. Bức tranh chung về khối doanh nghiệp này được Edmund Malesky “vẽ” ra như sau: đa số doanh nghiệp hoạt động trong những lĩnh vực có giá trị gia tăng thấp, tỷ suất lợi nhuận không cao và chủ yếu làm thầu phụ cho các công ty đa quốc gia lớn hơn.
Theo thống kê của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), đầu ra chủ yếu của các doanh nghiệp FDI là dành cho xuất khẩu. Có đên 55% tổng số doanh nghiệp xuất khẩu hơn một nửa sản phẩm đầu ra theo hình thức trực tiếp hoặc gián tiếp. Thậm chí, sản lượng bán ra thị trường nội địa cũng phần lớn dành cho khách hàng nước ngoài.
Sự liên kết giữa doanh nghiệp trong nước với khu vực FDI rất yếu. Chỉ có 38% sản phẩm trung gian trong chuỗi sản xuất FDI được mua từ các cơ sở trong nước, trong khi đó 54% được mua từ nước ngoài. Với con số này, Edmund Malesky lưu ý rằng tác động lan truyền trong nền kinh tế rất thấp.
Trong khi đó, mặc dù đạt mức lợi nhuận bình quân tương đương 11% vốn đầu tư được cấp phép, nhưng năm 2009 đã có khoảng 19% số doanh nghiệp FDI báo cáo lỗ. Và dù lợi nhuận trung bình cao hơn, ngành dịch vụ lại có tỷ lệ doanh nghiệp thua lỗ cao nhất, 19,8%.
Cũng theo báo cáo của VCCI, khác biệt lớn nhất là trong ngành xây dựng. Một nửa số doanh nghiệp báo cáo lỗ dù hoàn toàn khác với kết quả hoạt động chính thức. “Đã có những tranh cãi tại sao họ thua lỗ”, ông Edmund Malesky nói, “thì có thể do việc chuyển giá giữa nội bộ các doanh nghiệp này với công ty mẹ”.
Không hẳn đã “rẻ”
Những hạn chế của khu vực doanh nghiệp FDI như nêu trên có liên quan khá mật thiết tới những ưu tiên của họ khi lựa chọn đầu tư tại Việt Nam, đó là coi trọng yếu tố ảnh hưởng tới chi phí sản xuất.
“Xếp hạng” các ưu tiên khi lựa chọn đầu tư, các chủ doanh nghiệp FDI không quên các yếu tố: chi phí lao động rẻ, ưu đãi thuế và đất đai. Chi phí cho hàng hóa và dịch vụ trung gian cũng nằm trong 5 nhân tố quan trọng nhất. Trước đó là ổn định chính trị xếp vị trí thứ 4. Nhưng đó không hoàn toàn là những ưu tiên của “nhà đầu tư tương lai”.
Trên thực tế, chất lượng giáo dục, đào tạo lao động của Việt Nam là một quan ngại đối với các nhà đầu tư nước ngoài hiện nay. Trên phạm vi cả nước chỉ có 23% người lao động làm việc cho các doanh nghiệp FDI có bằng đại học, cao đẳng và chỉ 27% được đào tạo nghề. Đáng ngạc nhiên là theo đánh giá của chủ sử dụng lao động, chỉ 54% người lao động… biết chữ.
Do chất lượng giáo dục phổ thông và đào tạo nghề chưa đáp ứng được nhu cầu, gần 40% doanh nghiệp nước ngoài nhận thấy cần đầu tư để đào tạo tại chỗ cho người lao động. Tuy nhiên, điều nguy hại là chỉ 65% người lao động sau khi được đào tạo tiếp tục ở lại làm việc cho doanh nghiệp đã đầu tư đào tạo cho họ.
“Điều này gây tổn hại không nhỏ cho doanh nghiệp”, VCCI nhấn mạnh. “Các doanh nghiệp FDI phải tiêu tốn khoảng 8% tổng chi phí kinh doanh cho đào tạo lao động”. Điều này cho thấy, chi phí lao động tại Việt Nam không rẻ như tính toán ban đầu của nhà đầu tư. Cho nên, chỉ 21,6% doanh nghiệp nước ngoài lạc quan về đào tạo ngề và thậm chí tỷ lệ lạc quan về chất lượng giáo dục phổ thông còn thấp hơn, 18%.
Một yếu tố khác, lâu nay vẫn được các địa phương ngấm ngầm thỏa mãn nhà đầu tư nước ngoài là ưu đãi thuế. Nhìn từ ý kiến doanh nghiệp FDI, thực tế là đa số (79,8%) chấp nhận các ưu đãi này từ địa phương và không phải thương lượng thêm. Điều này có nghĩa là các ưu đãi ban đầu của địa phương đã đáp ứng đủ nhu cầu của doanh nghiệp.
So sánh giữa các địa bàn đầu tư khác nhau, 59% số doanh nghiệp FDI cho rằng ưu đãi là như nhau, 12% cho biết địa phương mà doanh nghiệp lựa chọn đầu tư có ưu đãi tốt hơn, nhưng cũng có đến 29% cho biết địa phương khác mới có gói ưu đãi tốt hơn. Kết quả này có nghĩa là, 88% nhà đầu tư không coi các gói ưu đãi về thuế là một yếu tố quan trọng ảnh hưởng đến quyết định đầu tư của họ.
Cũng có nghĩa, các nhà đầu tư nước ngoài sẽ không đánh đổi ưu đãi thuế để đầu tư vào một địa điểm không thuận lợi. Họ thà chấp nhận hưởng ít ưu đãi thuế hơn để lựa chọn nơi có môi trường kinh doanh thuận lợi hơn.
Cần tập trung vào yếu tố điều hành
Từ kết quả nghiên cứu PCI 2010, Edmund Malesky đưa ra nhận định, chiến lược thu hút đầu tư với việc sử dụng những biện pháp ưu tiên như hiện nay chưa đem lại kết quả thành công.
Nghiên cứu của VCCI chỉ ra rằng, nếu Việt Nam muốn thu hút đầu tư vào lĩnh vực công nghệ cao, tạo ra nhiều giá trị gia tăng và có độ lan tỏa lớn thì cần chú trọng hơn đến chất lượng giáo dục đại học và các yếu tố quản trị điều hành như bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, kiểm soát tham nhũng và đảm bảo thực thi hợp đồng…
Lý do là các nhà đầu tư công nghệ cao quan ngại nhiều hơn đến chất lượng lao động và chất lượng cơ sở hạ tầng so với các nhà đầu tư sản xuất trung bình, bởi vì kỹ thuật sản xuất tinh vi của ngành này đòi hỏi nguồn nhân lực lớn hơn và các mô hình kinh doanh của họ dễ bị tác động trực tiếp bởi cơ sở hạ tầng yếu kém.
Hơn nữa, với khả năng tham gia các hợp đồng cung cấp dịch vụ cho chính quyền địa phương và đấu thầu của Chính phủ lớn hơn, nhà đầu tư nước ngoài thế hệ kế tiếp bày tỏ nhiều lo ngại hơn đối với vấn đề thực thi hợp đồng và kiểm soát tham nhũng.
“Các doanh nghiệp FDI dù lãi hay lỗ nhìn chung không cho là do tác động chính sách hay lao động tại Việt Nam. Phần lớn họ nghĩ đây là do điều kiện thị trường. Tuy nhiên đây là điều cần phải suy nghĩ, vì họ không nghĩ môi trường chính sách hiện nay hỗ trợ họ đạt được thành công”, Edmund Malesky nhấn mạnh ý này.
Những hàm ý rõ ràng về mặt chính sách, theo vị chuyên gia đến từ Mỹ, là cần phải có chiến lược thu hút đầu tư khác mới có thể thu hút được FDI công nghệ cao; chất lượng lao động cần được cải thiện để giảm gánh nặng cho nhà đầu tư; giảm chi phí tuân thủ quy định pháp luật; nâng cấp chất lượng cơ sở hạ tầng và các ưu đãi đầu tư dưới dạng thuế cần phải hiệu quả hơn.
“Có thể nhà đầu tư hiện nay chưa quan tâm đến những yếu tố này, nhưng nhà đầu tư tương lai lại rất quan tâm. Chúng ta phải đặc biệt chú ý vì nó có thể thu hút thế hệ đầu tư tiếp theo. Họ sẽ đòi hỏi chúng ta phải tập trung các các vấn đề quản trị điều hành”, Edmund Malesky khuyến nghị.