Ngày 30/12, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã tổ chức họp báo công bố kết quả vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) năm 2010 và dự kiến năm 2011.
Theo đó, năm 2011, dự kiến vốn FDI đăng ký đạt khoảng 20 tỷ USD và vốn thực hiện đạt khoảng 11-11,5 tỷ USD.
Chọn lọc dự án FDI
Tại buổi họp báo, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đặng Huy Đông cho biết, để thu hút được dòng vốn FDI có hiệu quả, Chính phủ và các Bộ, ngành chỉ đạo không chạy theo số lượng các dự án mà chú trọng vào chất lượng các dự án.
Để thực hiện mục tiêu trên, Chính phủ và các Bộ, ngành ở Trung ương và và chính quyền các địa phương chỉ đạo quyết liệt và tổ chức triển khai đồng bộ các giải pháp thu hút vốn FDI, trong đó tập trung vào các giải pháp như hệ thống pháp luật về đầu tư, kinh doanh, cải thiện hệ thống kết cấu hạ tầng…
Theo đó, trong năm 2011, việc thu hút đầu tư nước ngoài theo hướng chọn lọc hơn với trọng tâm là thu hút các dự án cơ sở hạ tầng, dự án sử dụng công nghệ cao, công nghệ sạch và có khả năng tạo ra các sản phẩm có sức cạnh tranh; các dự án sản xuất hàng xuất khẩu; các dự án phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ; các dự án có khả năng tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu.
Trong năm 2011, công tác thẩm tra, cấp Giấy chứng nhận đầu tư cũng như công tác kiểm tra, giám sát đối với hoạt động đầu tư nước ngoài cũng sẽ được Bộ tăng cường hơn nữa.
“Đối với những dự án đầu tư quy mô lớn, đặc biệt là các dự án có sử dụng đất lớn, có khả năng gây ô nhiễm môi trường, sử dụng nhiều tài nguyên khoáng sản nếu không có chế biến sâu, các dự án tiêu tốn nhiều năng lượng… sẽ được xem xét kỹ càng hơn,” ông Đỗ Nhất Hoàng, Cục trưởng Cục Đầu tư Nước ngoài khẳng định.
Bên cạnh đó, những dự án đầu tư chậm triển khai sẽ được phân loại để có những biện pháp xử lý phù hợp, trong đó có việc xem xét rút Giấy chứng nhận đầu tư theo quy định của pháp luật để thảo cơ hội cho các nhà đầu tư khác thực sự có tiềm năng và năng lực triển khai tham gia đầu tư.
Ông Đông cho biết thêm, trong năm 2010, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã liên tục ban hành công văn để gửi các địa phương nhằm thúc ép các địa phương phải báo cáo tình hình triển khai các dự án, những dự án nào có vướng mắc, Bộ kịp thời xử lý.
Bộ cũng đã phối hợp với các Bộ, ngành thành lập đoàn kiểm tra tại các địa phương để giảm thiểu các nhà đầu tư không có khả năng về năng lực cũng như về tài chính.
Lãnh đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư khẳng định, trong thời gian qua, việc phân cấp các dự án đầu tư đã đáp ứng được đòi hỏi của nền kinh tế, đi đôi với phân cấp là tăng cường kiểm tra giám sát của các cơ quan quản lý nhà nước. Việc phân cấp đã làm cho cơ chế quản lý tập trung hơn với một số lĩnh vực như phân cấp về khai khoáng, trồng rừng và phân cấp về dự án sử dụng nhiều đất đai.
Cần cách nhìn mới
Trong một cuộc hội thảo mới đây, Giáo sư Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội Các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài, cho biết, vấn đề chất lượng dự án, chất lượng dòng vốn FDI đã được đặt ra ngay từ thời điểm bắt đầu mở cửa thu hút đầu tư. Tuy nhiên, trong giai đoạn đầu, do đặc thù thiếu vốn đầu tư các ngành nghề, lĩnh vực, chúng ta chủ trương đẩy mạnh thu hút đầu tư vào mọi lĩnh vực và với mọi quy mô. Tuy nhiên, tùy từng giai đoạn cụ thể cần có chính sách cho phù hợp.
Trong giai đoạn hiện nay, chúng ta cần có cách nhìn và tư duy mới. Với mục tiêu công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, vấn đề đặt ra là không chỉ quan tâm tới yếu tố tăng trưởng, mà còn phải xây dựng được cơ cấu kinh tế hiện đại, chất lượng và phát triển bền vững. Do đó, vấn đề chất lượng dự án FDI hiện nay liên quan đến quy hoạch, định hướng phát triển các ngành nghề cụ thể.
“Theo tôi, đối với những ngành nghề trong nước có thể tự làm, sử dụng vốn ít và giải quyết nhiều việc làm thì cần để cho doanh nghiệp trong nước làm vì lợi ích lâu dài của quốc gia. Đối với những ngành nghề cần tiếp tục thu hút đầu tư nước ngoài, cần định hướng rõ cho nhà đầu tư biết để xem xét khả năng tham gia,” Giáo sư Nguyễn Mại đề xuất.
Còn Thứ trưởng Đặng Huy Đông khẳng định, trong năm 2011, công tác xúc tiến đầu tư cũng sẽ tiếp tục được đổi mới theo hướng bố trí các nguồn lực để xúc tiến đầu tư theo chuyên đề, theo ngành, lĩnh vực và theo vùng miền, chứ không xúc tiến đầu tư theo địa giới hành chính để đảm bảo tính liên kết vùng miền, tận dụng tối đa các tiềm năng thế mạnh của vùng miền và giảm thiều đầu tư theo phong trào, theo thành tích.