Tin tức

Thu hút doanh nghiệp Nhật Bản vào phát triển công nghiệp phụ trợ

Trong nỗ lực thúc đẩy thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào công nghiệp phụ trợ, Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cuối tuần trước đã ký với Tập đoàn Forval (Nhật Bản) một bản thỏa thuận về kế hoạch hành động nhằm thu hút các doanh nghiệp nhỏ và vừa của Nhật Bản đầu tư vào Việt Nam. 

Theo thỏa thuận, hai bên sẽ tiến hành khảo sát, nghiên cứu khả năng đáp ứng các yêu cầu đối với các dự án đầu tư công nghiệp phụ trợ đến từ Nhật Bản tại các địa phương. Tập đoàn Forval cũng đang đề xuất với Tổ chức JICA khảo sát các doanh nghiệp lớn của Nhật Bản xem những ngành công nghiệp phụ trợ nào cần phải phát triển tại Việt Nam để hỗ trợ các nhà đầu tư lớn.

“Chúng tôi sẽ mang mô hình này giới thiệu tại các địa bàn khác để các địa phương cùng học tập theo,” ông Okubo nói và cho biết, việc khảo sát kỹ điều kiện đáp ứng của các địa phương và nhu cầu về công nghiệp phụ trợ của các nhà đầu tư lớn sẽ giúp Việt Nam thu hút tốt hơn dòng vốn FDI từ các doanh nghiệp nhỏ và vừa của Nhật Bản.

Trên thực tế, kể từ đầu năm 2011, Forval đã nghiên cứu, khảo sát khả năng đáp ứng nhu cầu đầu tư của doanh nghiệp nhỏ và vừa của Nhật Bản tại Việt Nam, trong đó bao gồm khoảng 200 khu công nghiệp. Theo ông Okubo, vào thời điểm hiện tại, Forval và Cục Đầu tư nước ngoài đã chọn ra được 2 tỉnh là Hải Dương và Đồng Nai để phát triển mô hình kiểu mẫu, trong đó tập trung vào hai khu công nghiệp là Đại An và Nhơn Trạch 3. Theo kết quả khảo sát được công bố tháng 12/2012  của Tổ chức JETRO, phí nguyên liệu, linh kiện chiếm trong giá thành sản xuất tại Việt Nam là 61,4%.

Ông Hirokazu Yamaoka, Trưởng đại diện Văn phòng JETRO tại Hà Nội, cho biết, việc giảm phí nguyên liệu đang là một thách thức chung đối với các doanh nghiệp Nhật Bản. Tuy nhiên, đây không phải là điều dễ thực hiện tại Việt Nam vào thời điểm hiện tại. Theo kết quả khảo sát của JETRO, tỷ lệ nội địa hóa nguyên liệu, linh kiện của các doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam là 27,9% thấp hơn so với Trung Quốc là 60,8%, Thái Lan là 52,9%, Indonesia là 43,3%.

Cũng theo cuộc điều tra này, tỷ lệ doanh nghiệp trả lời sẽ tăng tỷ lệ nội địa hóa tại nơi đầu tư chiếm trên 75%, vượt tỷ lệ trong điều tra năm ngoái là 60%.

“Qua đó cảm nhận được mong muốn mạnh mẽ đối với việc tăng tỷ lệ nội địa hóa của các doanh nghiệp Nhật Bản. Tuy nhiên, con số này cũng khẳng định tình trạng buộc phải mua những nguyên liệu, linh kiện cần thiết từ các nước ASEAN, Trung Quốc, Nhật Bản,” ông Yamaoka nói.
Bài viết đã được đăng ký bản quyền (DMCA). Nếu bạn đọc copy nội dung hãy để lại link về bài gốc hoặc ghi rõ nguồn camautravel.vn như một sự tri ân với tác giả.
Copyright © 2023 - 2024 | camautravel.vn | All Rights Reserved. DMCA.com Protection Status