Lực lượng doanh nhân Việt kiều có tiềm lực kinh tế rất lớn đang có xu hướng chuyển nguồn vốn đầu tư về Việt Nam ngày càng cao nhờ các chính sách kêu gọi đầu tư. Cùng với kiều hối, đây là một nguồn vốn quan trọng cho phát triển kinh tế đất nước. Tuy nhiên, doanh nhân Việt kiều mong muốn nhận được nhiều sự hỗ trợ thực tế hơn nữa để có thể triển khai được các dự án tại Việt Nam.
Nguồn lực tiềm năng
Việt Nam hiện có khoảng 4 triệu kiều bào đang sinh sống, học tập và lao động tại 101 nước và vùng lãnh thổ trên thế giới. Thống kê năm 2010, lượng kiều hối về Việt Nam đạt 8,26 tỷ USD, năm 2011 đạt 9 tỷ USD, bù đắp được 92% chênh lệch cán cân thương mại.
Trong năm 2012, dù tình hình kinh tế thế giới lẫn trong nước nhiều khó khăn nhưng lượng kiều hối vẫn có sự bứt phá, chạm mốc 11 tỷ USD.
Hiện Việt Nam nằm trong số 10 nước nhận kiều hối hàng đầu thế giới. Theo ông Nguyễn Ngọc Mỹ, Chủ nhiệm Câu lạc bộ Doanh nhân Việt kiều, trước đây kiều hối được gửi về chủ yếu cho người thân, nhưng hiện nay kiều bào đã quan tâm hơn đến việc đầu tư kinh doanh theo quy mô gia đình hay liên kết đầu tư.
Đồng thời, những năm gần đây, do kinh tế suy thoái nên hiện người Việt ở các nước Đông Âu, Hoa Kỳ, Pháp, Đức có xu hướng chuyển đầu tư về thị trường trong nước nhiều hơn.
Ông Đặng Trần Phong, Phó Vụ trưởng Vụ Quan hệ Kinh tế, Khoa học và Công nghệ của Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài, cho biết hiện đang có 3.546 doanh nhân Việt kiều ở Hoa Kỳ, Australia, Nga, Pháp, Hà Lan, Canada, Nhật Bản… tham gia đầu tư tại 51/63 tỉnh, thành phố với tổng vốn đầu tư đạt khoảng 8,4 tỷ USD.
Các dự án đầu tư tập trung vào những lĩnh vực bất động sản, dịch vụ khách sạn, nhà hàng, du lịch, công nghệ phần mềm, dịch vụ dầu khí, sản xuất điện, nuôi trồng, chế biến, xuất khẩu thủy hải sản…
Cũng theo Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài, thời gian qua, để kêu gọi đầu tư từ doanh nhân Việt kiều, Việt Nam đã tiến hành cải cách nhiều thủ tục đầu tư cũng như việc cư trú, đi lại.
Ông Nguyễn Long Phan, doanh nhân Việt kiều Hoa Kỳ đang sở hữu công ty TNHH Thái Phan chuyên kinh doanh dịch vụ nhà hàng khách sạn tại Việt Nam, cho biết hiện nay Việt Nam đã có nhiều chính sách cởi mở về quốc tịch, nhà ở, thị thực nên các DN nước ngoài rất muốn trở về nước đầu tư.
Trong khi đó, sau khi gầy dựng thành công Tập đoàn New World Fashion Group tại thị trường Anh, năm 1998, doanh nhân Việt kiều Phạm Minh Nam đã đầu tư xây dựng nhà máy may mặc đầu tiên mang tên Đông Tài nằm trong khu công nghiệp Phú Thái, tỉnh Hải Dương.
Tại buổi họp mặt mới đây do Câu lạc bộ Doanh nhân Việt kiều và Hội người Việt Nam ở nước ngoài tại TPHCM, nhiều kiều bào lẫn doanh nhân Việt kiều cho biết họ đang tìm kiếm cơ hội hợp tác, đầu tư với các DN Việt Nam để có thể tăng nguồn lực cho nền kinh tế.
Cần tháo gỡ vướng mắc
Song song với những thuận lợi, nhiều ý kiến cũng chia sẻ rằng dù đã có sự quan tâm của chính phủ nhưng trong quá trình đầu tư, các chính sách hỗ trợ này vẫn chưa đáp ứng hết các nguyện vọng và mong muốn của cộng đồng kiều bào, nhà đầu tư còn gặp nhiều rào cản khi về đầu tư tại Việt Nam.
Theo ông Ken Thái, Việt kiều New Zealand, ông đã ấp ủ xây dựng một siêu thị tại Việt Nam, nhưng đã gặp nhiều vướng mắc về thủ tục hành chính nên đến nay vẫn chưa thể triển khai dự án.
Doanh nhân Việt kiều Australia Từ Ngọc Ân về Việt Nam đầu tư dự án composite, nhưng hơn 5 năm qua vẫn chưa được phê duyệt giao đất để thực hiện do sự thiếu nhất quán giữa chủ trương và triển khai thực tế. Thêm vào đó, nhà đầu tư đang chú trọng đến các ngành chưa được đầu tư hỗ trợ mạnh như nông nghiệp nông thôn, đầu tư về vùng sâu vùng xa chưa nhận được sự ưu đãi như các DN trong nước.
Về vấn đề này, ông Nguyễn Thanh Sơn, Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài, nhận định thời gian qua Chính phủ đã tiến hành cải cách nhiều thủ tục nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nhân Việt Nam ở nước ngoài về nước đầu tư, nhưng khi triển khai thực hiện mỗi địa phương lại có một cách nhìn nhận khác.
Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài đã tiếp nhận những ý kiến đóng góp của kiều bào để hoàn thiện môi trường đầu tư, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nhân triển khai và phát triển các dự án.
Ngoài ra, ông Johnathan Hạnh Nguyễn, Việt kiều tại Philippines, Chủ tịch Tập đoàn Liên Thái Bình Dương, cũng kiến nghị Chính phủ nên đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, chú trọng đến việc xóa bỏ các thủ tục rườm rà hay sự phân biệt đối xử của một số cơ quan công quyền, gây mất niềm tin đối với Việt kiều.
Ngoài các dự án đầu tư riêng lẻ, cộng đồng kiều bào cũng cần cung cấp thông tin đầy đủ về tình hình đầu tư, thị trường, các ngành nghề trọng điểm cần vốn đầu tư cũng như các chính sách ưu đãi để có thể yên tâm trở về Việt Nam kinh doanh và đầu tư.