Tin tức

Thu hút đầu tư vào Đồng bằng sông Cửu Long

Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đã có bước phát triển về mọi mặt, nhưng để tăng tốc thu hút đầu tư, cần đẩy nhanh các dự án xây dựng cơ sở hạ tầng.

Tại Hội nghị Xúc tiến đầu tư vào vùng ĐBSCL trong khuôn khổ Triển lãm, hội chợ thành tựu 10 năm xây dựng – phát triển ĐBSCL theo Nghị quyết 21/NQ/TW của Ban bí thư Trung ương Đảng, ông Nguyễn Phong Quang, Phó trưởng ban thường trực Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ cho biết, trong 10 năm qua, ĐBSCL đã có sự phát triển toàn diện, tạo ra sự chuyển biến tích cực trên nhiều mặt. Kinh tế vùng liên tục tăng trưởng 2 con số, cao gấp rưỡi mức tăng trưởng bình quân cả nước. Kết cấu hạ tầng, nhất là hạ tầng giao thông, thủy lợi, từ một xuất phát điểm thấp, đã có bước phát triển quan trọng, làm thay đổi toàn bộ diện mạo của vùng.

 

Hệ thống giao thông huyết mạch, nhiều cầu vượt sông lớn như cầu Cần Thơ, Rạch Miễu, Đầm Cùng, Hàm Luông… được đầu tư, kết nối giao thông liên tỉnh, liên vùng. Hơn 10 tuyến quốc lộ với tổng chiều dài hơn 2.500 km, gần 70 tỉnh lộ đã được nhựa hóa; giao thông nông thôn phát triển, đã mở mới gần 10.000 km, nâng cấp hơn 23.000 km đường các loại, xây dựng hơn 11.500 cầu, làm mới đường đến 72 trung tâm xã và cụm xã, kết nối với hệ thống quốc lộ.

 

Cùng với giao thông, phát triển nguồn nhân lực trong vùng cũng có nhiều tiến bộ rõ nét. Toàn vùng đã thành lập mới và mở rộng, nâng cấp nhiều trường đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp, các cơ sở đào tạo nghề… Ngành nông nghiệp đã huy động trên 4.600 tỷ đồng xây dựng các công trình kiểm soát lũ, hoàn thành 35 công trình thủy lợi vừa và lớn, trong đó có 12 công trình phục vụ trên 2.000 ha đất nông nghiệp, 20 công trình kiểm soát lũ ở vùng Tứ giác Long Xuyên và Đồng Tháp Mười.

 

Tuy nhiên, tồn tại, hạn chế lớn nhất mà ĐBSCL phải nỗ lực khắc phục là, cơ sở hạ tầng, nhất là hạ tầng giao thông còn yếu. Ngoài trục dọc xương sống Quốc lộ 1A được đầu tư nâng cấp cùng một số tuyến ngang, thời gian tới phải tiếp tục đầu tư, nhất là 3 trục giao thông đường bộ, gồm tuyến hành lang ven biển Tây, tuyến hành lang ven biển Đông, đặc biệt là tuyến xuyên Đồng Tháp Mười từ TP.HCM về Đồng Tháp, An Giang, Kiên Giang với các cầu lớn vượt sông lớn như cầu Cổ Chiên, Vàm Cống, Cao Lãnh, Đại Ngãi. Các tuyến đường thủy, hàng hải huyết mạch như kênh Quan Chánh Bố và luồng tàu biển lớn vào sông Hậu, kênh Chợ Gạo. Các công trình thủy lợi cấp vùng, ứng phó biến đổi khí hậu cũng cần phải tập trung đầu tư.

 

Thứ hai, chất lượng nguồn nhân lực, bao gồm lao động có tay nghề cung ứng cho doanh nghiệp, lẫn chuyên gia đầu ngành cho nghiên cứu, quản lý vùng còn rất hạn chế. Cần có một số cơ chế, chính sách đặc thù cho vùng như cơ chế huy động nguồn lực xã hội để đầu tư hạ tầng giao thông, thủy lợi, y tế, giáo dục.

 

Đồng quan điểm, ông Trần Bắc Hà, Chủ tịch HĐQT Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) cho rằng, cần xúc tiến nhanh hơn dự án hạ tầng giao thông, hạ tầng kỹ thuật như các trung tâm điện lực: Long Phú, Sông Hậu, Kiên Lương. Sớm đưa vào khai thác đường bay quốc tế tại Sân bay Cần Thơ, Phú Quốc.

 

Cũng theo ông Hà, ĐBSCL có lợi thế về sản xuất nông nghiệp. Vì vậy, để thu hút dự án đầu tư vào lĩnh vực chế biến đòi hỏi các địa phương phải xây dựng vùng nguyên liệu quy mô lớn. “Ngay trong năm nay, BIDV sẽ thực hiện chương trình tín dụng hỗ trợ xuất khẩu nông, thủy sản dành riêng cho khu vực ĐBSCL có quy mô 100 triệu USD, trong đó riêng lĩnh vực thủy sản là 1.000 tỷ đồng, lương thực 800 tỷ đồng, nông sản khác là 200 tỷ đồng, với lãi suất cho vay thấp hơn 2% so với cho vay thông thường”, ông Hà cho biết thêm.

 

Đánh giá cao về tiềm năng của vùng ĐBSCL, nhưng ông HiDeo Suzuki, Tham tán công sứ Đại sứ Nhật Bản tại Việt Nam cho rằng, ĐBSCL cần phải xây dựng chiến lượt phát triển vùng thích ứng biến đổi khí hậu, nước biển dâng, vì đây là vùng dễ bị tổn thương nhất.

 

Phát biểu tại Hội nghị, Phó thủ tướng Chính phủ, Trưởng ban chỉ đạo Tây Nam Bộ Vũ Văn Ninh yêu cầu các địa phương cần nhìn lại tiềm năng thế mạnh, để có quy hoạch phát triển hợp lý.

 

Phó thủ tướng nhấn mạnh: “Chính phủ sẽ có kế hoạch đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng của vùng ĐBSCL theo hướng hiện đại và xây dựng cơ chế chính sách đặc thù hợp lý để thu hút đầu tư cho cả vùng. Các địa phương cũng cần chủ động liên kết theo hướng hài hòa lợi ích, không triệt tiêu lẫn nhau. Đẩy mạnh hơn nữa công tác cải cách thủ tục hành chính, tạo môi trường đầu tư thông thoáng để tăng thu hút đầu tư trong thời gian tới”.

 

Tại Hội nghị Xúc tiến đầu tư ĐBSCL lần này, các tỉnh, thành phố đã kêu gọi đầu tư vào 178 dự án trọng điểm của vùng với tổng vốn kêu gọi hơn 171.000 tỷ đồng và 1,5 tỷ USD. Các tỉnh, thành phố cũng đã trao chứng nhận đầu tư cho 10 dự án, với tổng vốn đăng ký 4.695 tỷ đồng.

 

Cũng tại Hội nghị, BIDV đã thực hiện ký 9 hợp đồng tín dụng cung ứng vốn lưu động và vốn trung, dài hạn, trong đó tài trợ cho 7 dự án đầu tư với tổng mức đầu tư 1.988 tỷ đồng.
Bài viết đã được đăng ký bản quyền (DMCA). Nếu bạn đọc copy nội dung hãy để lại link về bài gốc hoặc ghi rõ nguồn camautravel.vn như một sự tri ân với tác giả.
Copyright © 2023 - 2024 | camautravel.vn | All Rights Reserved. DMCA.com Protection Status