Tin tức

Thu hút đầu tư phát triển vùng cây ăn quả trọng điểm

Với sản lượng gần 3 triệu tấn trái cây các loại mỗi năm, chiếm hơn 40% tổng sản lượng trái cây của cả nước, trong đó có nhiều giống đặc sản bản địa nổi tiếng có chất lượng cao, Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đã thực sự trở thành vựa trái cây của Việt Nam.

Theo TS. Hoàng Quốc Tuấn, Giám đốc Trung tâm Quy hoạch Nông nghiệp, trong hiện tại và tương lai, lúa gạo, thuỷ sản và trái cây luôn được xác định là 3 nông, thuỷ sản hàng hoá chủ lực, ưu tiên đầu tư phát triển bền vững ở ĐBSCL.

 

Thực hiện định hướng phát triển đó, các cơ quan chức năng, doanh nghiệp và người dân vùng ĐBSCL thời gian qua đã tiến hành đầu tư xây dựng và phát triển các tiểu vùng trồng cây ăn quả, mạng lưới thu mua, phân phối, hệ thống cơ sở hạ tầng kỹ thuật, nghiên cứu khoa học, ứng dụng và chuyển giao các tiến bộ khoa học kỹ thuật. Nhờ vậy, sản lượng và chất lượng trái cây trong vùng đã được cải thiện đáng kể.

 

Nhiều loại trái cây đã đăng ký cấp giấy chứng nhận chỉ dẫn địa lý, thương hiệu hàng hoá như xoài cát Hoà Lộc (Tiền Giang), xoài Châu Nghệ (Trà Vinh), bưởi da xanh Bến Tre, bưởi Năm Roi (Vĩnh Long)… Một số loại trái cây được cấp giấy chứng nhận về tiêu chuẩn chất lượng VietGAP, Global GAP, EUREP GAP…, tạo cơ hội cho trái cây trồng ở  ĐBSCL xuất khẩu sang một số thị trường khó tính như Mỹ, Nga, Hà Lan, Đức, Pháp, Singapore, Nhật Bản, Hàn Quốc…

 

Theo dự báo của Tổ chức Nông – Lương Liên hợp quốc (FAO), nhu cầu tiêu thụ rau quả trên thị trường thế giới tăng khoảng 3,6%/năm, trong khi khả năng sản xuất chỉ tăng 2,6%/năm, nên thị trường thế giới đối với mặt hàng trái cây luôn ở tình trạng cung không đủ cầu, giá bán có xu thế tăng và việc mở rộng thị trường có triển vọng. Ở thị trường trong nước, nhu cầu sử dụng trái cây tươi và các sản phẩm chế biến từ trái cây vẫn còn khá lớn.

 

Ông Hoàng Quốc Tuấn cho rằng, khoảng cách giữa cầu với cung về cả lượng và chất, định hướng phát triển của vùng và những lợi thế vượt trội về các điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng, nguồn nước ở vùng ĐBSCL cùng với kinh nghiệm canh tác và khả năng ứng dụng các tiến bộ khoa học – kỹ thuật của người dân trong vùng… tiếp tục mở ra cơ hội cho doanh nghiệp, nhà đầu tư xây dựng vùng chuyên canh trái cây đặc sản phát triển theo hướng VietGAP đáp ứng nhu cầu thị trường, xây dựng cơ sở bảo quản, đóng gói trái cây và công nghiệp chế biến sản phẩm từ trái cây… Cơ hội đầu tư nói trên cũng giành được sự  “hậu thuẫn” khá lớn từ các cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển nông nghiệp, nông thôn, trong đó có phát triển cây ăn quả, được quy định trong các văn bản pháp lý, như Quyết định số 01/2012/QĐ – TTg ngày 9/1/2012 của Thủ tướng Chính phủ về một số chính sách hỗ trợ việc áp dụng quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt trong nông nghiệp, Lâm nghiệp và thủy sản. 

Chuyên mục có sự hợp tác của Chương trình Xúc tiến Đầu tư (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn).
Bài viết đã được đăng ký bản quyền (DMCA). Nếu bạn đọc copy nội dung hãy để lại link về bài gốc hoặc ghi rõ nguồn camautravel.vn như một sự tri ân với tác giả.
Copyright © 2023 - 2024 | camautravel.vn | All Rights Reserved. DMCA.com Protection Status