Cục Đầu tư nước ngoài sẽ khảo sát nguyện vọng của doanh nghiệp (DN) Nhật Bản về việc thành lập một số khu công nghiệp (KCN) dành riêng cho đối tượng này.
“Nếu DN có nhu cầu, chúng tôi sẽ kiến nghị các cấp có thẩm quyền thành lập một số KCN dành riêng cho DN Nhật Bản. Trong những KCN này, chúng tôi bảo đảm đáp ứng đầy đủ cơ sở hạ tầng theo đúng ‘đơn đặt hàng’ của DN”, ông Đỗ Nhất Hoàng, Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cam kết.
Giải thích về ý tưởng thành lập KCN dành riêng cho DN Nhật Bản, ông Hoàng cho biết, Nhật Bản hiện đứng thứ 4 trong số các quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam. Đặc biệt, không giống nhà đầu tư đến từ nơi khác trên thế giới chủ yếu quan tâm đầu tư vào lĩnh vực bất động sản, tài chính, ngân hàng, bảo hiểm, bất động sản, phân phối bán lẻ…, DN Nhật Bản thường tập trung đầu tư vào lĩnh vực công nghiệp cơ khí chế tạo – dự án đầu tư lâu dài, mang lại giá trị gia tăng cao, thu hút nhiều lao động có tay nghề, ít bị ảnh hưởng bởi các yếu tố khách quan như lĩnh vực khác.
“Để khuyến khích DN đầu tư vào lĩnh vực này, ngoài việc thực hiện nhiều chính sách tài chính ưu đãi kịp thời, đúng đối tượng, đúng mục tiêu, nếu thành lập được những KCN chỉ dành riêng cho các DN đến từ một quốc gia, vùng lãnh thổ nào đó sẽ tạo động lực hấp dẫn DN đến đầu tư lâu dài tại Việt Nam”, ông Hoàng phát biểu.
Ông Nishikawa, đại diện Tổ chức Xúc tiến thương mại Nhật Bản (JETRO) tại Việt Nam cho biết, từ tháng 4/2011 đến nay, số lượng nhà đầu tư Nhật Bản đến Việt Nam tìm hiểu cơ hội đầu tư ngày một nhiều hơn, có ngày, JETRO tiếp 5 – 6 nhà đầu tư đến tìm hiểu cơ hội đầu tư. Nhà đầu tư Nhật Bản khi tìm kiếm cơ hội đầu tư ở nước nào đó thường trực tiếp khai thác thông tin từ những DN “đồng hương” đi trước. Vì vậy, cách tốt nhất để thu hút DN Nhật Bản là tạo điều kiện tốt nhất cho những DN đã đầu tư tại Việt Nam.
“KCN Bắc Thăng Long – Nội Bài có giá thuê đất khá cao, nhưng DN nào cũng muốn vào đây, bởi ngoài cơ sở hạ tầng tương đối tốt, khi DN có vướng mắc, chỉ cần gửi hồ sơ bằng tiếng Anh, thậm chí bằng tiếng Nhật cho Ban quản lý thì trong thời gian rất ngắn, DN sẽ nhận được kết quả xử lý, thay vì phải dịch hồ sơ sang tiếng Việt và phải đến nhiều cơ quan khác nhau để giải quyết từng vấn đề vướng mắc. Nếu thành lập KCN chuyên biệt cho DN Nhật Bản, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng nên nghiên cứu cơ chế một cửa đang được thực hiện tại KCN Bắc Thăng Long – Nội Bài”, ông Nishikawa đề xuất.
Liên quan đến vấn đề cơ sở hạ tầng, nhiều doanh nghiệp đang khá bức xúc với tình trạng thiếu điện, cắt điện không báo trước. “Từ đầu năm trở lại đây, có tháng, Công ty bị cắt điện cả chục lần, trong đó có những lần không được thông báo trước. Mỗi lần như vậy, chúng tôi bị thiệt hại 200 – 300 triệu đồng”, đại diện Công ty TNHH Cao su Inoue Vietnam – IRV (liên doanh giữa DN Việt Nam và Nhật Bản) than phiền và kiến nghị, nếu thành lập KCN dành riêng cho DN Nhật Bản, thì ngoài cơ chế, chính sách ưu đãi, hỗ trợ, cần phải bảo đảm cơ sở hạ tầng tốt nhất, trong đó giảm thiểu việc cắt điện.
Ông Đỗ Nhất Hoàng cũng thừa nhận việc thiếu điện, mất điện, chất lượng điện không ổn định đang là một trong những trở ngại thu hút đầu tư nước ngoài của Việt Nam. “Nhưng đối với KCN chuyên biệt dành riêng cho DN Nhật Bản, chúng tôi bảo đảm xây dựng cơ sở hạ tầng, bao gồm cả cấp điện, tốt hơn KCN Nomura; chất lượng dịch vụ cao hơn KCN Bắc Thăng Long – Nội Bài”.