Ông Nguyễn Đình Cung, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương cho biết, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang chủ trì xây dựng Dự thảo Thông tư liên tịch về thống nhất thủ tục hành chính liên quan đến đầu tư – đất đai – xây dựng. Theo yêu cầu, Dự thảo Thông tư sẽ hoàn tất trong quý III/2013.
Đó là thách thức lớn. Khi rà soát các thủ tục liên quan đến đầu tư – xây dựng – đất đai, chúng tôi điểm được 6 luật, 10 nghị định và từng đó thông tư liên quan đến nội dung này. Đó là chưa kể các văn bản hướng dẫn của các địa phương, thường thì mỗi địa phương ít nhất có một văn bản.
Ông Nguyễn Đình Cung, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương
Hơn thế, theo dõi quy định liên quan đến các thủ tục này, chúng tôi còn thấy có sự thay đổi liên tục. Nếu không cập nhật thường xuyên, doanh nghiệp sẽ rất khó tuân thủ.
Tuy nhiên, phải thấy rõ, đây là những thủ tục phức tạp, nhưng quan trọng.
Quan trọng vì, doanh nghiệp dù nhỏ hay lớn đều phải thực hiện, không phải thực hiện một lần mà nhiều lần, không phải làm một nơi mà nhiều nơi, doanh nghiệp càng phát triển nhanh thì nhu cầu càng nhiều…
Cải tiến sự phức tạp của quy trình thủ tục này rõ ràng là nhu cầu của các doanh nghiệp.
Chính phủ cũng nhìn nhận rất rõ vấn đề này. Trong các văn bản chỉ đạo của Chính phủ về các nhiệm vụ ưu tiên tái cơ cấu, cải cách thủ tục hành chính trong năm 2013 – 2015 đều nhấn mạnh rõ, cải cách thủ tục hành chính chuyên sâu trong đầu tư – đất đai – xây dựng là một trong những ưu tiên.
Việc xây dựng thông tư liên tịch này nằm trong nhiệm vụ của Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã được Thủ tướng Chính phủ giao.
Vì vậy, thấy trước được rằng, thông tư này chưa thể thay đổi được những tồn tại đang được quy định trong các văn bản luật, nghị định, song mục tiêu chính là minh bạch hoá, tiên lượng hoá được toàn bộ quy trình này cho cả cơ quan quản lý và doanh nghiệp.
Cụ thể thế nào, thưa ông?
Đối với từng doanh nghiệp, từng dự án thì thủ tục này là một quy trình liên tục. Nhưng với quy định pháp luật thì là cắt khúc. Chính vậy, có tình trạng là, nếu tách từng ngành thì quy định nào cũng có vẻ ổn.
Nhưng doanh nghiệp không thể theo hướng cắt khúc, mà phải tuân thủ toàn bộ quy trình. Vấn đề là, khi phối hợp, kết nối, doanh nghiệp và các tỉnh không biết rõ quy trình cần bắt đầu từ đâu, thủ tục trước làm gì, sau làm gì cho đúng, hồ sơ các loại thế nào, bao nhiêu thì đủ, điều kiện nào để giải quyết thủ tục, thời gian bao lâu…?
Với thông tư liên tịch, chúng tôi sẽ trả lời các câu hỏi đó. Với nguyên tắc không được trái các quy định của pháp luật hiện hành, nhưng thông tư có thể sắp xếp, đơn giản hoá hồ sơ, cải tiến quy trình thực hiện. Các thủ tục độc lập có thể hướng dẫn thưc hiện song song với nhau; với các thủ tục thực hiện bởi nhiều cơ quan, thì có thể giải quyết bằng hội đồng liên ngành có liên quan để thảo luận cùng một lúc.
Bước cải tiến này sẽ rút ngắn thời gian, giảm chi phí trong thực hiện các thủ tục hành chính cho doanh nghiệp, nhà đầu tư và cũng nhằm nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước trong các lĩnh vực này.
Việc thực hiện thực tế sẽ theo hướng nào, thưa ông?
Chúng tôi đề nghị để cho UBND tỉnh chủ động thực hiện phù hợp với tình hình địa phương sau khi quy trình thủ tục hành chính liên quan đến đầu tư – đất đai – xây dựng được ban hành.
Hiện tại, các tỉnh đều phải ban hành các quy định dành cho địa phương mình. Thực tế cho thấy, nhiều địa phương đang nỗ lực cải thiện thủ tục hành chính để tạo điều kiện cải thiện môi trưòng đầu tư – kinh doanh. Tuy nhiên, với cách làm hiện nay, nhiều khi, quy trình trở nên khá tuỳ tiện, không thống nhất.