Ngày 1/10/2010, Bộ Công Thương đã quyết định phê duyệt Đề án “Phát huy khả năng của các doanh nghiệp xuất nhập khẩu tổng hợp trong việc đẩy mạnh xuất khẩu sang thị trường Châu Phi”.
Theo Bộ Công Thương, mặc dù Châu Phi là một lục địa nghèo, có sự chênh lệch lớn giữa các nước nhưng nhờ có nguồn thu từ xuất khẩu nhiều loại tài nguyên quý và dân số đông nên đang là thị trường có sức mua mạnh, nhu cầu nhập khẩu hàng hóa để đáp ứng sản xuất và tiêu dùng rất lớn.
Trong cán cân ngoại thương với Châu Phi, Việt Nam thường xuất siêu với giá trị xuất khẩu cao gấp nhiều lần giá trị nhập khẩu. Khi các thị trường khác trên thế giới đang có xu hướng bão hòa hoặc đang tăng cường các biện pháp bảo hộ thông qua áp dụng các rào cản kỹ thuật thì thị trường Châu Phi vẫn mở ra nhiều cơ hội và triển vọng. Cho đến nay, thủy sản vẫn nằm trong nhóm hàng xuất khẩu có kim ngạch cao tại thị trường này.
Từ năm 2000 – 2003, mới chỉ có một vài quốc gia tại Châu Phi nhập khẩu thủy sản từ Việt Nam với khối lượng không lớn, từ 5 – 150 tấn thủy sản/năm như: Nam Phi, Trung Phi, Nigiêria, Libi, Angiêri, Ăngôla… Khối lượng thủy sản xuất khẩu sang Châu Phi tăng dần lên con số hàng nghìn tấn vào năm 2007: Ai Cập (7.000 tấn) , Nigiêria (1.300 tấn)…
Năm 2009, Ai Cập là thị trường lớn nhất ở Châu Phi của thủy sản Việt Nam khi tăng khối lượng nhập khẩu lên 29,6 nghìn tấn với giá trị 60,4 triệu USD, tiếp đến là Angiêri (2.800 tấn), Nam Phi (767 tấn), Libi (620 tấn), Marốc (364 tấn)…
8 tháng đầu năm 2010, Ai Cập đã nhập khẩu trên 16 nghìn tấn thủy sản (chủ yếu là tôm sú sống, tươi, đông lạnh, tôm sú chế biến, tôm chân trắng sống, tươi, đông lạnh, cá tra, nhuyễn thể…. từ Việt Nam, tiếp đó là Angiêri (1.900 tấn), Nigiêria (1.034 tấn), LiBi (407 tấn), Nam Phi (223 tấn)…
Hiện nay, cơ cấu hàng thủy sản xuất khẩu của Việt Nam sang Châu Phi ngày càng đa dạng do nhu cầu thị trường ngày càng lớn, yêu cầu về chất lượng và đòi hỏi về mẫu mã không quá khắt khe. Cá tra đang là mặt hàng thủy sản được ưa chuộng tại lục địa này. Trong đó, các thị trường tiêu thụ lớn cá tra Việt Nam là: Ai Cập, Nigiêria, Angiêri, Tuynidi…
Phần lớn, các quốc gia tại Châu Phi đều là những nước đang hoặc chậm phát triển nên nhu cầu nhập khẩu hàng hóa để đáp ứng sản xuất và tiêu dùng rất lớn. Kim ngạch nhập khẩu của lục địa này còn tiếp tục gia tăng và có xu hướng tăng mạnh trong thời gian tới.
Tiềm năng dồi dào nhưng nhiều luật lệ, cơ chế và chính sách kinh doanh của một số quốc gia tại lục địa này vẫn còn phức tạp, hệ thống cơ sở hạ tầng lạc hậu, hệ thống ngân hàng chưa phát triển, thông tin liên lạc còn hạn chế khiến các doanh nghiệp Việt Nam vẫn e ngại khi giao dịch và mở rộng hợp tác.
Nhiều nhà xuất khẩu Việt Nam cũng lo ngại về khả năng thanh toán chưa cao của các bạn hàng Châu Phi, chi phí vận tải lớn do khoảng cách xa, chi phí cho các hoạt động xúc tiến thương mại cho thị trường tốn kém, khách hàng Châu Phi ít có khả năng đảm bảo thực hiện trực tiếp những hợp đồng có giá trị lớn nếu không có sự bảo lãnh của bên thứ 3 (thường là các nhà kinh doanh hoặc tổ chức tài chính tín dụng có uy tín ở Châu Âu…).
Nhằm đẩy mạnh xuất khẩu hàng hoá và đồng thời góp phần hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam tăng cường thâm nhập vào thị trường Châu Phi, sắp tới, Bộ Công thương sẽ lựa chọn những doanh nghiệp có kinh nghiệm xuất nhập khẩu với thị trường Châu Phi, có năng lực tài chính tốt, đảm bảo thực hiện các hợp đồng xuất khẩu lớn, có chức năng xuất khẩu tổng hợp nhằm hạn chế rủi ro có thể xảy ra ở mức thấp nhất làm đầu mối xuất khẩu sang thị trường Châu Phi và được hỗ trợ theo cơ chế riêng.