Trong phiên chất vấn và trả lời chất vấn của UBTVQH, chiều 20/8, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Nguyễn Minh Quang đã trả lời thẳng thắn các vấn đề đang diễn ra bức xúc trong lĩnh vực đất đai và khai thác khoáng sản.
Chất vấn của các đại biểu Quốc hội tập trung vào những vấn đề lớn như: Kết quả triển khai việc giao và cấp giấy chứng nhận sử dụng đất; xử lý tồn đọng khiếu nại tố cáo của người dân về đất đai, sử dụng lãng phí đất đai; trách nhiệm quản lý Nhà nước về khai thác tài nguyên khoáng sản, gắn với bảo vệ môi trường.
Phấn đấu đạt tỷ lệ 85% cấp sổ đỏ lần đầu
Với nhiều câu hỏi mở đầu liên quan đất đai, các đại biểu La Ngọc Thoáng (Cao Bằng), Danh Út (Kiên Giang), Đỗ Văn Vẻ (Thái Bình) đề nghị Bộ trưởng Nguyễn Minh Quang làm rõ trách nhiệm về sự chậm trễ trong cấp sổ đỏ.
Các đại biểu cũng đề nghị Bộ trưởng nêu giải pháp giải quyết vấn đề tốc độ đô thị hoá ồ ạt hiện nay khiến nhiều nông dân sẽ không còn đất; công tác định giá đất còn bất cập và là nguyên nhân dẫn tới nhiều vụ khiếu kiện?
Thừa nhận công tác cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (sổ đỏ) lần đầu cho các hộ gia đình gian nan, Bộ trưởng Nguyễn Minh Quang cho biết Bộ Tài nguyên và Môi trường đang phấn đấu với tinh thần sẽ đạt tỷ lệ 85% cấp sổ đỏ lần đầu vào cuối năm 2013.
Tuy nhiên, người đứng đầu ngành Tài nguyên và Môi trường cũng chia sẻ: “Thời gian qua, Bộ đã có nhiều biện pháp phối hợp cùng các địa phương, nhưng chúng tôi sẽ không có cách nào nếu địa phương không cùng quyết liệt”.
Đối với 18 tỉnh triển khai chậm tiến độ, chủ yếu rơi vào các tỉnh nghèo của miền núi phía Bắc, miền Trung, Tây Nguyên, Bộ trưởng Nguyễn Minh Quang cho biết Bộ Tài nguyên và Môi trường đang kiến nghị Chính phủ hỗ trợ các địa phương này 1.000 tỷ đồng để đấy nhanh tiến độ cấp sổ đỏ.
Chưa đồng tình với quan điểm định giá đất theo giá thị trường, Bộ trưởng Nguyễn Minh Quang cho rằng cần phải xác định thế nào là giá thị trường trong điều kiện bình thường.
“Hiện nay chúng ta đang chạy theo giá đất bất động sản, một số doanh nghiệp bất động sản “tay không bắt giặc”, dựa vào vốn vay Nhà nước, mua đất, ghim đất đó, xây nhà, đó là giá đầu cơ không hề bình thường”, Bộ trưởng Nguyễn Minh Quang thẳng thắn nói. “Song trong dự thảo luật mới về đất đai cũng cố gắng làm sao đảm bảo người dân không bị thiệt thòi”.
Chia sẻ với Bộ trưởng Nguyễn Minh Quang về việc xử lý khiếu kiện tồn đọng liên quan đến xử lý đất đai, Tổng Thanh tra Chính phủ Huỳnh Phong Tranh cho biết, Thanh tra Chính phủ đã thành lập 28 tổ công tác triển khai từ tháng 6/2012 đến tháng 9/2012. Cuối tháng 6/2013 đã giải quyết được 415/528 vụ, đạt 88%, còn 63 vụ, trong đó 33 vụ rất phức tạp thuộc thẩm quyền địa phương.
Đánh giá tình hình khiếu nại kéo dài có dịu đi, tuy nhiên, theo Tổng Thanh tra Huỳnh Phong Tranh, tới đây ngoài việc sửa đổi Luật Đất đai liên quan đến các cơ chế chính sách, cần nâng cao trách nhiệm của hệ thống chính trị tham gia tiếp dân, giải quyết các vấn đề tố cáo, nâng cao trách nhiệm của các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền trong việc phổ biến pháp luật.
Khai thác khoáng sản diễn biến phức tạp
Ngay sau khi Luật Khoáng sản có hiệu lực từ 1/1/2011, Bộ Tài Nguyên và Môi trường đã tập trung xây dựng các văn bản hướng dẫn bao gồm Nghị định 155 và Nghị định 22 về đấu giá quyền khai thác khoáng sản, một số văn bản khác cũng đã trình Chính phủ và sẽ ban hành thời gian tới. Theo Bộ trưởng Nguyễn Minh Quang trong năm 2013 sẽ hoàn thành xong các văn bản hướng dẫn.
Tuy nhiên, theo đại biểu Danh Út (Kiên Giang), Luật Khoáng sản có hiệu lực 2 năm song việc khai thác khoáng sản vẫn diễn ra phức tạp. Thừa nhận có tình trạng này, Bộ trưởng Nguyễn Minh Quang cho biết năm 2013, Bộ thành lập 8 đoàn kiểm tra, phát hiện nhiều sai phạm. Cụ thể, 103 giấy phép được cấp không đúng thẩm quyền, 37 giấy phép được cấp khi mỏ chưa có quy hoạch phê duyệt, 52 dự án cấp phép cho các đối tượng không đăng ký kinh doanh ngành nghề, 128 dự án cấp phép không qua đấu thầu, 395 dự án được cấp khi chưa cấp giấy phép kinh doanh, 29 dự án cấp phép khi chưa có đánh giá tác động môi trường…
Bộ Tài nguyên và Môi trường đã kiến nghị Chính phủ thu hồi giấy phép đã cấp không đúng quy định với 9 tỉnh, đình chỉ khai thác 11 tỉnh chưa có đánh giá trữ lượng thăm dò.
Bộ trưởng Nguyễn Minh Quang cho rằng để xảy ra tình trạng cấp phép sai nói trên trước hết là trách nhiệm của địa phương, có địa phương cố tình làm sai, vì vậy lãnh đạo các tỉnh cần tăng cường hơn trong việc kiểm tra, kiểm soát.
Liên quan đến việc công bố khu vực khoáng sản phân tán nhỏ lẻ, Bộ trưởng Nguyễn Minh Quang khẳng định quan điểm của Bộ Tài nguyên và Môi trường là hết sức hạn chế những khu vực này.
“Ở các khu vực này càng đào càng thiệt, Nhà nước không thu được ngân sách, dân không được hưởng lợi, môi trường bị phá. Do vậy, quan điểm của Bộ là hạn chế công bố khu vực khoáng sản nhỏ lẻ”, Bộ trưởng Nguyễn Minh Quang nói.