Tin tức

Thận trọng với đầu tư ra nước ngoài

Cuối tuần trước, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã phát đi công văn yêu cầu các tập đoàn, tổng công ty nhà nước, các doanh nghiệp (DN) rà soát tình hình thực hiện các dự án đầu tư ra nước ngoài và cân đối lại kế hoạch đầu tư, chuyển vốn ra nước ngoài trong năm 2011.

Thông điệp được đưa ra rất rõ ràng, đó là các chủ đầu tư phải xác định rõ nhu cầu chuyển vốn đầu tư ra nước ngoài, cũng như lộ trình thực hiện dự án nhằm đáp ứng yêu cầu về tiến độ của dự án, đồng thời đảm bảo phù hợp với chủ trương của Chính phủ trong việc thực hiện chính sách thắt chặt tiền tệ, nhằm kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô và bảo đảm an sinh xã hội.

 

Tuần này, số liệu đầu tư ra nước ngoài 3 tháng đầu năm 2011 được công bố, với 19 dự án có tổng vốn đầu tư gần 1,26 tỷ USD và hiện đã có khoảng 200 triệu USD được chuyển ra nước ngoài để thực hiện dự án.

 

Theo dự báo, năm 2011 sẽ có khoảng 1,8-2 tỷ USD vốn đăng ký đầu tư ra nước ngoài với 800-900 triệu USD được giải ngân trong của các doanh nghiệp Việt Nam, có thể thấy, hoạt động đầu tư ra nước ngoài của các doanh nghiệp Việt Nam sôi động ngay từ đầu năm.

 

Chỉ có điều, trong thời điểm này, sự sôi động của dòng vốn đầu tư ra nước ngoài đang tạo thêm áp lực lớn cho cán cân thanh toán quốc tế của Việt Nam, nhất là khi mà trong những báo cáo gần đây về hiệu quả đầu tư ra nước ngoài cho thấy, khoản lợi nhuận chuyển về nước rất thấp, với lý do các dự án đều đang trong giai đoạn đầu tư ban đầu.

 

Không những thế, thông tin về chương trình xúc tiến đầu tư ra nước ngoài rầm rộ với kinh phí rất lớn đang được lên kế hoạch để trình duyệt cũng gây nên những hiệu ứng trái ngược. Rất có thể hoạt động này sẽ khởi động hàng loạt dự án mới, bổ sung các con số thống kê mới trong bảng số liệu về đầu tư ra nước ngoài. Tuy nhiên, trước khi những cơ hội đó được nắm bắt, sẽ thêm một lượng ngoại tệ không nhỏ được chuyển ra ngoài phục vụ những hoạt động xúc tiến vào lúc này.

 

Lẽ dĩ nhiên, tìm kiếm lợi nhuận là mục tiêu đầu tiên và xuyên suốt trong hoạt động của doanh nghiệp. Điều này cũng có nghĩa là, doanh nghiệp có quyền đầu tư, chấm dứt đầu tư các dự án theo các bài toán kinh tế mà họ đang theo đuổi, miễn là không vi phạm pháp luật.

 

Song, với các dự án đầu tư ra nước ngoài, bài toán kinh tế không đơn giản dừng lại ở quyền khai thác các cơ hội ngoài biên giới theo đúng quy định của pháp luật, mà còn phụ thuộc rất lớn vào nội lực của nền kinh tế quốc gia đầu tư ra nước ngoài.

 

Kinh nghiệm của Hàn Quốc, Nhật Bản và Trung Quốc cho thấy, có ít nhất hai yếu tố thúc đẩy sự thành công trong hoạt động đầu tư ra nước ngoài của các quốc gia này. Một là, các quốc gia này đều đã trải qua giai đoạn tập trung tích tụ tài sản thông qua thu hút đầu tư nước ngoài vào các ngành, lĩnh vực hướng tới xuất khẩu với thế hệ doanh nghiệp mạnh, có thương hiệu tầm cỡ thế giới, nắm giữ công nghệ nguồn, có nhu cầu mở rộng sản xuất và tầm ảnh hưởng ra nước ngoài. Hai là, sự hậu thuẫn của hệ thống ngân hàng song hành với các kế hoạch đầu tư ra nước ngoài.

 

Dường như các doanh nghiệp Việt Nam vẫn chưa hội tụ đủ các điều kiện được cho là ít nhất này để thu được nguồn lợi lớn từ các cơ hội ngoài biên giới. 

 

Trong bối cảnh tình hình kinh tế vĩ mô bất ổn, đặc biệt là cán cân thanh toán đang trong tình trạng thâm hụt, việc đầu tư ra nước ngoài, nhất là đầu tư của các tập đoàn nhà nước cần được tính toán kỹ, nhằm đảm bảo mang lại hiệu quả kinh tế, đồng thời phù hợp với thực lực của nền kinh tế.

 

Cũng đã đến lúc cần khảo sát, đánh giá một cách tổng thể hiệu quả của các dự án đã được cấp phép trong 10 năm qua để kịp thời chấn chỉnh những bất cập và có chính sách phù hợp về đầu tư ra nước ngoài trong những năm tới.
Bài viết đã được đăng ký bản quyền (DMCA). Nếu bạn đọc copy nội dung hãy để lại link về bài gốc hoặc ghi rõ nguồn camautravel.vn như một sự tri ân với tác giả.
Copyright © 2023 - 2024 | camautravel.vn | All Rights Reserved. DMCA.com Protection Status