Tin tức

Tạo đột phá để thu hút FDI

Đề án Định hướng nâng cao hiệu quả thu hút, sử dụng, quản lý vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đến năm 2020 đang được xây dựng, nhưng câu hỏi đặt ra là, có đột phá nào hay không trong đề án này để thực hiện mục tiêu nâng chất FDI trong giai đoạn tới.

Dẫn câu chuyện rằng, trong các cuộc tiếp xúc gần đây với lãnh đạo của Tổ chức Xúc tiến thương mại Nhật Bản (JETRO), cũng như các nhà đầu tư Nhật Bản, khi được hỏi về cơ hội của Việt Nam trong bối cảnh nhiều doanh nghiệp Nhật Bản đang rút khỏi Trung Quốc, thì câu trả lời nhận được là “cái chính là môi trường đầu tư của Việt Nam”, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh nhấn mạnh: không cải thiện môi trường đầu tư thì không thể thu hút  được FDI.

 

Cải thiện môi trường đầu tư – một mệnh đề không mới và thực tế nhiều năm qua, Việt Nam đã luôn cố gắng để thực hiện nhiệm vụ quan trọng này, nhưng khi được đặt ra trong bối cảnh Việt Nam đang muốn nâng cao chất lượng, hiệu quả của dòng vốn FDI, hay nói cách khác là tối ưu hóa lợi ích của FDI, thì đòi hỏi những giải pháp phải đột phá thực sự.

 

“Nhà đầu tư Nhật đã luôn tìm hiểu về điểm đến Việt Nam, chứ không phải bây giờ họ mới làm điều ấy. Có lẽ cũng nên đặt câu hỏi, vì sao hằng năm, đầu tư của Nhật Bản vào Thái Lan cao cấp 3 lần vào Việt Nam”, ông Đỗ Nhất Hoàng, Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) nói và cho biết, có 4 nguyên tắc cơ bản khi đề ra các giải pháp để tối ưu hóa lợi ích của FDI, đó là luật pháp, chính sách đồng bộ, rõ ràng; tính thực thi cao ở tất cả các cấp; ưu đãi phải đủ sức hấp dẫn và cạnh tranh; các chủ trương về các khâu đột phá phải thực sự đột phá, đảm bảo có sự chuyển dịch đáng kể, được nhà đầu tư công nhận.

 

Có tới gần 150 vấn đề vướng mắc pháp luật về đầu tư, kinh doanh liên quan đến khu vực kinh tế FDI cần phải sửa đổi, theo tổng hợp của Cục Đầu tư nước ngoài. Những vướng mắc này liên quan tới rất nhiều luật, nghị định, thông tư… và vì thế, để đảm bảo tính đồng bộ về thể chế, chính sách, ông Hoàng cho rằng, nên có một luật để sửa nhiều luật cùng một lúc, bởi nếu chỉ sửa từng luật, thì khó tránh khỏi chồng chéo và bó chân nhau.

 

Hiện nay, một xu hướng khá rõ ràng, đó là, nhiều khi luật chuyên ngành lại “thắng thế”. Chỉ đơn cử câu chuyện không thống nhất giữa Luật Đầu tư và Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp, khiến cho hiện nay, các dự án đầu tư mở rộng không được hưởng ưu đãi đầu tư, đã cho thấy sự bất cập, thiếu đồng bộ trong cơ chế, chính sách của Việt Nam.

 

“Tại sao lại chỉ ưu đãi đầu tư cho các dự án mới, trong khi các dự án mở rộng mới chính là đối tượng cần được khuyến khích đầu tư. Bởi lẽ, đó là những dự án đã sản xuất – kinh doanh hiệu quả, và nhà đầu tư muốn làm ăn lâu dài ở Việt Nam”, Bộ trưởng Bùi Quang Vinh đặt câu hỏi.

 

Cũng liên quan đến câu chuyện tạo sự đột phá, đề án mà Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang xây dựng cũng đề xuất cơ chế thưởng ưu đãi cho các nhà đầu tư thực hiện tốt các cam kết đầu tư, cũng như sản xuất – kinh doanh có hiệu quả tại Việt Nam. Tương tự như vậy, việc xúc tiến đầu tư cũng được Bộ trưởng Bùi Quang Vinh cho rằng cần được “cải tổ” trong thời gian tới.

 

“Tôi sang Nhật, sang Hàn Quốc, thấy các đối tác kêu rất nhiều về việc một năm phải đón mấy chục đoàn Việt Nam sang xúc tiến đầu tư, rất mệt mỏi, mà lại không có gì khác biệt để đủ sức kêu gọi nhà đầu tư của họ”, Bộ trưởng Vinh nói và cho rằng, một cơ chế điều phối các chương trình xúc tiến đầu tư ở tầm quốc gia cũng cần được thiết lập. Hơn nữa, nên dựa vào chính các nhà đầu tư đã và đang đầu tư ở Việt Nam để “xúc tiến”. Tiếng nói của các nhà đầu tư này có trọng lượng hơn rất nhiều so với những “đề bài rất giống nhau” mà các địa phương đã bày lên bàn cho các đối tác đầu tư.

 

Một câu chuyện khác, được một chuyên gia về FDI, cho rằng, phải nhân dịp tổng kết 25 năm FDI để tổ chức một diễn đàn đầu tư như năm 1991 Việt Nam đã từng làm. “Chính phủ Việt Nam phải làm sao gửi thông điệp rõ ràng và đầy sức thuyết phục tới các nhà đầu tư về định hướng, cũng như những cam kết cải thiện môi trường đầu tư, nhằm lấy lại niềm tin của các nhà đầu tư. Năm 1991, Việt Nam đã làm như vậy và sau đó, đã có một làn sóng đầu tư vào Việt Nam”.

 
Bài viết đã được đăng ký bản quyền (DMCA). Nếu bạn đọc copy nội dung hãy để lại link về bài gốc hoặc ghi rõ nguồn camautravel.vn như một sự tri ân với tác giả.
Copyright © 2023 - 2024 | camautravel.vn | All Rights Reserved. DMCA.com Protection Status