Chiều 20/11, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải chủ trì cuộc họp lần thứ nhất Ban chỉ đạo về đầu tư theo hình thức đối tác công – tư PPP.
Ban Chỉ đạo về đầu tư PPP được thành lập mới đây theo Quyết định số 1624/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, do Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải là Trưởng ban có chức năng giúp Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ nghiên cứu, chỉ đạo, triển khai thực hiện mô hình đầu tư theo hình thức đối tác công – tư (PPP) hiện đang cần đẩy mạnh sau 2 năm thực hiện thí điểm.
Có khả năng huy động 70-80 tỷ USD trong 10 năm
Sau hình thức đầu tư BOT, BTO, BT,… (được coi là mô hình PPP truyền thống), đầu tư PPP theo Quyết định số 71/2010/QĐ-TTg là hình thức đầu tư PPP hiện đại với việc nhà nước và nhà đầu tư cùng phối hợp thực hiện dự án phát triển kết cấu hạ tầng, cung cấp dịch vụ công trên cơ sở Hợp đồng dự án.
Thời gian 2 năm thí điểm, các cơ quan trung ương đã hình thành một bộ máy chuyên trách về mô hình mới và khá phức tạp này, đồng thời tiến hành xúc tiến, giới thiệu và kêu gọi tại các diễn đàn, với các đối tác về việc triển khai PPP tại Việt Nam.
Thông qua đó, các đối tác đã bày tỏ sự ủng hộ, quan tâm đến khả năng triển khai PPP tại Việt Nam và nhận định rằng, nếu việc triển khai đảm bảo theo thông lệ quốc tế như đấu thầu cạnh tranh, công khai, minh bạch thì các đối tác phát triển và nhà đầu tư sẵn sàng tham gia. Trong trường hợp đó, khả năng huy động 70-80 tỷ USD trong vòng 10 năm tới là có thể thực hiện được.
Trên thực tế, cộng đồng các nhà tài trợ đã hỗ trợ Việt Nam nghiên cứu, làm rõ mô hình PPP, điều kiện cần và đủ khi triển khai PPP. Đặc biệt, hiện các định chế tàichính như WB, ADB, AFD, DFID, USAID đã và đang xúc tiến cho Việt Nam vay vốn và các khoản viện trợ ODA để triển khai PPP.
Hiện các cơ quan chuyên ngành cũng đã tiếp cận và đánh giá một số dự án cụ thể về khả năng áp dụng PPP để triển khai đầu tư.
Tuy nhiên, theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, việc triển khai mô hình này còn nhiều vấnđề khó khăn và phức tạp. Do là phương thức mới, chưa có tiền lệ nên cơ chế quản lý, áp dụng khi ban hành bộc lộ nhiều quy định chưa phù hợp. Văn bản hướng dẫn cụ thể thiếu nên các dự án được đề xuất cũng không triển khai được hoặc không khả thi. Ngay tư duy về triển khai PPP cho thấy chưa thực sự khác biệt, hấp dẫn hơn so với các mô hình đầu tư truyền thống khác.
Tại cuộc họp, đại diện các Bộ, ngành, địa phương đã giải trình những dự án đề xuất thuộc lĩnh vực phụ trách với những vấn đề gặp phải khi nghiên cứu, triển khai. Đó là các dự án đường Biên Hoà – Vũng Tàu, cao tốc Ninh Bình – Bãi Vọt, Dự án cung cấp dịch vụ hậu cần bệnh viện, Dự án cấp nước sông Đuống, Dự án phát triển mạng lưới xe buyt Đà nẵng,…
Vấn đề chung mà các dự án gặp phải là chưa tạo được nền tảng pháp lý đủ mạnhvà hấp dẫn, thu hút được khối đầu tư ngoài nhà nước, một số tiêu chí lựa chọn dự án, lựa chọn nhà đầu tư, phân chia rủi ro, quản lý và sử dụng phần tham gia của Nhà nước cần được làm rõ và phù hợp thực tế hơn,…
Các nhà quản lý kỳ vọng Ban chỉ đạo sẽ có những quyết sách mới hoặc đề xuất xử lý cơ bản được những vấn đề nổi cộm, tạo điều kiện để các dự án PPP triển khaihiệu quả trên thực tế.
Trọng tâm là xây dựng, hoàn thiện cơ chế phù hợp
Kết luận cuộc họp, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải nhấn mạnh, mô hình PPP là xu thế huy động đầu tư phổ biến từ lâu trên thế giới, đặc biệt đối với Việt Nam trong bối cảnh nguồn lực đầu tư từ ngân sách hạn hẹp, nhu cầu đầu tư hạ tầng, dịch vụ xã hội rất cao thì việc kêu gọi các nguồn lực xã hội có mục tiêu “win-win” (hai bên cùng có lợi) cho cả Nhà nước và nhà đầu tư là tất yếu.
Thực tế cho thấy, áp dụng mô hình này không dễ dàng, đặc biệt là hệ thống thể chế, cơ chế quản lý, áp dụng phức tạp hơn nhiều so với các mô hình đầu tư ngân sách hoặc tư nhân hoàn toàn. Vì vậy, nhiệm vụ tiên quyết của Ban chỉ đạo PPP, các cơ quan liên quan là xây dựng được thể chế, mô hình quản lý phù hợp với thông lệ quốc tế và đặc biệt là thực tế kinh tế tài chính của Việt Nam.
Cụ thể, Bộ KHĐT là đầu mối sớm trình Thủ tướng Chính phủ sửa đổi, bổ sung tổng thể các cơ chế về việc thu hút, quản lý, sử dụng vốn xã hội, trong đó có các văn bản điều chỉnh về PPP với những vấn đề còn tồn tại, bất cập nổi cộm.
Việc sửa đổi văn bản pháp luật sẽ là nhiệm vụ trọng tâm của Ban chỉ đạo PPP trong kế hoạch năm tới, cùng với việc hoàn thiện quy chế hoạt động, ổn định tổ chức bộ máy.
Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải cũng yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương có những dự án PPP quy mô lớn, phức tạp xây dựng, hoàn thiện sớm một bộ máy thực thi, quản lý chuyên môn về PPP. Từ đó, rà soát các dự án không phân biệt quy mô mà căn cứ vào tiềm năng hấp dẫn nhà đầu tư theo các lĩnh vực ưu tiên để lập danh mục dự án đề xuất triển khai PPP