Đó là đề nghị của các cơ quan đại diện và các doanh nghiệp (DN) Nhật Bản đối với Chính phủ và các địa phương, nhằm tạo thế cạnh tranh với Thái Lan và Indonesia trong thu hút đầu tư nước ngoài.
Đề nghị này được đưa ra tại Hội nghị Xúc tiến đầu tư Nhật Bản vào tỉnh Đồng Nai được tổ chức cuối tuần qua, dưới sự phối hợp của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, UBND tỉnh Đồng Nai, Tổ chức Thúc đẩy ngoại thương Nhật Bản (JETRO) cùng Hiệp hội DN Nhật Bản tại Việt Nam.
Tại Hội nghị, các nhà đầu tư Nhật Bản khẳng định, Việt Nam vẫn nằm trong danh sách thị trường mà doanh nghiệp Nhật Bản quan tâm, đồng thời bày tỏ ý định mở rộng sản xuất tại Việt Nam. Điển hình, ông Keiichi Muto, Tổng giám đốc Công ty TNHH Sản phẩm công nghiệp Toshiba Asia (TIPA) cho biết, Công ty đang tiếp tục tăng công suất nhà máy sản xuất động cơ điện hiệu suất cao (dùng trong công nghiệp) tại Khu công nghiệp Amata nhằm đạt 1,2 triệu sản phẩm vào năm 2015, với mục tiêu cung cấp sản phẩm cho thị trường toàn cầu, đặc biệt là thị trường Bắc Mỹ.
Công ty Ajinomoto Việt Nam (Khu công nghiệp Biên Hòa I) cũng thông tin, trong tương lai, Ajinomoto sẽ mở rộng đầu tư sang một số lĩnh vực khác, bên cạnh việc sản xuất bột ngọt và gia vị. Ông Toshiyuki Nakane, Tổng giám đốc Ajinomoto Việt Nam cho biết, những năm gần đây, quan hệ giữa doanh nghiệp với nông dân, cụ thể là trong cam kết về nguồn nguyên liệu, đã được cải thiện.
Không dừng lại ở câu chuyện mở rộng đầu tư, các nhà đầu tư Nhật Bản cũng hướng tới việc di dời nhà máy từ các nước khác sang Việt Nam. Cụ thể, TIPA đang có kế hoạch chuyển nhà máy từ Đại Liên (Trung Quốc) sang Việt Nam.
Tuy nhiên, ông Yoshida Sakae, Giám đốc điều hành Văn phòng TP.HCM của JETRO lưu ý, năm 2015, thị trường khu vực ASEAN sẽ hợp nhất, một số DN Nhật Bản sẽ tập trung mạnh mẽ vào thị trường Việt Nam, nhưng cũng có DN rút khỏi thị trường và tìm đến những thị trường khác như Thái Lan hay Indonesia. “Năm nay, đã có khá nhiều nhà đầu tư Nhật Bản sang tìm hiểu thị trường Campuchia. Do đó, Chính phủ Việt Nam cần ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo nguồn điện sản xuất và nguồn nhân lực để tạo lợi thế trong “cuộc đua” này”, ông Yoshida Sakae nói.
Liên quan đến vấn đề trên, ông Toshio Kazama, Tổng giám đốc Công ty TNHH Phát triển Khu công nghiệp Long Bình (Loteco, TP. Biên Hòa) tỏ ra lo ngại, đang có hiện tượng người lao động quay lại làm việc trong các khu công nghiệp của tỉnh nhà, dù mức lương thấp hơn 30 – 40%. Đó là chưa kể, nhiều khu công nghiệp cũng mọc lên ở các tỉnh khác đã kéo khoảng 60 – 70% lượng lao động sang.
Ông Toshio Kazama cũng cho rằng, để giữ chân người lao động và tạo niềm tin cho nhà đầu tư, chính quyền địa phương cần phối hợp với DN xây nhà ở cho người lao động. Đây cũng là nội dung quan trọng trong thỏa thuận chung về cải thiện môi trường đầu tư tại Việt Nam thuộc Sáng kiến chung Việt – Nhật giai đoạn 4 được Chính phủ hai nước ký kết năm 2003. Theo đó, sau khi thực hiện giai đoạn 3 về khảo sát, điều tra nhà ở của người lao động, từ năm 2011, thỏa thuận này sẽ được hiện thực hóa bằng việc DN cùng chính quyền địa phương phối hợp để xây nhà ở cho công nhân. Ngoài ra, đại diện Hiệp hội DN Nhật Bản tại TP.HCM và Đồng Nai cũng yêu cầu chính quyền địa phương cần ngăn chặn kịp thời các vụ đình công bất hợp pháp.