Hai quy định về các hình thức đầu tư PPP và BOT, BT, BTO sẽ được gộp trong một nghị định chung về PPP, với việc mở rộng thêm các hình thức hợp đồng dự án. Phần tham gia của Nhà nước trong các dự án này cũng được nâng lên 50%.
Dự thảo Nghị định về đầu tư theo hình thức đối tác công – tư (PPP), dựa trên cơ sở hợp nhất Nghị định số 108/2009/NĐ – CP về đầu tư theo hình thức hợp đồng BOT, BTO, BT và Quyết định số 71/2010/QĐ – TTg về thí điểm đầu tư theo hình thức PPP đã chính thức được Bộ Kế hoạch và Đầu tư đưa ra lấy ý kiến công luận.
Mô hình Dự án Đường cao tốc Dầu Giây – Phan Thiết. Ảnh: Hà Thanh
“Đã có những hạn chế phát sinh trong quá trình thực hiện hai quy định pháp luật nói trên. Sự thiếu tương thích giữa hai văn bản pháp luật này cũng đã gây nghi ngại cho nhà đầu tư và các nhà tài trợ về tính khả thi và tính thống nhất trong chính sách thu hút đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng tại Việt Nam. Vì thế, việc hợp nhất Nghị định 108/2006/NĐ – CP và Quyết định 71/2010/QĐ – TTg là yêu cầu khách quan không chỉ để khắc phục những hạn chế của từng văn bản, mà còn nhằm đảm bảo tính đồng bộ, hiệu quả trong chính sách thu hút đầu tư theo hình thức PPP”, ông Trần Hào Hùng, Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) lý giải.
Hợp nhất hai văn bản trong một nghị định, song thực tiễn đầu tư cho thấy, nếu chỉ quy định các loại hợp đồng dự án PPP, BOT, BTO, BT là chưa đủ. Vì thế, Dự thảo Nghị định đã bổ sung các hình thức hợp đồng khác như xây dựng – sở hữu – kinh doanh (BOO); thiết kế – xây dựng – thu xếp vốn – kinh doanh – chuyển giao (DBFMOT); xây dựng – thu xếp vốn – kinh doanh – bảo trì (BFOM); và kinh doanh – quản lý (O&M).
Tuy chưa được quy định trong các văn bản pháp luật, nhưng trên thực tế, các hợp đồng DBFMOT và BFOM đang được đề xuất thực hiện đối với Dự án đường cao tốc Dầu Giây – Phan Thiết và Dự án Đường cao tốc Ninh Bình – Bãi Vọt. Hợp đồng BOO và O&M cũng đã được áp dụng phổ biến để thực hiện một số dự án nhà máy nước và dự án điện nhỏ.
“Việc bổ sung các hình thức hợp đồng dự án nêu trên không chỉ đáp ứng nhu cầu thực hiện một số dự án đang trong quá trình chuẩn bị đầu tư, mà còn tạo cơ sở pháp lý để áp dụng thống nhất một số hình thức hợp đồng dự án đã được thực hiện trên thực tế ở Việt Nam”, ông Hùng nói.
Một trong những điểm đáng chú ý của Dự thảo Nghị định về PPP, đó là những quy định cụ thể, minh bạch về phần tham gia của Nhà nước trong dự án, nhằm tăng tính khả thi của dự án, cũng như đề cao trách nhiệm của nhà đầu tư. Theo đó, phần tham gia của Nhà nước được xác định bao gồm vốn, tài sản nhà nước, giá trị quyền sử dụng đất và các nguồn tài chính khác. Các nguồn lực này được sử dụng để hỗ trợ trực tiếp vào việc thực hiện dự án, với mức tối đa không quá 50% tổng vốn đầu tư của dự án. Các bảo đảm, hỗ trợ khác của Nhà nước, như bảo lãnh Chính phủ, bảo đảm cân đối ngoại tệ… được xác định trong báo cáo nghiên cứu khả thi và không tính vào phần tham gia của Nhà nước.
Tuy nhiên, Dự thảo cũng quy định rõ, nguồn vốn Nhà nước trong phần tham gia của Nhà nước sẽ không được vượt quá 30% tổng vốn đầu tư của dự án. Nguồn vốn này bao gồm vốn từ ngân sách nhà nước, trái phiếu chính phủ, trái phiếu chính quyền địa phương, nguồn vốn ODA, vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ và các nguồn vốn khác, và chỉ được sử dụng để hỗ trợ, bổ sung chi phí xây dựng công trình dự án. Ngoài ra, theo Dự thảo, các nguồn vốn nhà nước sử dụng để tổ chức bồi thường, giải phóng mặt bằng, tái định cư hoặc xây dựng công trình phụ trợ cũng sẽ không tính vào tổng vốn đầu tư của dự án, cũng như phần tham gia của Nhà nước.
Như vậy, có thể hiểu, sự tham gia của Nhà nước trong các dự án PPP sẽ cao hơn so với các quy định trước đây ở Quyết định 71/2010/QĐ – TTg. Mặc dù vậy, các điều kiện ràng buộc cũng khá rõ ràng, Chẳng hạn, Điều 15 Dự thảo Nghị định quy định: vốn nhà nước chỉ được giải ngân sau khi 50% tổng vốn đầu tư của dự án đã được giải ngân theo tiến độ thỏa thuận trong hợp đồng dự án và phù hợp với kế hoạch sử dụng vốn nhà nước được phê duyệt, đồng thời được hạch toán độc lập với phần vốn góp, vốn huy động của nhà đầu tư/doanh nghiệp dự án.