Trong khuôn khổ chuyến thăm và làm việc tại Việt Nam, chiều ngày 04/4, Bộ trưởng Kinh tế Cộng hòa Belarus Snovkov N.G đã có buổi làm việc với Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh.
(MPI Portal) – Trong khuôn khổ chuyến thăm và làm việc tại Việt Nam, chiều ngày 04/4, Bộ trưởng Kinh tế Cộng hòa Belarus Snovkov N.G đã có buổi làm việc với Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh.
Việt Nam và Belarus đã thiết lập quan hệ ngoại giao từ tháng 01/1992. Hai nước đã hợp tác với nhau trên nhiều lĩnh vực như khoa học và công nghệ, lao động, an ninh-quốc phòng, y tế, văn hóa, thông tin, thể thao và du lịch…
Belarus có diện tích gần 207.600 km2, dân số hơn 10 triệu người, nằm ở khu vực Đông châu Âu. Belarus có nhiều thế mạnh trên các lĩnh vực như cơ khí, điện tử quang học, hóa chất, phân bón, gỗ, giấy, chế biến cao su.
Tại buổi làm việc, Bộ trưởng Bùi Quang Vinh và Bộ trưởng Snovkov N.G đều cho rằng tiềm năng hợp tác đầu tư giữa hai bên là rất lớn, Việt Nam chính là cửa ngõ để Belarus thâm nhập vào thị trường ASEAN đầy tiềm năng, đồng thời Belarus cũng có thể là cầu nối giúp Việt Nam thâm nhập thị trường các nước Đông châu Âu.
Quan hệ kinh tế – thương mại giữa hai nước trong thời gian gần đây đã có những bước phát triển tích cực nhưng nhìn chung vẫn chưa tương xứng với tiềm năng của hai bên.
Do đó, Bộ trưởng Bùi Quang Vinh đề nghị hai bên tạo điều kiện hơn nữa cho cộng đồng doanh nghiệp hai nước có cơ hội trao đổi, tiếp xúc nhằm thúc đẩy quá trình giao thương và đầu tư; Tăng cường các hoạt động xúc tiến đầu tư để Belarus hiểu hơn về đất nước, con người Việt Nam nhất là những thuận lợi cũng như cơ hội mới khi đầu tư vào Việt Nam; Khuyến khích các doanh nghiệp Belarus đầu tư vào các nghành công nghiệp cơ khí, điện tử, là những lĩnh vực mà Belarus có thế mạnh và Việt Nam có tiềm năng.
Về phía Việt Nam, Bộ trưởng Bùi Quang Vinh khẳng định sẽ nỗ lực hỗ trợ các dự án của Belarus có dự định hoặc đàm phán chuẩn bị đầu tư.
Hai Bộ trưởng cũng thống nhất và cho rằng cần tăng cường khuyến khích và hỗ trợ đầu tư của doanh nghiệp sang thị trường của nhau bằng hình thức hội thảo, trao đổi thông tin của doanh nghiệp hoặc tổ chức các đoàn doanh nghiệp đi khảo sát thị trường lẫn nhau hoặc kết hợp các chuyến thăm và làm việc của các đoàn lãnh đạo cấp cao hai nước./.