Tin tức

Sức ép về lượng từ dự án FDI đầu tư vào chế biến

Số lượng áp đảo các dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) quy mô nhỏ trong lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo đang làm tăng thêm áp lực cạnh tranh cho doanh nghiệp trong nước.

Chỉ trong vòng 1 tháng vừa qua, có tới 37 dự án đầu tư trong lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo được cấp phép, vượt xa các lĩnh vực khác. Động thái này vẫn bám theo xu hướng lâu nay trong thu hút nguồn vốn FDI vào Việt Nam, đó là tỷ lệ các dự án đầu tư vào chế biến, chế tạo thường dẫn đầu.

 

Tuy nhiên, nếu tính quy mô bình quân (theo số liệu lũy kế đến tháng 3/2011 của Cục Đầu tư nước ngoài – Bộ Kế hoạch và Đầu tư), các dự án trong lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo lại khá nhỏ, với trên 4,3 triệu USD/dự án, so với mức 32 triệu USD/dự án bất động sản, gần 19 triệu USD/dự án phân phối điện, nước, khí hay gần 35 triệu USD/dự án khai khoáng…

 

Theo phân tích của ông Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, mặc dù số liệu thống kê về FDI không có được thông tin rõ ràng về chất đối với các dự án trong công nghiệp chế biến, như là trình độ công nghệ, lao động…, song lệ thường, đi kèm với vốn đầu tư thấp là công nghệ lạc hậu, khả năng chuyển giao công nghệ không cao.

 

Nếu như nhìn vào xu hướng lựa chọn hình thức đầu tư 100% vốn nước ngoài đang lấn át lớn các hình thức đầu tư khác, có thể thấy, các doanh nghiệp nước ngoài đang ngày càng thắt chặt mối quan hệ với công ty mẹ, trong khi sự kết nối với doanh nghiệp Việt Nam ngày càng lỏng lẻo, khiến tính lan tỏa về công nghệ, quản lý giữa khu vực FDI và doanh nghiệp trong nước rất kém.

 

Tất nhiên, một phần lý do của hạn chế trên xuất phát từ thực tế năng lực nhiều doanh nghiệp Việt Nam chưa đáp ứng được yêu cầu của các doanh nghiệp FDI. Khảo sát mới đây của Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) cho thấy, Công ty Fujitsu Việt Nam sử dụng 100% linh kiện và nguyên vật liệu nhập khẩu, Công ty Panasonic Việt Nam chỉ sử dụng được thùng carton và xốp của doanh nghiệp Việt Nam…

 

Bà Nguyễn Thị Tuệ Anh, Trưởng ban Môi trường kinh doanh và Năng lực cạnh tranh (CIEM) phát hiện rằng, không hề có chính sách hỗ trợ tạo mạng lưới liên kết sản xuất giữa doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp trong nước, cho dù số doanh nghiệp FDI trong các ngành này chiếm tỷ trọng lớn.

 

Mặc dù vậy, ông Nguyễn Tú Anh, chuyên viên của CIEM cho biết, đa số doanh nghiệp FDI đầu tư vào Việt Nam có quy mô vừa và nhỏ, trình độ công nghệ không cao, thâm nhập thị trường Việt Nam theo một chiến lược kinh doanh đa dạng hóa do công ty mẹ chi phối, với mục đích chuyển một phần năng lực sản xuất thừa nước ngoài để phân tán rủi ro.

 

“Những công ty con thế hệ thứ 2 hoặc thứ 3 thường thực hiện những công đoạn sau cùng của chuỗi giá trị sản phẩm, công đoạn không đòi hỏi công nghệ cao, kỹ năng cao và các doanh nghiệp phụ trợ tại địa phương. Do đó, họ không có động lực chuyển giao công nghệ, thúc đẩy hiệu ứng tràn của dòng vốn FDI. Đây cũng chính là một trong những nguyên nhân dẫn tới việc vốn FDI ở Việt Nam dễ biến động do các công ty nhỏ thường không có chiến lược đầu tư lâu dài theo lãnh thổ”, ông Tú Anh phân tích.

 

Rõ ràng, khi thu hút các dự án FDI quy mô nhỏ, với công nghệ thấp, sử dụng lao động rẻ, nếu không có những xem xét thận trọng thì hai mục tiêu của Việt Nam là nhận chuyển giao công nghệ và tạo liên kết giữa doanh nghiệp trong nước và nước ngoài thông qua doanh nghiệp FDI đều không đạt được.

 

“Kinh nghiệm của Hàn Quốc trong thu hút FDI cho thấy, với các dự án nhỏ có khả năng chèn lấn doanh nghiệp nội địa, đưa công nghệ thấp, nước này có chính sách xem xét cấp phép rất chặt chẽ”, ông Thiên nói và khuyến nghị, các dự án công nghiệp phải hướng vào mục tiêu phát triển công nghiệp hỗ trợ, chứ không nên tiếp tục cách thức thu hút đầu tư đủ loại vào khu công nghiệp như hiện nay.
Bài viết đã được đăng ký bản quyền (DMCA). Nếu bạn đọc copy nội dung hãy để lại link về bài gốc hoặc ghi rõ nguồn camautravel.vn như một sự tri ân với tác giả.
Copyright © 2023 - 2024 | camautravel.vn | All Rights Reserved. DMCA.com Protection Status