Bộ Công Thương sẽ trực tiếp cấp phép loại hình này đồng thời nâng mức thuế pháp định, nâng mức kí quỹ…
Thông tin từ đại diện Cục Quản lý cạnh tranh cho biết, ở Việt Nam hiện nay, lúc cao điểm có tới 90 doanh nghiệp đăng ký bán hàng theo mô hình này, tuy nhiên hiện chỉ còn 61 doanh nghiệp còn hoạt động, 3 doanh nghiệp bị thu hồi giấy phép.
“Loại hình này tác động không tốt, ảnh hưởng đến kinh tế xã hội của nhiều địa phương. Trước đây, việc cấp phép giao cho địa phương, nhưng các doanh nghiệp tại địa phương lại chuyển kinh doanh ra những thành phố lớn như Hà Nội, TP HCM”, ông Nam cho biết.
Theo ông Nam, do mức độ nghiêm trọng của mô hình này, tới đây, Cục Quản lý cạnh tranh đã đề xuất Bộ Công Thương trình Chính phủ sửa đổi Nghị định 110 về quản lý bán hàng đa cấp. Cục đã họp với các doanh nghiệp tham khảo ý kiến địa phương và công khai thông tin trên website của Cục Quản lý cạnh tranh.
Với đề suất sửa đổi, Nghị định 110 sẽ thay đổi việc cấp giấy phép bán hàng đa cấp theo hướng kiểm soát chặt chẽ. Trước kia việc cấp phép cho doanh nghiệp bán hàng đa cấp được giao cho các địa phương, nay sẽ tập trung đầu mối giao Bộ Công Thương cấp giấy phép như loại hình kinh doanh có điều kiện.
Đặc biệt, theo ông Nam, việc sửa đổi nghị định sẽ cấm loại hình kinh doanh đa cấp theo kim tự tháp, vì đây là loại hình tập trung vào các nguồn thu không chính đáng, thu phí gia nhập, phí gia hạn hợp đồng… Đồng thời, sẽ nâng mức thuế pháp định của doanh nghiệp lên, mức ký quỹ nâng lên 5 tỉ đồng và bằng tiền mặt (trước đây quy định ký quỹ 1 tỉ đồng thông qua bảo lãnh ngân hàng hoặc thế chấp bằng tài sản).
“Cần thiết phải có một mức kinh phí đủ để các doanh nghiệp trang trải các khoản kinh doanh. Mức ký quỹ 1 tỷ đồng như trước kia thông qua bảo lãnh ngân hàng khi thế chấp bằng tài sản đã gây khó khăn trong xử lý và người tiêu dùng thường chịu thiệt”, ông Nam nói./.