Ông Nguyễn Viết Mạnh – Vụ trưởng Vụ Tín dụng (Ngân hàng Nhà nước) cho biết, đã hoàn tất dự thảo Thông tư hướng dẫn gói tín dụng 30.000 tỷ đồng để sẵn sàng ban hành trong vài ngày tới.
Tham dự buổi Tọa đàm “Khả năng hồi phục của thị trường bất động sản” ngày 9/5/2013 tại Báo Đầu tư, ông Nguyễn Viết Mạnh – Vụ trưởng Vụ Tín dụng Ngân hàng Nhà nước cho biết, Ngân hàng Nhà nước vừa phối hợp với Bộ Xây dựng hoàn thiện Thông tư quy định chính sách cho vay nhà ở theo Nghị quyết 02 của Chính phủ và dự kiến sẽ ký ban hành trong một vài ngày tới.
Theo đó, Ngân hàng Nhà nước yêu cầu dành khoảng 30.000 tỷ đồng để cho vay các đối tượng là cán bộ công chức, lực lượng vũ trang, đối tượng thu nhập thấp để mua, thuê, thuê mua nhà ở xã hội và nhà ở thương mại chuyển đổi công năng sang nhà ở xã hội cũng như là các DN xây dựng các loại nhà ở này, với lãi suất thấp (6%/năm) và thời hạn dài (khoảng 10 năm đối với cá nhân, hộ gia đình và 5 năm đối với DN).
Trong khi đó, ông Vũ Xuân Thiện, Phó Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng) cho biết, Bộ Xây dựng cũng đã hoàn tất dự thảo Thông tư quy định về đối tượng và điều kiện được vay để thuê, mua, thuê mua nhà ở xã hội và mua, thuê nhà ở thương mại có diện tích nhỏ hơn 70 m2 và có giá bán dưới 15 triệu đồng/m2 theo Nghị quyết 02 của Chính phủ. “Hiện dự thảo thông tư này đã được đặt lên bàn bộ trưởng”, ông Thiện nói. Nếu được ban hành, đây là thông tư thứ hai của Bộ Xây dựng hướng dẫn thực hiện Nghị quyết 02 của Chính phủ liên quan đến bất động sản.
Bình luận về ý kiến để thị trường bất động sản “rơi tự do”, ông Võ Đại Lược, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính trị thế giới cho rằng, giá bất động sản tại nước ta trong 10 năm gần đây đã tăng lên 10 lần. Lý do cơ bản cho sự tăng giá phi lý này là tình trạng dòng vốn đầu cơ ào ạt đổ vào thị trường này với hy vọng thu lời nhanh do giá leo thang hàng ngày.
“Dường như thị trường BĐS đã được thả nổi bùng phát và thậm chí còn được chính quyền các cấp hỗ trợ cho sự bùng phát đó bằng việc phê duyệt các quy hoạch, cấp phép,…”, ông Lược nói và cho rằng, hậu quả là cung vượt quá xa cầu thực tế và bong bong bất động sản nổ là điều khó tránh khỏi.
Ở một góc nhìn khác, GS. TS Nguyễn Mại, nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về hợp tác và đầu tư, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp FDI nhìn nhận, việc phát triển ồ ạt nhiều dự án đô thị, nhà ở thời gian qua và việc để đóng băng quá dài thị trường bất động sản Việt Nam một phần bắt nguồn từ chính sách quá thoáng trước đó và các khoản tín dụng ngân hàng khá lớn đổ vào các doanh nghiệp bất động sản và nhà đầu cơ.
Dẫn chứng về câu chuyện học thuyết “rơi tự do” của các nền kinh tế lớn như Mỹ, Anh Quốc vào những năm cuối thế kỷ trước đã thất bại như thế nào, ông Mại cho rằng, quan điểm Nhà nước không nên bơm tiền để cứu các doanh nghiệp bất động sản vì họ đã “ăn đủ” là rất phiến diện, không thấy rằng thị trường bất động sản vừa là kinh tế, vừa là xã hội, vì thế không thể để mặc thị trường tự điều tiết theo “bàn tay vô hình”.
Ông Mại chỉ ra rằng, về kinh tế, việc để quá lâu tình trạng hàng chục ngàn căn hộ, hàng vạn biệt thự bỏ hoang gây lãng phí nghiêm trọng nguồn lực của đất nước, trong khi có thể và cần phải giải quyết nhanh hơn, hiệu quả hơn. Về vấn đề xã hội, nhà ở là một trong những nhu cầu thiết yếu của con người, chính sách nhà ở là một trong những chính sách quan trọng của Nhà nước.
Phát biểu tại buổi tọa đàm, GS. TSKH Đặng Hùng Võ cho rằng, nói Nghị quyết 02/NQ – CP ngày 7/1/2013 của Chính phủ là văn bản giải cứu thị trường bất động sản, nhà đầu tư bất động sản là không đúng. Chúng ta phải xem đây là sự can thiệp cần thiết của Nhà nước vào thị trường, trong đó một dung lượng khá lớn của chính sách tập trung vào giải quyết nhà ở cho người lao động. Hướng của Nghị quyết cũng không tập trung chỉ cho các doanh nghiệp, đó là hướng nhằm bảo đảm tìm lối ra cho mọi khó khăn của nền kinh tế đất nước hiện nay.
“Để thành tiếng, phải vỗ bằng 2 bàn tay”, ông Võ nói!
Theo TS. Nguyễn Trí Hiếu, thành viên HĐQT Ngân hàng Đại Dương (OceanBank), tháo gỡ khó khăn cho bất động sản hiện nay là việc phải làm. Nếu không làm thì không chỉ “sập tiệm” mấy ông kinh doanh bất động sản mà còn kéo theo nhiều ngành nghề khác từ nguyên vật liệu, xi măng, lao động, dịch vụ… nên chúng ta không thể để thị trường bất động sản “rơi tự do”.
Ông Hiếu cho biết, nợ xấu trong lĩnh vực bất động sản hiện rơi vào khoảng 250 ngàn tỷ đồng. Trong đó 58% là các khoản nợ có tài sản đảm bảo bằng bất động sản. Một số công ty tư vấn cũng cho tôi biết, hàng tồn kho bất động sản hiện chiếm khoảng 140 ngàn tỷ giá trị hàng tồn kho hiện tại. 140 ngàn tỷ sản so với 250 nghìn tỷ nợ xấu có liên quan đến bất động sản có nghĩa là hàng tồn kho chiếm phần lớn số nợ xấu.
Như vậy, rõ ràng phải giải quyết được nợ xấu mới giải quyết được hàng tồn kho, giải phóng được hàng tồn kho thì sẽ giải phóng được thị trường bất động sản. Nếu muốn phục hồi thị trường bất động sản, vấn đề nợ xấu phải được giải quyết và giải quyết một cách cấp bách, từ đó thị trường bất động sản có tính thanh khoản và kinh tế phát triển!