Tạo hành lang pháp lý chặt chẽ và hợp lý để quản lý hiệu quả các dự án đầu tư công là một việc cần phải làm ngay.
Các Quyết định đầu tư, nguồn vốn và thời gian triển khai các dự án công sẽ trở nên minh bạch và dễ đoán định hơn
Sau nhiều lần kiên trì kiến nghị, lần này, Đại biểu Quốc hội, TS Trần Du Lịch tỏ ra hài lòng vì dự án Luật Đầu tư công sẽ được trình ra cơ quan lập pháp tại kỳ họp thứ 6 đang diễn ra, dù mới là cho ý kiến lần đầu. Trong cuộc trò chuyện với phóng viên, ông Lịch nhấn mạnh, điểm tiến bộ nhất của dự luật là thiết lập một quy chuẩn cho việc đưa ra những quyết định đầu tư, hạn chế tối đa những chủ trương đầu tư được đưa ra một cách tùy hứng, thiếu sự cân nhắc kỹ càng về mọi phương diện.
Thực tế, đối với hoạt động đầu tư công – tư kết hợp, hiện đang có hai văn bản song hành (Quyết định 71/2010 QĐ-TTg về thí điểm đầu tư theo hình thức PPP (đầu tư công – tư kết hợp) và Nghị định số 108/2009/NĐ-CP về đầu tư theo hình thức BOT (Xây dựng – Kinh doanh – Chuyển giao), BTO (Xây dựng – Chuyển giao – Kinh doanh), BT (Xây dựng – Chuyển giao). Tuy nhiên, nhà đầu tư cho rằng, quy định hiện hành còn quá chung chung, không đưa ra được lời giải cho nhiều vấn đề có thể nảy sinh trong thực tế. Ngoài ra, do tồn tại hai văn bản dưới luật khác nhau nên các nhà đầu tư nhiều lúc không hình dung được sự khác nhau giữa các hình thức BOT, BTO, BT với khái niệm PPP. Khi nào thì áp dụng Quyết định 171 và khi nào thì áp dụng Nghị định 108, giống nhau và khác nhau giữa hai văn bản này là gì… Tới đây, khi Luật Đầu tư công có hiệu lực, một Nghị định về hình thức đầu tư PPP theo hướng “nhất thể hóa” hai văn bản pháp lý nêu trên cũng sẽ được ban hành, tạo ra cách hiểu, cách thực hiện thống nhất. Sẽ không có chuyện nhà đầu tư phải tính toán thiệt hơn xem “nên làm theo 71 hay 108”.
Một trong những “kiến trúc sư” của nghị định nêu trên, Cục trưởng Cục Quản lý đấu thầu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, ông Lê Văn Tăng, cho biết: “Nghị định sẽ thiết lập một cơ chế thật sự rõ ràng, chi tiết để trả lời cho nhiều câu hỏi của nhà đầu tư. Chẳng hạn như khi đầu tư một con đường, thu phí bằng tiền đồng Việt Nam, sau này nhà nước có cam kết bán ngoại tệ để nhà đầu tư có thể chuyển về nước hay không? Đất của dự án nhà đầu tư có được dùng để thế chấp vay vốn từ ngân hàng và tổ chức đầu tư tài chính hay không; cơ chế tham gia của nhà nước như thế nào…”. Với các tổ chức tài chính ngân hàng – người cung cấp tín dụng cho nhà đầu tư, có khi chiếm tới 70- 80% giá trị dự án – mối băn khoăn về việc trong trường hợp xấu, nhà đầu tư bị phá sản, hoặc không còn năng lực thực hiện tiếp dự án đang dang dở thì họ có quyền được “kéo” nhà đầu tư khác vào hay không, xử lý hậu quả như thế nào… cũng sẽ được giải đáp.