“Không có gì đáng lo”. Đó là bình luận của GS-TSKH Nguyễn Mại, nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về Hợp tác và Đầu tư, sau khi nghiên cứu khoảng 30 bản báo cáo của các địa phương về tình hình vay vốn của các doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (DN FDI) trong thời gian qua.
Chưa có một báo cáo chính thức, bởi Bộ Kế hoạch và Đầu tư vẫn đang trong quá trình tổng hợp báo cáo của các địa phương, các tổ chức tín dụng về tình hình vay vốn trong và ngoài nước của các DN FDI, song từ những thông tin mà phóng viên Báo Đầu tư thu thập được, thì có lẽ, các DN FDI vay vốn của các tổ chức tín dụng trong nước không nhiều và có vẻ như, những lo ngại suốt thời gian qua của dư luận về câu chuyện “vốn FDI nhưng lại là vốn nội”, hay “FDI – lấy mỡ nó rán nó”… không hẳn là sự thật.
Thống kê từ các địa phương cho thấy, ngoại trừ Bắc Ninh có số lượng vốn vay trong nước cao hơn nước ngoài (khoảng 1.848 tỷ đồng so với 1.618 tỷ đồng), thì ở hầu hết các địa phương đã có báo cáo, tỷ lệ DN FDI có vay vốn trong nước thấp. Chẳng hạn, ở Bà Rịa – Vũng Tàu khoảng 10/40 DN; ở Quảng Nam có 4/15 DN; ở Đồng Nai có 7/25 DN có vay vốn trong nước…
Tính về giá trị tuyệt đối, ở hầu hết các địa phương, số lượng này không lớn. Đồng Nai có lẽ là một trong những tỉnh có lượng vốn vay trong nước khá nhiều, lên tới trên 85 triệu USD. Tuy nhiên, hầu hết các khoản vay này đều từ các ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam, chứ không phải từ ngân hàng trong nước. Lượng vốn vay của DN FDI ở Bắc Ninh cũng vậy, một phần không nhỏ là từ các ngân hàng nước ngoài đang có mặt tại Việt Nam. “Nếu là vốn vay trong nước nhưng có nguồn gốc từ các tổ chức tín dụng nước ngoài thì cũng không đáng ngại. Các tổ chức tín dụng này chính là một kênh rất quan trọng để khơi thông vốn FDI vào Việt Nam”, ông Mại nói.
Những thống kê sơ bộ nói trên cho thấy, có thể tạm vơi nỗi lo về tình trạng vay vốn trong nước của các DN FDI thời gian qua. Và rằng, vốn FDI vào Việt Nam đích thực là vốn ngoại, chứ không phải chỉ là vốn nội như dư luận đã từng quan ngại. Song, cũng phải thẳng thắn một điều rằng, trong số những báo cáo mà Báo Đầu tư thu thập được, không có những địa phương đứng đầu trong danh sách thu hút FDI ở Việt Nam, như TP.HCM, Hà Nội, Bình Dương, Đà Nẵng…
Hơn thế, ở những tỉnh có báo cáo, hầu hết mới có các dự án trong lĩnh vực sản xuất thuộc diện nhỏ, thiếu những dự án lớn và đặc biệt là những dự án tỷ USD trong lĩnh vực bất động sản – lĩnh vực có nhiều nghi vấn nhất về chuyện “lấy mỡ nó rán nó”.
Do đó, những gì chúng ta đang thấy chỉ là một phần của sự thật. Một sự thật khác là, trong khi các dự án sản xuất ít vay vốn trong nước, thì một số dự án FDI, đặc biệt là các dự án lớn trong lĩnh vực bất động sản không chỉ huy động vốn vay trong nước từ các tổ chức tài chính trong nước, mà còn huy động vốn trong dân ngay từ khi dự án mới bắt đầu khởi động. Thậm chí, trong báo cáo ở các địa phương, cũng có dự án, chẳng hạn ở Bắc Ninh, 100% là vay vốn ở trong nước.
“Đúng là các nhà đầu tư nước ngoài có thể vay vốn trong nước, pháp luật không cấm điều đó, nhưng hiện giờ nguồn lực trong nước có hạn, dự trữ ngoại tệ không lớn, Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước phải có chỉ dẫn nào đó với các ngân hàng thương mại, không thể để tình trạng nhà đầu tư nước ngoài vào đây dùng tiền Việt Nam để thu lợi tại Việt Nam được”, GS-TSKH Nguyễn Mại nói và cho rằng, phải dành vốn cho các doanh nghiệp Việt Nam, nhất là trong bối cảnh Chính phủ đang thắt chặt tín dụng.
Quan điểm này cũng nhận được sự đồng tình của ông Ngô Sỹ Bích, Trưởng ban Quản lý các KCN tỉnh Bắc Ninh. Theo ông Bích, các ngân hàng có vai trò rất quan trọng trong việc kiểm tra, giám sát vốn vay của các DN FDI, bởi nếu không, mục tiêu thu hút vốn FDI sẽ không còn nhiều ý nghĩa.
Trong khi đó, theo ông Phan Hữu Thắng, nguyên Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài, mặc dù không thể cấm DN FDI vay vốn trong nước, nhưng đối với từng lĩnh vực cụ thể, có thể phải giới hạn tỷ lệ vay vốn trong nước một cách hợp lý. “Chỉ nên cho huy động vốn đối với những dự án cần vốn đối ứng của phía Việt Nam, hoặc những dự án mà DN Việt Nam không thể làm được”, ông Thắng nói.
Cùng với đó, một khía cạnh quan trọng khác, theo GS-TSKH Nguyễn Mại, đối với những dự án FDI trong lĩnh vực bất động sản đã thu lợi lớn, Nhà nước phải có cách để thu hồi một phần khoản lợi nhuận này thông qua chính sách thuế.
Thông tin mới đây về việc Dự án Phú Mỹ Hưng (Tp.HCM), trong 15 năm hoạt động vừa qua, nhà đã bán từ lâu, mỗi năm chủ đầu tư chuyển về nước 120-130 triệu USD, nhưng Việt Nam vẫn chưa thu được ngay cả tiền thuế sử dụng đất rõ ràng là rất đáng lưu tâm.