Tin tức

Quản lý tôm chân trắng và hàu Thái Bình Dương

Phán quyết không chính xác của một quan tòa có thể tước đoạt tự do của một hay vài người, nhưng một quyết định quản lý “không thấu tình đạt lý”, đưa ra không đúng lúc có thể làm hàng nghìn, hàng vạn người khuynh gia bại sản.

Dân có được biết, được bàn?

Ngày 01/7/2011, Bộ Tài nguyên Môi trường (Bộ TNMT) ban hành Thông tư 22/2011/TT-BTNMT (sau đây viết tắt là TT22), trong đó liệt tôm thẻ chân trắng (Litopenaeus vannamei) và hàu Thái Bình Dương (Crassostrea gigas) vào nhóm các “loài ngoại lai có nguy cơ xâm hại”.

Ngày 9/8/2011, Bộ NN&PTNT có công văn số 2285/BNN-PTNT, đề nghị BTNMT đưa 2 loài đó ra khỏi danh mục nói trên và nêu rõ khi thông tư còn đang dự thảo xin ý kiến các bộ, ngành, ngày 14/4/2011, Bộ NN&PTNT đã có văn bản góp ý số 972/BNNTCTS, gửi Bộ Tài nguyên và Môi trường, trong đó đã “đề xuất đưa tôm thẻ chân trắng (TCT) ra khỏi danh mục các loài ngoại lai có nguy cơ xâm hại, và tại thời điểm đó, Bộ Tài nguyên và Môi trường chưa đưa hàu Thái Bình Dương (hàu TBD) vào trong danh mục loài ngoại lai có nguy cơ xâm hại.”

Đúng ngày TT22 có hiệu lực thi hành (15/8/2011), Thứ trưởng Bộ TNMT Bùi Cách Tuyến ký văn bản số 2994/BTNMT-TCMT trả lời không đồng ý rút tên TCT và hàu TBD ra khỏi danh mục loài ngoại lai có nguy cơ xâm hại như đề nghị của Bộ NN&PTNT, đồng thời “đề nghị Bộ NN&PTNT cung cấp các thông tin, tài liệu liên quan đến quá trình và kết quả nghiên cứu, khảo nghiệm, đánh giá về các khả năng xâm hại của các loài ngoại lai này”.

Chưa bàn đến việc nên hay chưa nên gọi TCT và hàu TBD là “loài ngoại lai có nguy cơ xâm hại”, chỉ từ lời qua tiếng lại giữa 2 Bộ đã thấy rõ đang có vấn đề nổi cộm. Liệu có đơn giản chỉ là các Bộ “kênh” nhau?

Qua hiện tượng này, có thể thấy trong nhiều trường hợp, việc gửi dự thảo văn bản quy phạm pháp luật để xin ý kiến trước khi ban hành dường như chỉ là hình thức, vì “anh góp gì thì góp, tôi vẫn có quyền làm theo ý tôi, không cần giải thích”. Kể cả nội dung không xin góp ý (như đối với hàu TBD), tôi thấy thích đưa thì tôi cũng cứ đưa vào, chẳng sao?!!

Vấn đề nghiêm trọng hơn, khi một văn bản quản lý ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống của hàng vạn người dân, nhưng công chúng và cả cơ quan quản lý địa phương không hề được hỏi ý kiến. Vậy, người dân có còn là “gốc” của đất nước? “Dân biết, dân bàn, dân kiểm tra” cái gì? Hay đó chỉ là những lời sáo rỗng.

“Kinh cung chi điểu”

TCT và hàu TBD là 2 loài thủy sản được di giống rất rộng rãi, mang lại sản lượng lớn ở nhiều nơi trên thế giới, tài liệu viết về chúng nhiều và những lời cảnh báo cũng thường xuyên được lặp đi lặp lại. Hai nguy cơ được chú ý nhất của TCT là thoát ra môi trường và mang theo vius gây hội chứng Taura (TSV). Đã có những cảnh báo ấy, thì “thà bắt nhầm còn hơn bỏ sót”, cứ xếp chúng vào danh sách loài ngoại lai nguy hiểm cho “yên tâm”! Quả là Bộ TNMT hành xử theo kiểu “phải cung rày đã sợ làn cây cong” (Kiều, Nguyễn Du).

Bộ TNMT lại đặt cho Bộ NN&PTNT một bài toán khó: phải cung cấp quá trình và kết quả nghiên cứu khả năng xâm hại của các loài được nhắc đến. Có thể chưa nhà khoa học Việt Nam nào thử thả một đàn TCT vào vịnh Hạ Long, rồi theo dõi mấy năm xem chúng có sinh con đẻ cái ở đây không, và có gây hại cho môi trường hay không! Điều chắc chắn hơn là, với trình độ khai thác tôm của ngư dân ta và tình trạng suy giảm nghiêm trọng nguồn lợi tôm biển hiện nay, chắc khó có con TCT nào lọt ra biển có thể sống sót và phát triển thành “quần đàn gây hại”!

Do TCT được di giống vào nuôi ở những khu vực trước đó đã nuôi tôm sú hoặc các loài tôm khác gặp nhiều khó khăn hay bị thất bại, nên chúng không gây ra tranh chấp sử dụng đất hay tác động xấu hơn đến môi trường. Quả thực, sau trận lụt ở Surat Thani và Pranburi (Thái Lan) năm 2003, hàng triệu TCT giống đã bị thoát ra biển, và sau đó ngư dân đã bắt được chúng trong vịnh Adaman. Nhưng không ai có bằng chứng là TCT đã tạo ra quần đàn, hay đã lai tạp với đàn tôm tự nhiên ở Thái Lan. Nhiều nơi khác ở châu Á, châu Mỹ, nam Thái Bình Dương, tình hình không có gì khác. Tất nhiên, với cách tiếp cận thận trọng, các nhà khoa học vẫn khuyên phải theo dõi tiếp.
Có tác giả nước ngoài đã viết “nếu TCT có thể sinh sản và tạo thành quần đàn ở những ‘vùng trắng về sinh thái’ hay những nơi mà quần đàn tôm bản địa bị suy giảm, chúng có thể là nguồn bổ sung cho sản lượng tôm ở đó”. Thực tế hơn 10 năm vào Việt Nam, chưa nơi nào ngư dân cho biết đã đánh bắt được TCT. Có thể có lẫn vài con nhưng chẳng ai để ý. Trước đây, khi đi điều tra thực địa, chúng tôi biết, nguồn lợi tôm biển Việt Nam đã bị khai thác đến gần cạn kiệt. Chẳng hạn ở “mỏ tôm” Mỹ, Miều (Quảng Ninh), những năm 1990 một tàu nhỏ đánh bắt một đêm được 20- 30kg tôm, nay chỉ còn 0,5-2,0 kg. Giá như có thêm nguồn lợi TCT để khai thác, cuộc sống ngư dân có thể sẽ khá lên nhiều!

Về chuyện bệnh tật, sau khi bùng phát ở một số nơi vào những năm 1993-1994, mặc dù TSV vẫn bị phát hiện và gây bệnh lẻ tẻ trên TCT ở một vài nơi, nhưng không nơi nào trên thế giới bùng phát thành dịch thêm lần nào nữa. Ngày nay, người ta đã sản xuất và sử dụng phổ biến giống TCT sạch bệnh, thậm chí là giống kháng bệnh để nuôi.

Dịch bệnh đã bùng phát ở TCT nuôi ở nhiều nước, trong đó có Việt Nam, song khôngphải là hội chứng Taura. Trong trường hợp này, TCT là “bị hại” chứ không phải là thủ phạm, đúng như lời cảnh báo: “loài vật nuôi khi đưa đến môi trường khác có thể bị lây nhiễm những bệnh mới hoặc phải đối mặt với loài thiên địch mới”. Ngay cả nguyên nhân khiến tôm nuôi ở ĐBSCL chết trên diện rộng vào nửa đầu năm nay, theo xác định của các chuyên gia bệnh học hàng đầu thế giới, không hề là tội của TCT. Vì vậy, thật phi lôgic khi đem chuyện tôm chết để quy TCT là loài ngoại lai nguy hiểm.

So với TCT, hàu TBD còn nổi tiếng hơn. Theo tài liệu của FAO, trên trái đất, chỉ còn mỗi châu Nam Cực là nơi người ta chưa đưa chúng đến nuôi. Và có nhà khoa học đã nói, để nuôi sống 9 tỷ người trên trái đất vào năm 2050, cần có một “cuộc cách mạng xanh mới” dựa vào canh tác biển, trong đó hàu, các loài nhuyễn thể hai vỏ và rong tảo là những tiên phong, theo sau là những loài khác.

Không chỉ là nguồn dinh dưỡng hảo hạng, hàu TBD còn có nhiều tác dụng khác. Với đặc tính ăn lọc, hàu được coi là bộ máy làm sạch môi trường rất tuyệt vời, kể cả để làm sạch môi trường ở những vùng nuôi trồng thủy sản. Nghiên cứu của các nhà khoa học Trường đại học Nam California còn cho biết, hàu đã giúp khôi phục nhanh hệ sinh thái vùng rạn đã bị phá hoại do nạn khai thác quá mức ở vùng vịnh California.

Tuy được nuôi rộng rãi đến thế, nhưng những lời phàn nàn về sự “xâm hại” của loài hàu này lại rất hiếm. Ở Hà Lan, chính quyền hạn chế khai thác vẹm xanh giống vì phải để dành nguồn lợi làm thức ăn cho chim biển, nên sản lượng vẹm xanh nuôi (văn bản của Bộ TNMT gọi là “trai vỏ xanh” – có lẽ là dịch nghĩa đen của từ tiếng Anh) bị sụt giảm và người ta nghĩ đến việc nhập hàu TBD để nuôi thay. Tuy vậy, người nuôi vẹm lại kêu ca là hàu thường bám vào nhau thành từng búi lớn, làm ảnh hưởng đến việc khai thác vẹm.

Cái tâm của người quản lý

Lấy lý do ý nghĩa kinh tế để yêu cầu đưa TCT và hàu TBD ra khỏi danh sách động vật ngoại lai có nguy cơ xâm hại có vẻ là cách hành xử chưa thỏa đáng, bởi như chuyện phá rừng, chúng ta sẽ phải trả giá đắt lâu dài nếu chỉ vì cái lợi trước mắt. Tuy nhiên, nếu theo các nhà môi trường cực đoan, mọi hoạt động của con người – kể cả cấy lúa, đánh cá,…- đều có hại cho môi trường và đều đáng bị lên án. Nhưng chúng ta không thể không làm những việc ấy để làm đẹp lòng họ.

Bởi vậy, vai trò của hành vi quản lý, thực chất là xử lý thông tin, cân nhắc giữa cái lợi và cái giá phải trả để đưa ra quyết định đúng.


Muốn thế, trước hết phải có đủ thông tin trung thực và đáng tin cậy. Đáng tiếc, nếu đọc những gì được viết trong văn bản 2994/ BTNMT-TCMT, có thể thấy căn cứ thông tin thật sự là không nhiều, mà một số còn bị diễn đạt sai hoặc theo cách dễ gây hiểu lầm. Thậm chí có cả cách lập luận rất khó hiểu: TCT từng bị xếp vào danh mục “xám”, nghĩa là chưa rõ có hại hay không, đến nay chưa thấy có kết luận là không gây hại, vậy thì phải xếp vào loại gây hại?! Phải chăng đó chỉ là do thận trọng thái quá.

Số phận con TCT ở Việt Nam thật long đong đến đáng thương! Bộ Thủy sản trước đây đã thận trọng thái quá, khiến nó vào Việt Nam chậm hơn các nước láng giềng cả chục năm, và suốt cả bấy nhiêu năm họ cũng chẳng làm gì để xem thận trọng là đúng hay không. Vất vả, long đong, được đón tiếp không mặn mà như thế, nhưng chỉ trong mấy năm ít ỏi vừa qua, TCT đã kịp khẳng định vị thế của mình, khi mỗi năm đã đem về cho Việt Nam gần ½ tỷ USD từ XK (năm 2011 thậm chí có thể tới hơn 600 triệu USD). Con số đó chắc chắn là có ý nghĩa, không chỉ với một nước như Việt Nam, mà với cả các nước giàu hơn nhiều.

Lâu nay, người ta hay nói đến sự vô cảm của một số người “có chức có quyền”. Đọc lời phát biểu của một quan chức là thành viên của Hội đồng Tư vấn Khoa học cho Bộ TNMT đăng trên báo Thanh Niên, chúng tôi thấy giật mình: “Việc quyết định của Hội đồng Tư vấn vẫn để “mở” chứ chưa “đóng” hoàn toàn…, mà có thể trong quá trình nghiên cứu thấy bất hợp lý và đủ bằng chứng, hội đồng họp lại và sẽ thay đổi”. Theo ông này, làm như vậy là “đặt quyền lợi chính đáng của nhân dân lên trước, chứ Bộ NNPTNT không nên bênh vực quyền lợi của một vài nhóm người”.

Thật là cách hành xử quản lý kiểu “chưa rõ lắm thì cứ quyết định cấm đã, quyết định mà sai thì lại sửa, có gì đâu”! Với mỗi quyết định “bất hợp lý” kiểu ấy, hàng chục nghìn hộ nông dân có thể bị sạt nghiệp! Mà không biết, có phải khi nói đến quyền lợi của một vài nhóm người, vị quan chức này muốn ám chỉ chỉ vài DN XK kiếm lợi từ con TCT chăng? Chắc ông ta không hề có khái niệm, sản xuất TCT là cơ nghiệp của hơn 50.000 hộ nông dân và là cuộc sống của nhiều trăm nghìn con người, cư trú trên hàng chục tỉnh ven biển cả nước, suốt từ Quảng Ninh đến Kiên Giang, đồng thời cũng đóng góp một phần vào nguồn ngân sách quốc gia, trong đó có cả kinh phí để cơ quan ông hoạt động? Không những thế, trong tình trạng bệnh tôm sú lan tràn nhiều năm vừa qua, TCT còn là cái phao cứu sinh của nhiều người nuôi tôm ở các tỉnh ven biển miền Trung và ĐBSCL. Thật nguy hiểm khi nhà quản lý có những vị cố vấn như vậy!

Người quản lí trước khi đưa ra quyết định, cùng với cái lý khô cứng, cũng nên để tâm cân nhắc thật thấu đáo đến tác động có thể có của quyết định đó, cân đong đo đếm thật thận trọng giữa lợi ích và rủi ro, và trước hết là nghĩ đến những người có thể chịu tác động tiêu cực bởi quyết định thiếu chính xác của mình, để sau này không phải đau xót tự trách lương tâm!

Hãy nghe tiếng nói từ thực tế mà hình như cơ quan quản lý rất thiếu. Ông Trần Văn Lĩnh – Chủ tịch HĐQT kiêm TGĐ Công ty Thuận Phước (Đà Nẵng), Phó Chủ tịch Hiệp hội VASEP đã phát biểu: “TCT đã làm thay đổi bộ mặt miền Trung. Nếu vài năm trước đây, nông dân vùng cát trắng miền Trung sống trong đói nghèo, không có DN thủy sản nào đứng được vào hàng 20-50 DN XK thủy sản lớn nhất, thì nay, sau khi TCT được phát triển nuôi trong khu vực, nhiều DN đã lớn lên vượt bậc và vững mạnh, nhiều địa phương miền Trung đã thay da đổi thịt. Không bị động về con giống như tôm sú, hệ số sử dụng thức ăn tốt, khả năng kháng bệnh cao, ổn định về năng suất, sản lượng,… quả thực TCT đang là cứu cánh cho miền Trung. Tại sao một loài thủy sản là “miếng cơm, manh áo” của biết bao người dân và DN tại thời điểm khó khăn về nguồn nguyên liệu lại bị coi là “loài động vật ngoại lai có khả năng xâm hại”? “Tẩy chay” TCT đồng nghĩa với việc đóng cửa nhiều nhà máy chế biến tôm ở Việt Nam, và nếu cấm nuôi loài thủy sản này, Việt Nam sẽ quay lại vị trí nào trên bản đồ thủy sản thế giới?”

Hãy nghe tiếng nói từ thực tế mà hình như cơ quan quản lý rất thiếu. Ông Trần Văn Lĩnh – Chủ tịch HĐQT kiêm TGĐ Công ty Thuận Phước (Đà Nẵng), Phó Chủ tịch Hiệp hội VASEP đã phát biểu: “TCT đã làm thay đổi bộ mặt miền Trung. Nếu vài năm trước đây, nông dân vùng cát trắng miền Trung sống trong đói nghèo, không có DN thủy sản nào đứng được vào hàng 20-50 DN XK thủy sản lớn nhất, thì nay, sau khi TCT được phát triển nuôi trong khu vực, nhiều DN đã lớn lên vượt bậc và vững mạnh, nhiều địa phương miền Trung đã thay da đổi thịt. Không bị động về con giống như tôm sú, hệ số sử dụng thức ăn tốt, khả năng kháng bệnh cao, ổn định về năng suất, sản lượng,… quả thực TCT đang là cứu cánh cho miền Trung. Tại sao một loài thủy sản là “miếng cơm, manh áo” của biết bao người dân và DN tại thời điểm khó khăn về nguồn nguyên liệu lại bị coi là “loài động vật ngoại lai có khả năng xâm hại”? “Tẩy chay” TCT đồng nghĩa với việc đóng cửa nhiều nhà máy chế biến tôm ở Việt Nam, và nếu cấm nuôi loài thủy sản này, Việt Nam sẽ quay lại vị trí nào trên bản đồ thủy sản thế giới?”
Bài viết đã được đăng ký bản quyền (DMCA). Nếu bạn đọc copy nội dung hãy để lại link về bài gốc hoặc ghi rõ nguồn camautravel.vn như một sự tri ân với tác giả.
Copyright © 2023 - 2024 | camautravel.vn | All Rights Reserved. DMCA.com Protection Status