Tin tức

Quản chặt đầu tư ra nước ngoài

Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư về tình hình đầu tư ra nước ngoài các tháng đầu năm 2011, ông ĐỖ NHẤT HOÀNG, Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) khẳng định, không hề có tình trạng cấp giấy chứng nhận đầu tư ra nước ngoài một cách ồ ạt.

 

 

Trong 4 tháng đầu năm 2011 có tới 1,74 tỷ USD đăng ký đầu tư ra nước ngoài. Ông có thể làm rõ hơn về con số này không, thưa ông?

 

Trong số 26 dự án được cấp phép đầu tư ra nước ngoài, với tổng vốn đăng ký  1,74 tỷ USD trong 4 tháng đầu năm 2011, có 4 dự án quy mô lớn, chiếm trên 90% tổng vốn đầu tư đăng ký. Đó là Dự án Nhà máy Thủy điện Hạ Sê San II tại Campuchia (806 triệu USD), Dự án viễn thông của Viettel đầu tư sang Peru (408 triệu USD), Dự án Thủy điện Sê Kông 3 Thượng và Hạ lưu tại Lào (275,2 triệu USD), Dự án xây dựng Thủy điện Nậm Công 2 và 3 do Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai làm chủ đầu tư (134,5 triệu USD).

 

Có thể thấy, các dự án quy mô lớn thuộc các lĩnh vực công nghiệp năng lượng, truyền thông, tập trung tại Lào, Campuchia và Peru, phù hợp với các lĩnh vực và địa bàn ưu tiên đầu tư ra nước ngoài của Việt Nam. Riêng về vốn thực hiện, thống kê từ báo cáo của các tập đoàn, doanh nghiệp có nhiều dự án đầu tư ra nước ngoài cho thấy, trong 4 tháng đầu năm 2011, khoảng 100 triệu USD đã được giải ngân.

 

Tuy nhiên, có ý kiến cho rằng, hoạt động đầu tư ra nước ngoài của các doanh nghiệp Việt Nam đang khá ồ ạt, ảnh hưởng không nhỏ tới dự trữ ngoại hối…

 

Trước hết, phải khẳng định rằng, chúng ta chưa bao giờ dễ dàng cấp giấy chứng nhận đầu tư ra nước ngoài, nên không thể có tình trạng đầu tư ra nước ngoài một cách ồ ạt. Việc cấp giấy chứng nhận đầu tư ra nước ngoài phải căn cứ theo các tiêu chí và quy trình do pháp luật quy định.

 

Sau khi được cấp giấy chứng nhận đầu tư ra nước ngoài, hoạt động chuyển vốn và ngoại tệ ra nước ngoài để thực hiện dự án cũng phải tuân theo các tiêu chí, quy trình rất chặt chẽ. Cụ thể, sau khi được nước sở tại cấp phép hoặc chấp thuận, nhà đầu tư phải có báo cáo và đăng ký tiến độ chuyển vốn đầu tư ra nước ngoài và phải được Ngân hàng Nhà nước chấp thuận về tiến độ mang ngoại tệ ra nước ngoài. Như vậy, có thể thấy, việc mang ngoại tệ ra nước ngoài không thể ồ ạt một lúc, mà căn cứ theo tiến độ thực hiện dự án được quy định trong giấy chứng nhận đầu tư ra nước ngoài.

 

Mặt khác, việc mang ngoại tệ ra nước ngoài cũng phải thực hiện theo quy chế quản lý ngoại hối, nên nếu doanh nghiệp muốn mang ngoại tệ ra nước ngoài mà các ngân hàng thương mại không có ngoại tệ đổi cho doanh nghiệp, thì doanh nghiệp cũng chưa thể mang vốn ra nước ngoài, cho dù dự án đã được cấp phép.

 

Để bảo đảm mục tiêu trước mắt theo yêu cầu của Nghị quyết số 11/NQ-CP ngày 24/2/2011 của Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã có ngay Văn bản số 1751/BKHĐT-ĐTNN ngày 23/3/2011 yêu cầu các tập đoàn, tổng công ty và doanh nghiệp khai thác tối đa các tiềm năng đầu tư, kinh doanh tại địa bàn nước sở tại, đẩy mạnh thực hiện các dự án đầu tư, sớm đi vào hoạt động đem lại hiệu quả thiết thực và chuyển lợi nhuận về nước; ưu tiên sử dụng hàng hóa, dịch vụ trong nước để thực hiện dự án đầu tư tại nước ngoài, nhằm thúc đẩy sản xuất trong nước, xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam và tạo thêm việc làm cho lao động Việt Nam.

 

 

Xin ông đánh giá chung về tình hình đầu tư ra nước ngoài thời gian qua?

 

Có thể nói, nhiều dự án đầu tư ra nước ngoài của các doanh nghiệp Việt Nam đã và đang góp phần vào việc thực hiện chiến lược phát triển kinh tế – xã hội của Việt Nam trong ngắn hạn và dài hạn. Ví dụ, các dự án thủy điện tại Lào và Campuchia khi đi vào hoạt động, ngoài việc cung cấp điện cho nhu cầu phát triển của phía bạn, một phần lớn (80-90%) điện năng sẽ được xuất khẩu về Việt Nam để phục vụ sản xuất, góp phần đảm bảo an ninh năng lượng của Việt Nam.

 

Phần lớn các dự án đầu tư của ta ra nước ngoài phù hợp với định hướng phát triển của Việt Nam. Khi đi vào hoạt động, các dự án này sẽ góp tích cực vào việc phát triển kinh tế – xã hội của Việt Nam trong những năm tới; góp phần tăng cường khả năng hợp tác kinh tế, thương mại và đầu tư của Việt Nam với các nước, thúc đẩy hội nhập kinh tế quốc tế; thúc đẩy xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam ra nước ngoài.

 

Việc chúng ta có thêm các cơ sở chế biến, phân phối sản phẩm tại nước ngoài không những góp phần tiêu thụ hàng hóa của Việt Nam tại nước ngoài, mà chúng ta còn đặt được chân vào chuỗi phân phối sản phẩm của ta tại thị trường nước ngoài.

 

Doanh nghiệp Việt Nam có cơ hội để tận dụng được những cơ hội kinh doanh tốt hơn, tạo ra giá trị gia tăng cao hơn và tăng khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp trên trường quốc tế.

 

 

Thưa ông, cần làm gì để quản lý chặt hơn đầu tư ra nước ngoài?

 

Chính phủ đã giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư soạn thảo Nghị định sửa đổi Nghị định số 78/2006/NĐ-CP ngày 9/8/2006 của Chính phủ quy định về đầu tư trực tiếp ra nước ngoài. Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang phối hợp với các bộ, ngành liên quan soạn thảo nghị định này theo hướng quản lý chặt hơn từ khâu cấp phép, triển khai thực hiện đến khâu theo dõi, giám sát quá trình hoạt động của dự án.

 

Ngoài ra, để thực hiện Nghị quyết số 11/NQ-CP, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã có văn bản yêu cầu các tập đoàn, tổng công ty, doanh nghiệp có dự án đầu tư ra nước ngoài phải báo cáo tình hình hoạt động, triển khai. Trên cơ sở đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước, bộ chủ quản, cùng các bộ, ngành liên quan sẽ rà soát các dự án cụ thể. Những dự án đầu tư không hiệu quả, không có khả năng triển khai và không thực hiện đúng pháp luật sẽ bị xử lý, nếu nghiêm trọng sẽ bị thu hồi giấy chứng nhận đầu tư

 
Bài viết đã được đăng ký bản quyền (DMCA). Nếu bạn đọc copy nội dung hãy để lại link về bài gốc hoặc ghi rõ nguồn camautravel.vn như một sự tri ân với tác giả.
Copyright © 2023 - 2024 | camautravel.vn | All Rights Reserved. DMCA.com Protection Status