13 nội dung của Quyết định số 71/2010/QĐ-TTg về thí điểm đầu tư theo hình thức đối tác công – tư (PPP) sẽ được sửa đổi, nhằm tạo thuận lợi, dễ dàng hơn cho nhà đầu tư triển khai dự án PPP.
Một sửa đổi quan trọng, theo ông Lê Văn Tăng, Cục trưởng Cục Quản lý đấu thầu (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), Thư ký Ban Chỉ đạo về PPP, đó là trong dự thảo quyết định mới, đã không còn nhắc tới cụm từ “thí điểm”. Và lý do, theo ông Lê Văn Tăng, là để văn bản quy phạm pháp luật này có hiệu lực lâu dài. Đồng thời, cũng thể hiện rõ quyết tâm của Chính phủ trong việc triển khai PPP ở Việt Nam.
“Ở Việt Nam, nếu là thí điểm, thì cơ quan quản lý sẽ nghĩ các cơ chế chính sách có thể vận dụng linh hoạt hơn, nhưng các nhà đầu tư lại cho rằng, đã là thí điểm thì có thể làm, có thể không. Thế nên, để đảm bảo tính lâu dài và hiệu lực của Quyết định, chúng tôi quyết định bỏ cụm từ thí điểm”, ông Tăng giải thích và cho biết, rất nhiều vấn đề nổi cộm trong gần 2 năm triển khai Quyết định 71/2010/QĐ-TTg, như nguyên tắc, lĩnh vực thí điểm, tiêu chí dự án, quy định về phần tham gia của Nhà nước… cần được sửa đổi, bổ sung. Điều này là để hài hòa lợi ích Nhà nước và chủ đầu tư tư nhân, hạn chế rủi ro…, cũng như tạo cơ chế để hình thành thị trường PPP ở Việt Nam.
“Tất cả những vấn đề mà chúng tôi xem xét sửa đổi ở Quyết định 71/2010/QĐ-TTg đều là nhằm tạo thuận lợi, dễ dàng hơn cho nhà đầu tư trong quá trình triển khai dự án PPP ở Việt Nam”, ông Tăng khẳng định.
13 nội dung sẽ được sửa đổi so với Quyết định 71/2010/QĐ-TTg. Trong đó, một trong những nội dung được quan tâm hàng đầu, như Báo Đầu tư đã từng đề cập, đó là sẽ nâng mức giới hạn phần tham gia của Nhà nước trong dự án PPP lên 49%, thay vì 30% như trước đây. Quy định này, theo đại diện Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Vĩnh Phúc là hợp lý, phù hợp với các quy định tại Nghị định 108 hướng dẫn thi hành Luật Đầu tư, cũng như hạn chế được cơ chế xin – cho mỗi khi dự án nào có đề xuất phần tham gia của Nhà nước vượt quá 30% như quy định trước đây.
Tuy nhiên, theo một lãnh đạo Sở Kế hoạch và Đầu tư Quảng Trị, thì cần phải quy định rõ phương thức quản lý nguồn vốn nhà nước tại dự án PPP như thế nào cho phù hợp. Theo vị này, có ba cách quản lý đối với phần vốn này, hoặc là tách ra làm hai tiểu dự án, một dùng vốn Nhà nước, một dùng vốn tư nhân; hoặc chuyển hẳn vốn Nhà nước cho nhà đầu tư tư nhân quản lý. Cách thứ ba là quản lý vốn tư nhân như với vốn của Nhà nước.
Trả lời về vấn đề này, ông Lê Văn Tăng cho rằng, phương án được lựa chọn sẽ là chuyển vốn của Nhà nước cho nhà đầu tư quản lý. Ở các quốc gia đã triển khai PPP, họ cũng chọn cách này. “Vấn đề nằm ở chỗ, sẽ chuyển vốn thế nào, vào thời điểm nào. Nếu dự án làm xong mới chuyển, thì sẽ gây khó khăn cho nhà đầu tư. Còn nếu chuyển theo từng giai đoạn, thì phải quy định rõ trong giá chào thầu”, ông Tăng nói và cho biết, điểm mới trong Dự thảo Quyết định sửa đổi, đó là cùng với việc nâng trần phần tham gia của Nhà nước, thì cũng đã quy định nhà đầu tư chỉ cần có 15% tổng vốn đầu tư. Phần tham gia của Nhà nước cũng sẽ được tách thành hai phần cụ thể: phần hỗ trợ và phần vốn tham gia của Nhà nước trong dự án PPP.
Tương tự, Dự thảo Quyết định cũng đã quy định các vấn đề liên quan đến bảo đảm cân đối ngoại tệä, và sẽ áp dụng cho mọi lĩnh vực dự án đầu tư PPP, chứ không hạn chế lĩnh vực như quy định trước đây. Việc bảo lãnh doanh thu tối thiểu… cũng được đề cập, nhằm giúp nhà đầu tư yên tâm triển khai dự án PPP.
Bên cạnh đó, trước đây, theo quy định tại Quyết định 71/2010/QĐ-TTg, thì số tiền bảo đảm nghĩa vụ thực hiện hợp đồng được “chốt” ở mức 2% tổng vốn đầu tư dự án, thì ở Dự thảo Quyết định sửa đổi, con số này chỉ còn 1,5%…
“Tất cả là để tạo thuận lợi cho nhà đầu tư”, ông Tăng cho biết.
Một trong những sửa đổi quan trọng khác, đó là Dự thảo Quyết định sửa đổi đã tăng thêm nhiều lĩnh vực thực hiện PPP so với trước đây. Tuy nhiên, nhiều bộ, ngành vẫn muốn thêm. Chẳng hạn, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn muốn thực hiện PPP lĩnh vực dịch vụ phục vụ sản xuất nông nghiệp, như, quản lý công trình thủy lợi, hay xây dựng các phòng kiểm nghiệm chất lượng nông – lâm – thủy sản. Bộ Giao thông – Vận tải cũng có ý kiến tương tự về vấn đề này.
Đồng tình các đề xuất này, song ông Tăng cho rằng, cần thiết phải đánh giá, xem xét lĩnh vực nào thực sự cần thiết để đầu tư theo hình thức PPP. Ví như việc quản lý công trình thủy lợi, có thể chỉ cần đấu thầu quản lý công trình là đủ.