Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư trước thềm Hội thảo về các cơ chế chính sách phát triển khu công nghiệp, khu chế xuất, khu kinh tế (KCN, KCX, KKT), tổ chức vào ngày mai (23/11/2010) tại Hà Nội, ông Trần Duy Đông, Phó vụ trưởng Vụ Quản lý các KKT (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) khẳng định, tới đây, sẽ quan tâm nhiều hơn tới vấn đề phát triển bền vững các mô hình này.
Thưa ông, trong gần 20 năm qua kể từ khi KCN đầu tiên được thành lập, rất nhiều cơ chế, chính sách đã được ban hành. Theo ông, đâu là điểm nhấn quan trọng nhất góp phần mang lại hình hài các KCN, KCX, KKT Việt Nam ngày hôm nay?
Năm 1991, KCX Tân Thuận đã được thành lập, “khai sinh” mô hình các KCN ở Việt Nam. Kể từ đó tới nay, nhiều cơ chế, chính sách liên quan đến hoạt động của các KCN, KCX, KKT đã được ban hành, nhưng theo tôi, đột phá lớn nhất là cơ chế phân cấp. Từ Nghị định 36/1997/NĐ-CP, đến Luật Đầu tư 2005 và Nghị định 29/2008/NĐ-CP quy định về KCN, KCX, KKT là cả một bước chuyển biến mạnh mẽ của cơ chế phân cấp. Luật Đầu tư 2005 đã phân cấp hoàn toàn việc cấp chứng nhận đầu tư vào các KCN, KCX, KKT cho các ban quản lý. Còn Nghị định 29/2008/NĐ-CP thì phân cấp triệt để hơn, không chỉ trong thủ tục đầu tư, mà còn trong quản lý các vấn đề về môi trường, lao động… Cơ chế một cửa tại chỗ sau đó đã được thực hiện. Nhà đầu tư chỉ phải làm việc với một cơ quan duy nhất, đó là ban quản lý các KCN, KCX.
Cơ chế đó đã giúp mang lại kết quả thế nào sau gần 20 năm phát triển các KCN, KCX, KKT, thưa ông?
Đến nay, Việt Nam có 250 KCN, KCX, KKT, được thành lập ở 57 tỉnh, thành phố, trong đó có 170 khu đã đi vào hoạt động, số còn lại đang trong quá trình xây dựng. Tính chung, các KCN, KCX, KKT đã thu hút được 8.500 dự án đầu tư trong và ngoài nước, với tổng vốn đăng ký khoảng 70 tỷ USD, trong đó vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài là 52 tỷ USD. Điều này đã cho thấy vai trò quan trọng của các KCN, KCX, KKT trong thu hút đầu tư, góp phần cho phát triển kinh tế – xã hội của đất nước. Nếu tính về giá trị sản xuất công nghiệp, từ tỷ trọng 17% trong năm 1991, đến nay, các KCN, KCX, KKT đã đóng góp trên 30% giá trị sản xuất công nghiệp của cả nước, đóng góp trên 30% giá trị sản xuất công nghiệp của cả nước, tạo việc làm cho hơn 1,5 triệu người.
Nhưng thưa ông, 2 năm gần đây, việc thu hút đầu tư vào các KCN, KCX, KKT gặp nhiều khó khăn. Phải chăng do cơ chế, chính sách không còn đủ sức hấp dẫn?
Nguyên nhân thì có nhiều. Trước hết là do tác động của suy thoái kinh tế toàn cầu, dẫn đến việc nhiều nhà đầu tư phải thu hẹp các dự án đầu tư mới. Ngay cả những dự án đã được cấp chứng nhận đầu tư, do ảnh hưởng của khủng hoảng, nên tiến độ cũng bị chậm lại. Bên cạnh đó, một số chính sách của Nhà nước cũng có tác động nhất định đến việc thu hút đầu tư vào các KCN, KCX, KKT. Chẳng hạn, Nghị định 124/2008/NĐ-CP hướng dẫn thi hành Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp, hay Nghị định 69/2009/NĐ-CP quy định bổ sung về quy hoạch sử dụng đất, giá đất, thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ và tái định cư. Với các quy định này, doanh nghiệp đầu tư trong các KCN không còn được hưởng ưu đãi về thuế thu nhập doanh nghiệp nữa. Trong khi đó, đơn giá bồi thường giải phóng mặt bằng tăng cao, gây khó khăn cho các nhà đầu tư hạ tầng KCN, qua đó ảnh hưởng đến đơn giá thuê đất của nhà đầu tư thứ cấp.
Vậy có cách nào để gỡ rối không, thưa ông?
Việc ban hành Nghị định 69/2009/NĐ-CP là đúng đắn, nhằm bảo vệ đất nông nghiệp, đảm bảo an ninh lương thực. Tuy nhiên, tôi cho rằng, khi ban hành chính sách, phải cân nhắc đối tượng áp dụng, cũng như việc áp dụng ở từng vùng, miền khác nhau. Chẳng hạn, mức đền bù đối với các dự án thu hồi đất để xây dựng các khu đô thị, khách sạn phải khác so với những dự án lấy đất để phát triển KCN, KCX. Xây dựng KCN, KCX, ngoài mục đích kinh doanh, còn góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế các địa phương, nhất là những vùng khó khăn, do vậy cần phải cân nhắc.
Còn với các quy định về việc không còn ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp, tôi biết rằng, khi ban hành Nghị định, Chính phủ đã phải rất cân nhắc, để làm sao tạo sự bình đẳng, không phân biệt doanh nghiệp trong và ngoài KCN, KCX. Nhưng cũng cần thấy rằng, mục đích xây dựng các KCN, KCX là để phát triển công nghiệp ở những vùng khó khăn, góp phần thúc đẩy công nghiệp hóa. Mục đích của Nhà nước khi xây dựng các KCN, KCX là để gom các cơ sở sản xuất công nghiệp vào một khu, để quản lý tốt hơn môi trường, khí thải, chất thải… Vì thế, cũng cần phải cân nhắc các chính sách ưu đãi này.
Ông vừa nhắc tới việc đưa các nhà máy về KCN để quản lý tốt hơn vấn đề ô nhiễm môi trường. Nhưng thực tế, tại các KCN hiện nay, ô nhiễm môi trường đang là một trong những vấn đề khiến dư luận bức xúc nhất?
Đúng là tình trạng ô nhiễm môi trường trong các KCN, KCX đang gây bức xúc nhiều trong dư luận. Nhưng tới đây, chúng tôi sẽ đặc biệt quan tâm vấn đề này. Chúng tôi đang thực hiện một đề tài nghiên cứu khoa học để đánh giá lại toàn bộ các khu xử lý nước thải, chất thải ở các KCN, KCX. Theo quy định, tất cả các KCN, KCX khi đi vào hoạt động phải có nhà máy xử lý nước thải tập trung, nhưng thực tế, con số này chỉ trên 50%. Sắp tới, Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ tổ chức các đoàn kiểm gia, giám sát việc thực hiện quy định này. Chúng tôi cũng đã tính tới cả phương án, nếu KCN nào chưa có nhà máy xử lý nước thải tập trung sẽ kiến nghị Thủ tướng xem xét cho dừng hoạt động.
Ngoài việc tích cực hơn trong giám sát vấn đề bảo vệ môi trường, tới đây, chúng ta sẽ phát triển các KCN, KCX, KKT theo hướng nào, thưa ông? Đâu là yếu tố để các KCN, KCX, KKT hoạt động thành công?
Liên quan tới phát triển các KCN, KCX, KKT, tới đây, chúng tôi cũng sẽ tập trung giám sát chặt chẽ việc chấp hành các quy định liên quan đến quy hoạch và thành lập các KCN, KCX. Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo cương quyết không phát triển các KCN, KCX trên đất nông nghiệp có năng suất ổn định. Theo quy định hiện hành, các KCN, KCX mới chỉ được phép thành lập khi đã nằm trong Quy hoạch KCN của cả nước và các KCN đang hoạt động đã lấp đầy 60% diện tích đất công nghiệp. Sắp tới, có thể xem xét lại điều kiện thành lập mới và mở rộng các KCN để đảm bảo phát triển hiệu quả KCN, tránh lãng phí đất đai…
Tôi cho rằng, muốn phát triển KCN, KCX thành công, thì ngoài việc ban hành các chính sách thu hút đầu tư thuận lợi, cần phải quan tâm phát triển bền vững các KCN, KCX, ở cả vấn đề bảo vệ môi trường, nhà ở, môi trường sống cho người lao động… Một điều nữa là cần phát triển tốt nguồn nhân lực. Trình độ tay nghề của người lao động chưa cao cũng ảnh hưởng đến khả năng cạnh tranh thu hút đầu tư của Việt Nam với các quốc gia lân cận.