Về vùng chuyển dịch huyện Thới Bình, tỉnh Cà Mau vào những ngày này mới cảm nhận hết niềm vui của bà con nghèo là đồng bào dân tộc người Khmer. Họ đang vui niềm vui “kép” vì cái đói của gia đình cơ bản được giải quyết, còn chuyện làm giàu thì chỉ trong nay mai.
Tiếp xúc với chúng tôi, lão nông Thạch Khuối, ngụ ấp 7, xã Tân Lộc Bắc, huyện Thới Bình khẳng định: “Bà con ở đây nếu không nhờ nuôi cua đem lại thu nhập cao thì hổng biết lấy gạo đâu ăn à”. Theo lời lão nông này, sau nhiều năm liên tiếp “sống dở chết dở” với con tôm sú, nhiều bà con trong vùng đã thật sự rơi vào khó khăn. Đặc biệt là đối với những hộ ít vốn thì xem như tiêu luôn.
Trong lúc bà con đang bí lối thì mô hình nuôi cua theo dạng bán công nghiệp đang mang lại hiệu quả kinh tế cao. “Mô hình nuôi cua ở vùng chuyển dịch này đang là cứu cánh cho bà con là người Khmer chúng tôi. Con cua không những giúp cho cái bụng no mà nó còn từng bước đưa nhiều gia đình ở vùng này thoát nghèo”.
Đi dọc theo những cánh đồng bạt ngàn ở huyện Thới Bình mới thấy không khí làm ăn phấn khởi của người dân. Ban đầu là một hộ nuôi trúng, sau đó là 2 – 3 hộ, rồi kế tiếp là cả làng, cả xóm học hỏi nuôi cua theo để cùng nhau làm giàu. Ở ấp 7, ông Thạch Khuốl được mệnh danh là ông tiên phong của bà con nghèo vì ông là người đầu tiên áp dụng mô hình nuôi cua.
Ông Khuối tâm sự: “Sau khi chuyển dịch sang nuôi tôm gia đình tôi trúng đậm liên tiếp ở mấy vụ đầu. Nhưng dần về sau thì con tôm không còn mang lại hiệu quả như trước. Nuôi vụ nào chúng nó kéo nhau đâm đầu vào bờ chết ráo. Thấy vậy tôi đi một số nơi học hỏi mô hình nuôi cua rồi về áp dụng vào diện tích đất của gia đình. Không ngờ mang lại hiệu quả kinh tế khá cao”. Ông nông dân này vui mừng cho biết, sau mỗi vụ thu hoạch, trừ đi tất cả chi phí ông còn lãi hơn 30 triệu đồng.
Học hỏi và làm theo ông Khuối, gia đình anh Lê Văng Song, ngụ ấp 5, xã Tân Lộc Bắc cũng đang từng bước thoát nghèo. Anh Song chia sẻ: “Nuôi cua dễ hơn nuôi tôm, kỹ thuật chăm sóc cũng không cầu kỳ, phức tạp. Chỉ cần cải tạo ao đầm cho bớt bùn là có thể thả nuôi. Thức ăn cho cua thì mình tận dụng các loại cá tạp có sẵn trong vuông, trong đó cá phi là chủ yếu. Bờ bao vuông nuôi chỉ cần dùng lưới rào cao khoảng 5 tấc để cua không thể bò ra là được”.
Tín hiệu khả quan từ việc nuôi cua ở ở huyện Thới Bình đang nhen nhúm trở lại niềm tin của người dân vùng chuyển dịch, bởi thời gian vừa qua vấn nạn tôm chết đã làm không ít hộ dân phải điêu đứng. Nhiều hộ dân không biết mình sẽ nuôi con gì trong đồng ruộng của mình. Thì nay, chuyện nuôi cua đã manh nha làm người dân tin tưởng vào mô hình mới này. Tuy nuôi cua không trúng đậm bằng nuôi tôm, nhưng chắc ăn hơn.
Theo các chuyên gia trong lĩnh vực nông nghiệp thì mô hình nuôi cua đang mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân. Không cần tốn kém nhiều chi phí để đầu tư, đặc biệt những hộ có diện tích đất ít cũng có thể áp dụng SX được. Ao nuôi cua nên có diện tích từ 300 – 1.000 m2, độ sâu khoảng 0,8 – 1,2 m, với bờ có chiều rộng đáy 3 m, mặt từ 1 – 1,5 m và cao hơn mức triều cường ít nhất là 0,5 m. Bờ bao chỉ cần rào bằng đăng tre, tấm nhựa, lưới cước đặt hơi nghiên vào phía trong để cua không thoát ra được. Bà con nông dân nên lưu ý trước khi thả giống nuôi 1 – 2 tuần cần tiến hành chuẩn bị ao như bón vôi với liều lượng từ 10 – 15 kg/ha hoặc ít hơn (tùy theo diện tích nuôi) và khâu cuối cùng là lấy nguồn nước sạch vào vuông nuôi.