Tọa lạc tại góc đường Lê Lợi và Lý Bôn thuộc Phường 2, TP.Cà Mau, Nhà Dây Thép (Bưu điện) do thực dân Pháp xây dựng vào khoảng năm 1910.
Nhằm phục vụ và đáp ứng yêu cầu của phong trào cách mạng, từ năm 1930 đến 1939, Xứ ủy Nam Kỳ và Đặc ủy Hậu Giang đã chọn Nhà Dây Thép là địa điểm liên lạc, cử đồng chí Lê Tồn Khuyên (nhân viên Nhà Dây Thép) phụ trách đầu mối liên lạc của Đảng ta tại khu vực Cà Mau. Từ chỗ là công sở của bọn thực dân, những người chiến sĩ cách mạng đã biến nơi đây thành địa điểm liên lạc giúp Đảng bộ Cà Mau nhận những tin tức quan trọng cũng như sự chỉ đạo kịp thời của cấp trên về việc củng cố lực lượng cách mạng và phát động phong trào đấu tranh cách mạng trong quần chúng nhân dân.
Mô phỏng nhân viên Điện báo (Bưu điện) làm việc tại Nhà Dây Thép Cà Mau – thời kỳ chống Pháp.
Nhiều hình ảnh, hiện vật di tích lịch sử cách mạng của Nhà Dây Thép Cà Mau
được lưu giữ cẩn thận.
Ngày 2-6-2011, Nhà Dây Thép Cà Mau được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là Di tích lịch sử cấp Quốc gia. Hiện, Viễn thông Cà Mau (VNPT Cà Mau) là đơn vị chịu trách nhiệm quản lý và bảo vệ di tích này. Ông Lê Hoàng Phước, Giám đốc VNPT Cà Mau, cho biết: Nơi đây sẽ là điểm sinh hoạt của đơn vị để tổ chức các hoạt động: Kỷ niệm Ngày truyền thống Bưu điện, kết nạp đoàn viên mới, lễ trưởng thành đoàn viên… nhằm giới thiệu, giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ.