Nếu không phối hợp để tạo chuỗi khu công nghiệp, khu công nghệ cao, các địa phương có thể lại rơi vào tình trạng cạnh tranh trực tiếp trong thu hút vốn đầu tư nước ngoài.
Đoàn doanh nghiệp Mỹ tham gia Hội thảo “Triển vọng và cơ hội đầu tư kinh doanh với đối tác Mỹ tại Vùng Kinh tế trọng điểm phía Nam” được tổ chức tuần vừa rồi đã bày tỏ sự lúng túng khi nhận được quá nhiều lời mời gọi từ các địa phương trong Vùng. Thậm chí, có doanh nghiệp cảm thấy khó khăn khi buộc phải lựa chọn các chính sách ưu đãi tương tự nhau từ những địa phương láng giềng.
Bà Nguyễn Hồng Hà, Phó giám đốc Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam tại TP.HCM, đơn vị tổ chức Hội thảo cho rằng, cách xúc tiến đầu tư thiếu phối hợp giữa các địa phương đang làm khó cho không chỉ nhà đầu tư mà cho cả các địa phương trong nỗ lực biến cơ hội thành các dự án cụ thể.
Theo ông John Bentley, Cố vấn trưởng pháp lý Dự án STAR Việt Nam, doanh nghiệp Mỹ đang rất quan tâm tới lĩnh vực công nghệ cao như công nghệ dẫn điện, công nghệ thông tin, dầu khí, dịch vụ sân bay, điều hành chuyến bay, dịch vụ xử lý chất thải… Tuy nhiên, nếu nhìn vào chương trình thu hút đầu tư của các địa phương trong Vùng, thì dường như địa phương nào cũng thu hút đầu tư vào lĩnh vực công nghệ cao, công nghệ sạch.
Ông Lê Trọng Hiếu, Trưởng phòng Xúc tiến đầu tư và Hợp tác quốc tế Khu công nghệ cao TP.HCM cho biết, Khu công nghệ cao TP.HCM đang có nhiều chính sách ưu đãi cho các nhà đầu tư. Cụ thể, ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp 0% cho 4 năm đầu hoạt động, 5% cho 9 năm tiếp theo và 10% đối với 2 năm còn lại; miễn thuế nhập khẩu cho trang thiết bị máy móc và vật liệu xây dựng nhập khẩu để tạo tài sản cố định; miễn giảm tiền thuê đất cho các dự án chọn lọc… “Bên cạnh đó, doanh nghiệp đầu tư vào khu công nghệ cao có thể tiếp cận các khoản vay (đến 70% tổng giá trị đầu tư dự án) và khoản tài trợ (30% tổng giá trị đầu tư dự án) từ Quỹ phát triển khoa học công nghệ của Thành phố. Ngoài ra, Khu công nghệ cao TP.HCM đang đề xuất giảm 50% thuế thu nhập cho người lao động trong khu công nghệ cao…”, ông Hiếu cho biết.
Đại diện Sở Kế hoạch – Đầu tư Đồng Nai cũng thông tin về mục tiêu phát triển công nghiệp đến năm 2015, với số lượng 34 khu công nghiệp với diện tích 11.380 ha. Trong đó, ưu tiên phát triển khu công nghiệp công nghệ cao (500ha), khu liên hiện công nông nghiệp (2.180 ha), khu công nghệ cao chuyên ngành công nghệ sinh học (209 ha)… “Một dự án thành lập khu công nghiệp trên diện tích 200 ha chuyên phục vụ các nhà đầu tư Mỹ đang được xem xét cấp giấy chứng nhận đầu tư”, vị đại diện này cho biết thêm.
Thực tế, nhu cầu thu hút các dự án đầu tư công nghệ cao, công nghệ sạch đang là xu hướng của các địa phương trong các chính sách thu hút dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài. Không những thế, trong chiến lược thu hút đầu tư nước ngoài của Việt Nam trong những năm tới, các lĩnh vực công nghệ cao, công nghệ sạch vẫn tiếp tục ở hàng ưu tiên. Tuy nhiên, vấn đề ở đây là sự chia sẻ thông tin và phối hợp trong thu hút đầu tư để tạo nên chuỗi khu công nghệ, khu công nghiệp có sự kết nối, bổ trợ cho nhau chứ không phải là tạo nên sự cạnh tranh trực tiếp như hiện tại.
Hơn thế, ông Nguyễn Thiêng Đức, Phó chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty Đầu tư tài chính nhà nước TP.HCM cho rằng, nếu không có sự phối hợp, tính toán kỹ lưỡng giữa các địa phương trong cùng khu vực thì có thể xảy ra tình trạng khu công nghiệp tỉnh này nằm cạnh khu dân cư tỉnh kia. “Trong trường hợp này, nếu như dự án thu hút có sạch đến đâu thì cũng không thể tránh được tình trạng gây ô nhiễm môi trường cho khu dân cư”, ông Đức lo ngại và cho rằng, cần phải có một tổ chức chuyên trách với thành viên là đại diện các tỉnh, thành trong vùng để tham gia giải quyết các vấn đề liên quan đến việc kết nối hạ tầng, đánh giá tác động môi trường của các dự án đầu tư… trong các chương trình xúc tiến đầu tư của từng địa phương và của cả Vùng.