Các nhà đầu tư Nhật Bản đang đặc biệt quan tâm tới lĩnh vực phi sản xuất, trong đó, có bất động sản tại Việt Nam.
Tập đoàn Forval và Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội hợp tác xúc tiến đầu tư từ Nhật Bản
“Tôi đang phụ trách mảng đầu tư ra nước ngoài của Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Nhật Bản với 1.300 hội viên, nên đặc biệt quan tâm tới các dự án đầu tư ra nước ngoài. Hiện nhà đầu tư Nhật không chỉ chú trọng vào các doanh nghiệp sản xuất, mà chúng tôi đang cố gắng tìm cơ hội đầu tư mới từ các ngành phi sản xuất”, ông Hideo Okubo trao đổi trước khi đặt bút ký vào Biên bản ghi nhớ hợp tác xúc tiến đầu tư giữa Tập đoàn Forval và Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội vào chiều ngày 23/9/2013 tại Hà Nội.
Sự kiện này diễn ra chỉ 3 ngày sau khi UBND TP. Hà Nội chính thức phê duyệt Đề án Đẩy mạnh thu hút đầu tư trực tiếp từ Nhật Bản trên địa bàn Thành phố giai đoạn 2013 – 2015 và những năm tiếp theo.
Rõ ràng, Tập đoàn Forval đã khá nhanh chân khi trở thành đối tác đầu tiên của Hà Nội trong thực hiện Đề án, mà theo phân tích của ông Ngô Văn Quý, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội, là có nhiều giải pháp quan trọng nhằm cải thiện môi trường kinh doanh, qua đó, thu hút làn sóng đầu tư mới từ Nhật Bản.
Nếu tính tới một loạt biên bản hợp tác đã được ký kết trước đó giữa Forval và một số địa phương, doanh nghiệp Việt Nam, có thể thấy, trong vai trò phụ trách mảng đầu tư ra nước ngoài, ông Hideo Okubo đang mở rộng rất nhanh phạm vi kết nối của Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Nhật Bản với các kế hoạch thu hút đầu tư từ Nhật Bản của các địa phương.
“Chúng tôi đã hoàn tất giai đoạn nghiên cứu thị trường, sẽ chính thức bắt tay vào kết nối các cơ hội đầu tư cụ thể. Chính vì vậy, việc trở thành đối tác với các địa phương, các doanh nghiệp lớn là công việc vô cùng quan trọng”, ông Hideo Okubo giải thích với phóng viên Báo Đầu tư khi được hỏi về các biên bản hợp tác đã ký với các địa phương của Việt Nam. Đặc biệt, ông Hideo Okubo cho biết, khoảng 1.200 nhân viên của Forval tại Nhật Bản đang sẵn sàng trở thành đầu mối kết nối giữa nhà đầu tư Nhật Bản với các cơ hội tại Việt Nam.
Sự đeo bám này cũng được ông Phùng Quang Hùng, Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc nhắc tới khi nói về Đồ án Quy hoạch chung xây dựng đô thị Vĩnh Phúc đến năm 2030 và tầm nhìn 2050 bên lề Hội nghị Kinh tế hợp tác đầu tư Việt Nam năm 2013 (cũng diễn ra vào ngày 23/9).
“Năm 2011, Công ty Tư vấn Nikken Sekkei Civil Engineering (Nhật Bản) đã giúp đỡ tỉnh hoàn tất quy hoạch này với mục tiêu thu hút cư dân từ Nhật Bản tới đầu tư sản xuất và kinh doanh. Hiện nay, trong khi UBND tỉnh đang tích cực triển khai chi tiết các phân khu và xây dựng lộ trình để đàu tư hệ thống hạ tầng kỹ thuật Khu đô thị Vĩnh Phúc, Cục Đô thị (thuộc Bộ Đất đai, Hạ tầng, Giao thông – Vận tải và Du lịch Nhật Bản – MLIT) liên tục cử người sang làm việc. Họ đặc biệt quan tâm tới cơ hội của các nhà đầu tư Nhật Bản trong thực hiện các dự án cụ thể tại Dự án Đô thị sinh thái xanh quy mô hàng ngàn héc-ta”, ông Hùng cho biết và kỳ vọng vào các chuyến đi thực tế của nhà đầu tư Nhật Bản tới Vĩnh Phúc trong thời gian tới với sự hỗ trợ của Cục Đô thị.
Rõ ràng, sự quan tâm của các nhà đầu tư Nhật Bản tới lĩnh vực bất động sản, trong đó bao gồm cả bất động sản khu công nghiệp, bất động sản đô thị, đang nổi lên. Tuy nhiên, ông Hùng thừa nhận, không dễ để có được các dự án cụ thể từ các nhà đầu tư Nhật Bản vốn luôn cẩn trọng.
Ngay cả ông Shigeru Kishida, Bí thư Thứ nhất Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam, một mặt khẳng định nhu cầu khá lớn của nhà đầu tư Nhật Bản trong lĩnh vực bất động sản, mặt khác, cũng cho rằng, chưa có doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư hiệu quả ở Việt Nam trong lĩnh vực này.
“Việt Nam cần có chính sách rõ ràng hơn để thu hút đầu tư của Nhật vào lĩnh vực bất động sản, như giải phóng mặt bằng, thủ tục đầu tư các dự án bất động sản, quy định về quyền sở hữu bất động sản của người nước ngoài”, ông Shigeru Kishida nói và cho biết, đang phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư thực hiện Sáng kiến chung Việt Nam – Nhật Bản lần thứ V để giải quyết các vấn đề còn cản trở các nhà đầu tư Nhật Bản tới Việt Nam.