Tin tức

Nhà đầu tư Nhật Bản dồn dập đến Việt Nam

Một số địa phương của Nhật Bản đang ráo riết tìm kiếm cơ hội hợp tác và đầu tư tại Việt Nam.

Cuối tuần qua, sau cuộc gặp gỡ giữa đại diện Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) với các doanh nghiệp tỉnh Aichi (Nhật Bản) tại TP.HCM, một phái đoàn khác đến từ Thành phố Osaka và vùng Kansai (Nhật Bản) cũng đã có buổi làm việc với lãnh đạo TP.HCM, nhằm tìm kiếm cơ hội hợp tác giữa hai bên.

 

Cũng cần phải nói thêm rằng, trước khi diễn ra các cuộc gặp của phái đoàn đến từ Thành phố Osaka và vùng Kansai, ông Kunio Hiramatsu, Thị trưởng Thành phố Osaka đã cùng Phó chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Tài ký Bản ghi nhớ về những lĩnh vực ưu tiên hợp tác trong giai đoạn tới, trong đó tập trung vào việc hỗ trợ, tư vấn TP.HCM trong vấn đề xử lý nước thải, chống ngập nước và ô nhiễm môi trường.

 

Theo ông Đỗ Nhất Hoàng, Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài, trong 6 tháng đầu năm 2011, Nhật Bản có 86 dự án FDI đăng ký mới, với tổng vốn 303 triệu USD.

 

Đánh giá về đóng góp của nguồn đầu tư này đối với kinh tế địa phương, ông Thái Văn Rê, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư TP.HCM cho biết, tính đến hết tháng 6/2011, Nhật Bản có 428 dự án còn hiệu lực trên địa bàn TP.HCM, với tổng vốn trên 2 tỷ USD. Trong đó, có 144 dự án (1,09 tỷ USD) trong lĩnh vực công nghiệp chế biến và chế tạo. “Các dự án đầu tư này không chỉ đóng góp vào chuyển dịch cơ cấu kinh tế Thành phố, mà còn hỗ trợ cải tạo nguồn nhân lực có tay nghề”, ông Rê đánh giá.

 

Bên cạnh cơ cấu ngành, điều rất quan trọng là mức độ giải ngân cao của các dự án FDI đến từ Nhật Bản. Về vấn đề này, ông Đỗ Nhất Hoàng nhấn mạnh: “Nhật Bản luôn được đánh giá là nhà đầu tư triển khai vốn thực hiện hiệu quả nhất và có những chính sách chế độ đãi ngộ tốt đối với nhân viên. Do đó, để đáp ứng nguyện vọng của nhà đầu tư Nhật Bản, Việt Nam cũng đang từng bước cải thiện môi trường đầu tư ở các lĩnh vực như hạ tầng giao thông, điện, nước, nguồn nhân lực và thủ tục hành chính…”.

 

Trả lời câu hỏi của ông Sugihara Noritaka, Giám đốc Công ty TNHH Tsuchiya TSCO về những giải pháp đảm bảo quyền lợi của doanh nghiệp xuất khẩu tại các khu chế xuất – khu công nghiệp khi thuế suất ưu đãi sẽ bãi bỏ từ năm 2012, ông Đỗ Nhất Hoàng cho biết, đây là quy định bắt buộc khi gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) mà Việt Nam phải tuân thủ. Tuy nhiên, hiện nay, các cơ quan quản lý của Việt Nam đang thảo luận để gỡ nút thắt trên, như việc thay thế bằng ưu đãi cho doanh nghiệp ở địa phương khó khăn, ngành công nghiệp phụ trợ…

 

“Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang phối hợp với Bộ Công thương và Bộ Tài chính xây dựng Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định 108/2006/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Luật Đầu tư năm 2005 để trình Chính phủ phê duyệt trong tháng 10 năm nay”, ông Đỗ Nhất Hoàng cho biết.

 

Bên cạnh đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cùng Tổ chức Xúc tiến thương mại Nhật Bản (JETRO) đang chuẩn bị cho Diễn đàn Kinh tế Việt – Nhật lần 5, dự kiến sẽ diễn ra tại Đà Nẵng vào tháng 11 tới. “Hy vọng, đây sẽ là diễn đàn để các cơ quan quản lý hai nước có thể hợp tác trên các lĩnh vực, đặc biệt là đào tạo nguồn nhân lực. Ngoài ra, đây còn là cơ hội cho doanh nghiệp hai bên tìm kiếm đối tác, cũng như nêu ra những vướng mắc với các cơ quan có thẩm quyền để tìm hướng giải quyết”, ông Akihiko Takashima, Chủ tịch Ủy ban Quan hệ quốc tế, Liên đoàn Kinh tế Kansai nói.
Bài viết đã được đăng ký bản quyền (DMCA). Nếu bạn đọc copy nội dung hãy để lại link về bài gốc hoặc ghi rõ nguồn camautravel.vn như một sự tri ân với tác giả.
Copyright © 2023 - 2024 | camautravel.vn | All Rights Reserved. DMCA.com Protection Status