Tin tức

Nhà đầu tư Đức nhắm vào năng lượng tái tạo

Việc khai thác tiềm năng về năng lượng tái tạo tại Việt Nam từ lâu đã được các nhà đầu tư Đức nhắm tới.

Theo Bộ Công thương, tiêu thụ năng lượng của Việt Nam ngày càng gia tăng, gấp gần 5 lần trong giai đoạn từ năm 1990 đến năm 2004 (từ mức 4,21 triệu tấn dầu quy đổi lên 19,55 triệu tấn), với mức tăng trung bình mỗi năm là 11,7%. Dự kiến, Việt Nam sẽ nhập khẩu năng lượng từ năm 2015.

 

đối phó với nguy cơ thiếu hụt nguồn điện trong những năm tới, bên cạnh phát triển điện hạt nhân, Việt Nam đang hướng tới các nguồn năng lượng tái tạo, chủ yếu là năng lượng gió và mặt trời. Tuy nhiên, việc khai thác thị trường năng lượng tái tạo đang gặp phải những thách thức về công nghệ, chính sách và nếu không có sự góp sức từ nhà đầu tư nước ngoài thì Việt Nam rất khó hoàn thành mục tiêu đến năm 2015, năng lượng tái tạo chiếm 3% tổng công suất điện thương mại và đạt 5% vào năm 2020.

 

Trong thực tế, việc khai thác tiềm năng về năng lượng tái tạo tại Việt Nam từ lâu đã được các nhà đầu tư nước ngoài quan tâm, trong đó đáng chú ý là nhà đầu tư đến từ Đức. Đó là liên doanh giữa Công ty Năng lượng gió Fuhrlaender AG  (Đức) và Công ty cổ phần Năng lượng tái tạo Việt Nam (REVN). Liên doanh này đang đầu tư xây dựng những tua-bin gió đầu tiên tại Bình Thuận, mỗi tua-bin có công suất phát điện 1,5 MW và là những tua-bin gió hiện đại nhất ở Việt Nam.

 

Còn rất nhiều nhà đầu tư khác của Đức cũng mong muốn được rót vốn đầu tư phát triển thị trường này. Chuyến thăm Việt Nam mới đây của  Bộ trưởng Bộ Kinh tế và Công nghệ Đức Philipp Roesler một lần nữa khẳng định sự quan tâm của các nhà đầu tư Đức đến lĩnh vực năng lượng tái tạo tại Việt Nam, bên cạnh lĩnh vực công nghệ, y tế và bán lẻ.

 

“Ở Đức, năng lượng tái tạo hiện chiếm tỷ lệ khá lớn, từ 20 đến 25% và chúng tôi có rất nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực này. Vì thế, chúng tôi sẵn sàng chuyển giao kinh nghiệm đó để giúp Việt Nam phát triển năng lượng tái tạo”, Bộ trưởng Philipp Roesler khẳng định tại Diễn đàn Đối thoại Việt – Đức.

 

Song điều các nhà đầu tư quan tâm trước khi rót vốn vào lĩnh vực này là chính sách khuyến khích đầu tư của Việt Nam. “Chúng tôi muốn xây dựng một nhà máy điện gió tại Việt Nam từ rất lâu rồi. Nhưng liệu Việt Nam có chính sách mua điện từ các dự án này không? Các nhà đầu tư Đức muốn nhìn thấy một bộ luật về mua bán điện gió, vì luật sẽ làm họ yên tâm hơn”, ông Oliver Massmann, Tổng giám đốc Công ty Duane Morris Vietnam LLC đề xuất.

 

Cũng đánh giá cao tiềm năng phát triển điện gió ở khu vực núi cao và vùng ven biển như Ninh Thuận, Bình Thuận, ông Pekka Paasivaara, đại diện Công ty Germanischer Lloyd cho rằng, ngoài việc miễn thuế nhập khẩu các thiết bị và miễn tiền thuê đất trong một thời gian nhất định, Việt Nam cần có cơ chế thu hút liên doanh đầu tư trong lĩnh vực này. 

 

Theo Hiệp hội Hợp tác quốc tế Đức tại Việt Nam (GIZ), việc phát triển năng lượng tái tạo ở Việt Nam còn gặp nhiều trở ngại. Chẳng hạn, Việt Nam chưa có luật về năng lượng tái tạo, với những quy định cụ thể nhằm thu hút vốn đầu tư. Giá mua điện tái tạo hiện nay khoảng 7,8 cent/kWh là khá thấp, khiến hầu hết các dự án năng lượng tái tạo không khả thi, làm nản lòng nhà đầu tư.

 

Bên cạnh đó, việc khai thác tài nguyên năng lượng tái tạo còn gặp nhiều khó khăn do sự xung đột trong việc sử dụng đất. Ví dụ, Dự án điện gió ở Ninh Thuận, Bình Thuận bị chậm trễ do thiếu sự thống nhất giữa các cơ quan chức năng địa phương và chương trình của Chính phủ, kế hoạch khai thác năng lượng điện gió trùng lắp với dự án khai thác titan.
Bài viết đã được đăng ký bản quyền (DMCA). Nếu bạn đọc copy nội dung hãy để lại link về bài gốc hoặc ghi rõ nguồn camautravel.vn như một sự tri ân với tác giả.
Copyright © 2023 - 2024 | camautravel.vn | All Rights Reserved. DMCA.com Protection Status