Mới chỉ có 2,5% số người tiêu dùng biết đến Luật Bảo vệ người tiêu dùng.
Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Phương Nam, Phó Cục trưởng Cục Quản lý cạnh tranh (Bộ Công Thương), thực tế hiện nay, người tiêu dùng Việt Nam vẫn chưa được bảo vệ tốt. Điển hình một số vụ việc gần đây gây bức xúc dư luận như các doanh nghiệp tự ý tăng giá sữa, mô hình bán hàng đa cấp có nhiều biến tướng gây thiệt hại kinh tế không nhỏ cho người dân…Trong khi đó, hoạt động của các tổ chức như hội bảo vệ người tiêu dùng lại chưa phát huy được hiệu quả.
“Hiện có quá nhiều hình thức, thủ đoạn tinh vi tác động trực tiếp đến quyền lợi của người tiêu dùng. Vừa qua, Cục Quản lý cạnh tranh có cảnh cáo một số nhà kinh doanh bán buôn bán lẻ trong chuỗi hệ thống siêu thị vi phạm tới quyền lợi người tiêu dùng thông qua các hình thức khuyến mại, kiểm soát sản phẩm không tốt. Quyền lợi người tiêu dùng đang bị xâm hại, nhưng muốn làm tốt thì bản thân người tiêu dùng cũng phải nhận thức, mạnh dạn tố cáo”, đại diện Cục Quản lý cạnh tranh cho biết.
Luật Bảo vệ người tiêu dùng đã có hiệu lực từ tháng 7/2011. Thế nhưng cho đến nay, mới chỉ có khoảng 2,5% số người tiêu dùng biết tới luật hay các văn bản pháp luật bảo vệ người tiêu dùng. Ngay cả khi xảy ra vụ việc vi phạm quyền lợi người tiêu dùng thì người tiêu dùng cũng ít chọn cách kiện ra tòa vì ngại thủ tục nhiều, án phí cao.
Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Tổng Thư ký Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam cho rằng, để luật đi vào cuộc sống thì đầu tiên phải tuyên truyền phổ biến pháp luật cho để người tiêu dùng biết và bảo vệ quyền lợi của mình. Nhưng bên cạnh đó, cơ quan chức năng cũng phải vào cuộc quyết liệt hơn.
“Luật có điều chỉnh 4 đối tượng, trong đó có cơ quan nhà nước. Vì cơ quan chức năng của nhà nước có chức năng kiểm soát hàng giả hàng kém chất lượng, không đủ trọng lượng, vấn đề an toàn thực phẩm. Đấy là mảng quan trọng góp phần đưa luật vào cuộc sống. Cơ quan chức năng phải tăng cường hơn nữa kiểm tra phát hiện và xử lý nghiêm, xử phạt hành chính hoặc chuyển sang xử lý hình sự”, ông Hùng cho biết.
Mới đây, Chính phủ đã ban hành Nghị định, trong đó quy định phạt tối đa 150 triệu đồng cho vi phạm quản lý giá. Đây là một trong những hành động thiết thực nhằm bảo vệ người tiêu dùng. Tuy nhiên, chính người tiêu dùng cũng phải nắm rõ hơn về Luật bảo vệ người tiêu dùng để bảo vệ quyền lợi của mình./.