Nhiều nhà đầu tư nước ngoài đang chờ đợi Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) được thông qua tại Kỳ họp thứ 5, Quốc hội Khóa XIII, với đề xuất áp dụng ưu đãi thuế TNDN với cả phần đầu tư mở rộng. Dự luật bắt đầu được các đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ vào chiều qua (21/5)
Được Chính phủ chấp thuận về chủ trương hưởng ưu đãi đầu tư như đối với một DN công nghệ cao từ hồi đầu tháng 4/2013, Công ty TNHH Robert Bosch Việt Nam sẽ được hưởng ưu đãi thuế TNDN ở mức cao nhất.
Nhưng điều mà ông Võ Quang Huệ, Tổng giám đốc Robert Bosch Việt Nam vẫn băn khoăn, đó là phần dự án đầu tư mở rộng từ 100 triệu EUR hiện nay lên 230 triệu EUR trong thời gian tới, có được hưởng các ưu đãi về thuế hay không.
Đã có người “hiến kế” với ông Huệ rằng, nên thành lập một dự án đầu tư mới. Song làm vậy thì mất quá nhiều thời gian, tiền bạc.
Bởi thế, điều mà ông Huệ trông chờ, đó là Luật Thuế TNDN sẽ được thông qua tại kỳ họp Quốc hội lần này, với điều khoản mà Robert Bosch đang ngóng đợi. Đó là phần đầu tư mở rộng cũng sẽ được hưởng ưu đãi thuế TNDN như dự án cũ.
Nếu Dự thảo Luật được thông qua, một cách danh chính, ngôn thuận, toàn bộ nhà máy chuyên sản xuất dây truyền lực biến đổi liên tục (CVT) dùng cho ô tô của Bosch, bao gồm cả phần đầu tư mở rộng, sẽ được hưởng ưu đãi đầu tư như một DN công nghệ cao. Theo đó, DN sẽ được hưởng thuế suất thuế TNDN 10%, miễn 4 năm đầu và giảm 50% trong 9 năm tiếp theo.
“Đây là một quyết định rất có ý nghĩa, sẽ giúp thúc đẩy thu hút đầu tư vào Việt Nam, đặc biệt là các dự án trong lĩnh vực công nghệ cao”, ông Huệ nói.
Thực tế, không chỉ Robert Bosch, mà rất nhiều nhà đầu tư nước ngoài cũng đang chờ đợi Luật Thuế TNDN được thông qua, với các quy định về ưu đãi thuế TNDN một cách rõ ràng, minh bạch hơn.
Samsung Electronics Việt Nam (SEV) là một ví dụ. Nhà đầu tư này sau khi đã nâng tổng vốn đầu tư của Khu tổ hợp Samsung (Samsung Complex) tại Bắc Ninh lên 1,5 tỷ USD, đang theo đuổi các kế hoạch đầu tư mở rộng khác và cũng đang đệ trình các cơ quan chức năng Việt Nam các đề xuất về ưu đãi đầu tư đối với phần mở rộng này.
Kumho Asiana (Hàn Quốc) cũng đang “ngóng” chính sách của Chính phủ Việt Nam, để có những thuận lợi hơn khi mở rộng Nhà máy Sản xuất lốp xe Kumho Tires ở Bình Dương.
Tương tự, Unilever, đã đầu tư khoảng 200 triệu USD ở Khu công nghiệp Tây Bắc Củ Chi, cũng đang muốn mở rộng nhà máy, nhưng vẫn “lấn cấn” chuyện ưu đãi thuế TNDN cho phần ưu đãi đầu tư mới. Điều mà Unilever phân vân không chỉ là nếu không được ưu đãi, thì tính cạnh tranh của phần dự án mở rộng sẽ thấp đi, mà còn vì cùng một dự án, nhưng lại áp dụng tới hai chính sách thuế khác nhau.
Ông Hồng Hán Thành, Tổng giám đốc Công ty TNHH Pepperl + Fuchs (Việt Nam), DN có nhà máy sản xuất thiết bị cảm ứng và truyền tín hiệu tại Khu chế xuất Tân Thuận (TP.HCM), cũng đã từng tỏ bày nỗi băn khoăn khi muốn đầu tư thêm 30 triệu USD, song không biết phần mở rộng này có được hưởng ưu đãi hay không.
Bởi thế, không khó hiểu khi nhiều nhà đầu tư nước ngoài chờ đợi Dự thảo Luật Thuế TNDN được thông qua ngay trong kỳ họp này và sớm có hiệu lực. Tờ trình Dự thảo Luật Thuế TNDN của Bộ Tài chính cũng đã khẳng định, việc áp dụng ưu đãi đầu tư với phần đầu tư mở rộng nhằm đáp ứng yêu cầu thực tiễn và khuyến khích, thu hút đầu tư, góp phần vào việc phân bổ nguồn lực có hiệu quả. Tuy nhiên, có những điều kiện nhất định, không phải bất cứ dự án đầu tư mở rộng nào cũng được ưu đãi đầu tư.
Một khía cạnh quan trọng khác, theo tờ trình Dự thảo Luật Thuế TNDN, thì cũng sẽ có một số bổ sung đối với các chính sách ưu đãi đầu tư, mà điều này sẽ có tác động tích cực đối với thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) của Việt Nam – vốn đang chựng lại thời gian qua.
Chẳng hạn, sẽ bổ sung diện áp dụng thuế suất ưu đãi 10% trong 15 năm, miễn thuế tối đa trong 4 năm và giảm 50% số thuế phải nộp tối đa 9 năm tiếp theo, đối với các dự án có quy mô vốn đầu tư tối thiểu 6.000 tỷ đồng, hoặc tối thiểu 300 triệu USD, thực hiện giải ngân không quá 3 năm, kể từ khi được cấp phép đầu tư và có tổng doanh thu tối thiểu đạt 10.000 tỷ đồng/năm, chậm nhất sau 3 năm kể từ năm có doanh thu.