Tin tức

Nâng cao chất lượng các dự án đầu tư sang Lào

Ông Trần Bắc Hà, Chủ tịch Hiệp hội Các nhà đầu tư Việt Nam sang Lào (AVIL) cho biết, số dự án và tổng vốn đầu tư của doanh nghiệp (DN) Việt Nam sang Lào tăng mạnh trong thời gian gần đây, song có tới 1/3 là dự án treo, chậm tiến độ do gặp nhiều vướng mắc.

Thưa ông, làn sóng DN Việt Nam đầu tư sang Lào tăng rất nóng trong thời gian gần đây. Việc tăng trưởng quá nhanh như vậy có bộc lộ gì bất ổn?

 

Đúng là hiện nay, kinh tế thế giới và trong nước gặp nhiều khó khăn, song hoạt động đầu tư của DN Việt Nam sang Lào vẫn tăng mạnh. Tính đến ngày 31/3/2012, Việt Nam đã có 212 dự án đầu tư sang Lào, với tổng vốn đầu tư 3,45 tỷ USD. Chỉ tính riêng năm 2011, Viêt Nam đã cấp phép đầu tư 15 dự án sang Lào với tổng vốn đầu tư gần 500 triệu USD. Việt Nam hiện là nhà đầu tư nước ngoài lớn thứ hai tại Lào và Lào giữ vị trí thứ nhất trong tổng số 55 quốc gia và vùng lãnh thổ có hoạt động đầu tư ra nước ngoài của Việt Nam. 

 

Tuy nhiên, điều đáng lo là, theo đánh giá của AVIL, có khoảng 1/3 dự án của Việt Nam đầu tư sang Lào đang triển khai chậm tiến độ. Đã có hiện tượng một số DN nhận dự án, nhưng không triển khai, mà chuyển nhượng cho đối tác thứ ba. Một số DN do năng lực tài chính yếu, thiếu kinh nghiệm, xin quá nhiều dự án cùng một lúc trên nhiều lĩnh vực khác nhau, hoặc dự án vượt quá khả năng quản lý, nên phải bỏ lửng hoặc triển khai cầm chừng.

 

Ông có cho rằng, nguyên nhân chính của tình trạng này là lỗi của doanh nghiệp?

Về mặt chủ quan, nhiều DN Việt Nam thiếu khả năng, kinh nghiệm quản lý vận hành dự án đầu tư, năng lực tài chính yếu, triển khai dự án thiếu nghiêm túc. Một số DN chưa nghiên cứu thẩm định kỹ dự án trước khi đầu tư, nên khi đầu tư không đem lại hiệu quả như kỳ vọng. Sự liên kết hỗ trợ giữa các nhà đầu tư Việt Nam còn rời rạc, thiếu chặt chẽ, cạnh tranh không lành mạnh giữa các DN.

 

Tuy nhiên, cũng có nhiều nguyên nhân, như các bộ, ngành chức năng của Việt Nam chưa có nhiều chính sách hỗ trợ kịp thời cho DN. Pháp luật đầu tư của Lào còn có nhiều nội dung chưa nhất quán, việc cung cấp thông tin và chính sách đầu tư còn thiếu và chậm, phân cấp cấp phép đầu tư chưa rõ ràng, các quy định về chấm dứt, thu hồi giấy phép đầu tư chưa nghiêm.

 

Để luồng vốn đầu tư của Việt Nam sang Lào tiếp tục tăng nhanh và hiệu quả, AVIL có những kiến nghị gì, thưa ông?

 

Tháng 1/2012, Ủy ban Liên chính phủ Việt – Lào đã thống nhất sẽ thành lập Tổ công tác hỗn hợp để rà soát, tháo gỡ khó khăn cho các DN, nhưng đến nay vẫn chưa triển khai. Đề nghị  Tổ công tác này sớm thành lập, cho phép AVIL tham gia với tư cách thành viên để phối hợp rà soát, đánh giá thực trạng đầu tư của Việt Nam sang Lào, đề xuất giải pháp tháo gỡ, giải quyết đối với các dự án chậm tiến độ hoặc dừng triển khai; thống nhất tiêu chí đánh giá, phân loại dự án đầu tư của Việt Nam sang Lào; mỗi năm một lần họp để rà soát đánh giá thực trạng hoạt động đầu tư Việt Nam sang Lào… Ngoài ra, chính phủ hai nước cần sửa đổi Hiệp định Khuyến khích và bảo hộ đầu tư của hai quốc gia, sớm ký Hiệp định Chống đánh thuế hai lần và Hiệp định Vận tải giữa hai nước.

 

Chúng tôi đề nghị, phía Lào ban hành đầy đủ các đạo luật, nhất là các đạo luật về đầu tư; xem xét dỡ bỏ hàng rào kỹ thuật liên quan đến hải quan, thuế; ưu tiên giao các dự án cho DN Việt Nam thực hiện, đặc biệt là các dự án dọc tuyến biên giới hai nước.
Bài viết đã được đăng ký bản quyền (DMCA). Nếu bạn đọc copy nội dung hãy để lại link về bài gốc hoặc ghi rõ nguồn camautravel.vn như một sự tri ân với tác giả.
Copyright © 2023 - 2024 | camautravel.vn | All Rights Reserved. DMCA.com Protection Status