Năm Căn là điểm dừng chân cuối cùng của cuộc hành trình về Đất Mũi bằng ô-tô. Đây cũng là đầu mối giao thông đưa đón du khách du lịch. Thiên nhiên ưu đãi cho vùng đất này những cảnh vật hoang sơ mang nét đặc thù riêng, hứa hẹn cho một vùng du lịch sinh thái.
Sẵn sàng làm du lịch
Ông Nguyễn Hoàng Na, khóm 9, thị trấn Năm Căn, chủ vườn chim, cho biết, gia đình ông trồng rừng để khi chim sinh sôi nẩy nở có chỗ ở. Đó là cách giữ chim ở lại đất mình. Khi chim về ở nhiều, rừng cũng bắt đầu sinh sôi thì sản lượng tôm, cá trong vuông bắt đầu giảm xuống.
Thiên nhiên đã ưu ái cho gia đình ông một vườn chim có những loài hiếm ghi vào sách đỏ trên thế giới, thì không thể vì lợi ích trước mắt mà không cố giữ lại vườn chim. Gia đình ông có hướng phát triển du lịch nên bắt đầu đón khách đến tham quan. Việc thu hút khách chưa khả thi vì đường sá còn cách trở, phải lụy đò. Thời gian tới, nếu đường bộ thuận lợi, tình hình sẽ thay đổi thuận lợi hơn.
Sự tồn tại của vườn chim chính là công gìn giữ và mở rộng diện tích của ông Tư Na. Ông ý thức được thiên nhiên đã đem đến cho gia đình ông, nếu trước đây diện tích đất của ông khoảng 17 ha và diện tích cây rừng thưa thớt, bây giờ ông đã đầu tư mở rộng hơn 25 ha và diện tích rừng khoảng 70-80%, rừng cũng đã trên 10 tuổi. Trồng rừng là cách để ông giữ chim ở lại vườn và sinh sôi thêm.
Mời gọi đầu tư
Mới đây huyện Năm Căn có kế hoạch xây dựng vùng du lịch sinh thái khoảng hơn 395 ha, bao gồm khu lâm viên và vùng du lịch sinh thái toàn bộ khóm 9, với 112 hộ dân. Ông Lê Hoàng Linh, Chủ tịch UBND thị trấn Năm Căn tràn đầy hy vọng về khu du lịch sinh thái tương lai: “Khu du lịch này sẽ rất đẹp, nằm trên cù lao giữa lòng thị trấn Năm Căn. Đây là khu nuôi trồng thủy sản, có đủ điều kiện để phát triển khu du lịch sinh thái.
Người dân và chính quyền địa phương đều đồng tình cao về hướng quy hoạch du lịch sinh thái lâu dài. Hiện tại địa phương đang tiến hành xây dựng phương án kêu gọi đầu tư để tiến hành quảng bá và khai thác du lịch sinh thái giữa lòng thị trấn”.
Theo kế hoạch khai thác du lịch, thị trấn đi sâu vào quy hoạch phát triển du lịch cộng đồng, vận động, khuyến khích người dân cùng làm du lịch. Với mô hình du lịch sinh thái tổng hợp, du khách có thể đến hộ dân để cùng bà con xổ vuông, câu cá, câu cua…, sau đó thưởng thức đặc sản địa phương. Du khách cũng có thể nghỉ qua đêm tại nông hộ. Đây sẽ là động lực thúc đẩy du lịch Năm Căn phát triển, níu chân du khách ở lại Năm Căn.
Ông Trương Việt Hùng, người dân khóm 9, thị trấn Năm Căn, cho biết: “Nếu thực hiện dự án này tôi ủng hộ hết mình, gia đình tôi sẽ trồng rừng thêm để phát triển du lịch. Tuy trước mắt sẽ giảm về năng suất tôm nuôi, nhưng về lâu dài phát triển du lịch sẽ mang lại hiệu quả kinh tế, giải quyết việc làm bền vững”.
Ông Lê Hoàng Linh cho biết thêm: “Phát triển du lịch sinh thái là ước mơ mà thị trấn đang hoạch định chiến lược nhằm khai thác hiệu quả của “ngành công nghiệp không khói”. Thị trấn Năm Căn có tiềm năng nội lực dồi dào để thực hiện ước mơ này.
Tuy nhiên, thị trấn rất cần sự quan tâm chỉ đạo, ủng hộ của các cấp, ngành, đồng thời tìm được sự hợp sức đầu tư các dịch vụ du lịch của các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh”.
Năm Căn, khu kinh tế trọng điểm của Cà Mau đang trong quá trình hình thành và phát triển. Trong tiến trình đó, Năm Căn sẽ giữ lại những nét đặc thù riêng, đặc biệt là giữ lại màu xanh trong lòng thị trấn.
Đó cũng là nơi hứa hẹn điểm du lịch lý tưởng, hấp dẫn, thỏa mãn nhu cầu tham quan, vui chơi của du khách mỗi khi về với Đất Mũi yêu thương./.