– Vốn đầu tư nước ngoài (FDI) tăng nhưng nó lại đang không tạo được sự yên tâm trong nền kinh tế.
Cần có giải pháp quyết liệt với những doanh nghiệp như Coca – Cola.
Thực tế, con số 12,6 tỉ USD thu hút FDI tính đến thời điểm này, chiếm tới 97% kế hoạch năm là quá ấn tượng, đặc biệt là trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu đang gặp khó khăn, các nước trong khu vực như Malaysia, Myanma… cũng đang triển khai rất nhiều chính sách ưu đãi nhằm thu hút dòng vốn này. Tuy nhiên, song hành cùng con số đó là 50% doanh nghiệp FDI báo lỗ theo thống kê của Bộ Kế hoạch và Đầu tư thì lại chẳng ấn tượng chút nào. Thậm chí, nó còn đang dấy lên những lo ngại lớn trong nền kinh tế.
Chưa bao giờ câu chuyện lỗ lãi của khối doanh nghiệp FDI lại giành được sự quan tâm đặc biệt của dư luận xã hội như hiện nay. Và có một hiện tượng lạ mà không phải bây giờ mà ngay từ cuối năm 2012 nó đã xuất hiện ở nước ta là tình trạng doanh nghiệp FDI thì cứ mải miết báo lỗ nhưng cũng lại không ngừng mở rộng quy mô, thị trường sản xuất kinh doanh… Cách nói đầu tư theo chiến lược lâu dài và phải cần có một thời gian nhất định mới sinh được lợi nhuận mà ông chủ những doanh nghiệp FDI nói cũng là khó chấp nhận.
Việt Nam vẫn đang rất cần dòng vốn FDI để thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế xã hội nhưng không phải bằng mọi giá. Ví như chuyện các doanh nghiệp phản ứng với việc tăng giá điện vừa rồi chẳng hạn. Họ lo ngại quyết định tăng giá điện sẽ làm tăng giá thành sản phẩm, trong khi tình trạng tồn kho, sản xuất kinh doanh vẫn khó khăn sẽ đẩy doanh nghiệp đến cho phá sản, giải thể… Những ý kiến này phản bác quyết định tăng giá điện là vậy nhưng rồi chính họ cũng lại chẳng nghĩ tới chuyện làm sao phải hạn chế tổn thất điện năng, tiết kiệm chi phí năng lượng…
Đó là câu chuyện vẫn còn đang nóng hổi nhưng có một điều rõ ràng, chúng ta phải tăng giá điện để ngành điện phát triển, giải bài toán năng lượng của đất nước… và quan trọng hơn, giá điện sẽ dần tiến tới cơ chế giá thị trường – chủ trương mà Đảng và Chính phủ đang định hướng.
Câu chuyện này cũng đặt ra một vấn đề, vì thu hút FDI mà các tỉnh, các địa phương đang tìm mọi cách, giành mọi ưu đãi, thậm chí là cạnh tranh một cách thái quá, bỏ qua nhiều khâu cấp phép, kiểm duyệt… để mời chào doanh nghiệp về địa phương mình. Hệ quả của hiện tượng này thì đã thấy rõ, 50% doanh nghiệp FDI báo lỗ và cũng có không ít doanh nghiệp FDI đã bỏ trốn…
Chúng ta không phủ nhận những đóng góp của khu vực kinh tế FDI vào sự phát triển của đất nước nhưng cũng đến lúc chúng ta cần bình tĩnh nhìn lại xem có cần thiết phải “chạy đua” thu hút FDI bằng mọi giá hay không. Và nữa, có cần thiết là vì tỉnh A có dự án ví dụ lọc hóa dầu chẳng hạn thì tỉnh B cũng phải có hay không? Hay tỉnh A có nhà máy thép tỉ đô thì tỉnh B cũng thế hay không?…
Đã đến lúc chúng ta cần phải nhìn nhận “chất” hơn “lượng”. Sự dễ dãi thái quá của nhiều địa phương trong thu hút FDI rất có thể sẽ tạo cơ hội để các doanh nghiệp FDI trục lợi. Chẳng đâu xa, ngay như ngành thép – ngành phản ứng mạnh nhất với việc tăng giá điện vừa rồi chẳng hạn. Trong khi công nghệ sản xuất thép của thế giới cần 45 – 70 phút để làm 1 mẻ thép thì doanh nghiệp thép của ta lại cần tới 90 – 180 phút.
Điều này cho thấy, công nghệ sản xuất ở nước ta hiện quá lạc hậu, tiêu tốn quá nhiều năng lượng… Vấn đề ở đây là là cái phần tiêu hao đáng nhẽ ra doanh nghiệp phải chịu thì chính chúng ta lại đang phải đứng ra thanh toán. Ngoài chuyện giá điện thấp thì tiền thuê đất, chính sách ưu đãi, tiền thuế… đã bù đắp cho khoản chi phí đó. Vậy nên, chuyện doanh nghiệp FDI vào nước ta rồi mang vào những dây chuyền sản xuất từ những năm 80 – 90 của thế kỷ trước là hoàn toàn có thể.
Lại một vấn đề nữa cũng cần phải đặt ra là liệu rằng, đằng sau chuyện lãi lỗ của một số doanh nghiệp FDI có hay không sự tiếp tay của chính chính quyền địa phương. Vì họ đã “đâm lao” nên giờ phải “theo lao” và quan trọng hơn là cái bệnh trọng thành tích của một bộ phận lãnh đạo các địa phương.
Thu hút FDI là mục tiêu để xây dựng, phát triển hạ tầng xã hội và địa phương nào thu hút được nhiều FDI là rất đáng biểu dương nhưng vấn đề là “chất” của nó đến đâu chứ không phải “lượng” để cuối năm đi tổng kết chỗ này, tổng kết chỗ kia mà “vỗ ngực” tự hào”: Tỉnh tôi năm nay thu hút FDI nhiều…
Có “lượng” mà chẳng có “chất” thì chỉ là cái danh hão mà thôi. Thử hỏi những Nestlé Việt Nam (lỗ từ năm 1995 – 2012 với tổng lỗ hơn 30 triệu USD nhưng năm 2012 vẫn đầu tư thêm 250 USD mở rộng quy mô sản xuất); Coca – Cola (lỗ lũy kế đến năm 2011 là 179,5 triệu USD song vẫn lên kế hoạch đổ thêm 300 USD vào Việt Nam); Metro Cash & Carry (báo lỗ từ năm 2001-2009 là 55 triệu USD nhưng có kế hoạch mở rộng 35 trung tâm thương mại tại Việt Nam trong vòng 3-5 năm tới)… chiếm bao nhiêu đất, hưởng bao nhiêu quyền lợi và đóng được bao nhiêu đồng tiền thuế cho đất nước. Chúng ta cũng cần phải nhìn nhận tình trạng này là một hiện tượng “chảy máu” tài nguyên, là mối nguy hại của đất nước.
Nói là vậy nhưng ngặt một lỗi ở ta hiện nay, nhiều địa phương đang chạy theo “lượng” mà quên “chất” và hệ quả của nó thì đã quá rõ, không chỉ nền kinh tế tổn hại mà cả người dân cũng phải gánh chịu hậu quả.
Khoảng 2 năm trở lại đây, bên cạnh những doanh nghiệp FDI đang dính nghi vấn chuyển giá, trốn thuế và vẫn chưa được các cơ quan chức năng làm rõ thì tại Bình Dương, Đồng Nai… thì cũng không ít doanh nghiệp vừa và nhỏ của Trung Quốc, Đài Loan, Hàn Quốc… lỗ thật và “lén lút” bỏ về nước. Hệ quả là hàng trăm, hàng ngàn công nhân, lao động mất việc làm, bị quỵt tiền lương, còn ngân hàng thì lại ôm thêm một mớ nợ xấu!
Nói về hiện tượng doanh nghiệp FDI bỏ trốn thời gian qua, TS Phạm Hùng Tiến (Đại học Kinh tế – Đại học Quốc gia Hà Nội) – người đã có nhiều năm nghiên cứu về hoạt động của khu vực kinh tế này đã thẳng thắn chỉ ra rằng: Nguyên nhân sâu sa khiến DN bỏ trốn xuất phát từ năng lực tài chính yếu kém. Họ gặp khó khăn trong quá trình vận hành dự án, làm ăn thua lỗ nên phải dừng dự án. Nếu nhà đầu tư tốt, họ sẽ thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ với Nhà nước, với người lao động. Ngược lại, nhà đầu tư “xấu” sẽ bỏ trốn khỏi Việt Nam. Bên cạnh đó nhiều nhà đầu tư đã xác định vấn đề đạo đức kinh doanh không rõ ràng, nhiều DN FDI chỉ kinh doanh trong thời gian ân hạn thuế tối đa 275 ngày, họ làm ăn chụp giật, đến thời gian phải nộp thuế là họ biến mất. Nhiều dự án đã có biểu hiện dùng những bộ chứng từ xuất nhập khẩu để vay tại ngân hàng thương mại của chúng ta rồi ôm tiền về nước và chúng ta không thể tìm được tung tích nhà đầu tư.
Qua đó để thấy rằng, với những diễn biến của khu vực kinh tế FDI thì nó vẫn chưa thể tạo sự yên tâm đối với xã hội, nền kinh tế. Đã đến lúc chúng ta cần phải thay đổi tư duy về việc thu hút đầu tư FDI, cần phải chú trọng cái “chất” trong từng dự án để lựa chọn những nhà đầu tư có thực lực, có đạo đức, có trách nhiệm. Và nữa, đã đến lúc lãnh đạo các địa phương cũng cần phải nhìn nhận lại cái gọi là “thành tích” thu hút FDI có thật sự đáng tự hào hay chỉ là mang tài nguyên của đất nước mà bán với giá rẻ!
Rất vui vì mục tiêu thu hút FDI năm 2013 sắp cán đích dù mới bước sang tháng 8 nhưng kỳ thực, khi nhìn vào con số 50% thì chẳng mấy ai có thể vui được nữa!