Tin tức

Mở thêm cơ hội cho dòng vốn tư nhân

Khá nhiều ngành, lĩnh vực đang được đề nghị loại khỏi danh mục, hoặc giảm tỷ lệ Nhà nước nắm giữ vốn, mở thêm cơ hội cho dòng vốn đầu tư tư nhân. 

Trong danh sách một số ngành, lĩnh vực được đề nghị loại khỏi danh mục Nhà nước nắm giữ vốn của Dự thảo Quyết định thay thế Quyết định 14/2011/QĐ-TTg về ban hành tiêu chí, danh mục phân loại doanh nghiệp nhà nước, có thể thấy, một loạt lĩnh vực đang được giới đầu tư quan tâm.

 

Cảng Hải Phòng là một trong số cảng biển được yêu cầu cổ phần hóa. Ảnh: Hà Thanh

Có thể kể tới sản xuất giấy in báo, giấy viết chất lượng cao, bảo hiểm, đóng mới và sửa chữa phương tiện vận tải đường không, sản xuất gang, thép có công suất trên 500.000 tấn/năm, sản xuất xi măng lò quay có công suất thiết kế trên 1,5 triệu tấn/năm…

PGS-TS. Nguyễn Đình Tài, chuyên gia kinh tế, Viện Quản lý xã hội và phát triển doanh nghiệp cho rằng, việc loại bỏ thêm những ngành nghề nhà nước không cần nắm giữ vốn trong bối cảnh hiện nay có ý nghĩa tích cực.

“Trong khi khu vực kinh tế tư nhân đang gặp khó khăn về cơ hội kinh doanh, việc thu hẹp lại các lĩnh vực, ngành nghề doanh nghiệp nhà nước tham gia sẽ là cơ hội cho các khu vực kinh tế khác, huy động nguồn lực tư nhân tham gia”, ông Tài phân tích.

Cùng với danh sách này, một loạt ngành nghề đang nằm trong danh mục Nhà nước nắm giữ 100% vốn cũng được đề nghị chuyển sang nhóm thực hiện cổ phần hóa với các tỷ lệ vốn Nhà nước khác nhau.

Cụ thể, chuyển lĩnh vực quản lý khai thác cảng biển tổng hợp quốc gia, cửa ngõ quốc tế sang danh mục Nhà nước nắm giữ từ 75% tổng số cổ phần. Trong nhóm giảm phần vốn nhà nước xuống mức 75% tổng số cổ phần trở lên, còn có lĩnh vực quản lý khai thác cảng hàng không, sân bay. Mục tiêu được xác định là thu hút thêm vốn đầu tư từ các thành phần kinh tế khác, đổi mới phương thức quản trị tại các cảng hàng không, trừ cảng hàng không, sân bay có vai trò, vị trí quan trọng đối với an ninh, quốc phòng.

Cũng phải nói thêm, đề xuất giảm tỷ lệ nắm giữ vốn Nhà nước từ 100% xuống trên 75% trong các lĩnh vực này, nhằm pháp lý hóa một số yêu cầu thí điểm cổ phần hóa đối với các doanh nghiệp trong ngành. Vì trong Quyết định tái cơ cấu Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines) giai đoạn 2012-2015, một số cảng biển loại 1 đã được yêu cầu thực hiện cổ phần hóa, như Cảng Sài Gòn, Cảng Hải Phòng, Cảng Đà Nẵng, Cảng Quảng Ninh, Cảng Nha Trang, Cảng Cam Ranh, Cảng Nghệ An. Công ty Dịch vụ và Vận tải biển Vũng Tàu, hoạt động trong lĩnh vực đảm bảo an toàn hàng hải cũng đã được Thủ tướng Chính phủ cho phép thí điểm cổ phần hóa.

Khác với cách phân loại doanh nghiệp nhà nước thành 2 nhóm theo quy định hiện hành của Quyết định 14/2011/QĐ-TTg, gồm nhóm các doanh nghiệp nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ và nhóm Nhà nước nắm giữ trên 50% tổng số cổ phần, Dự thảo Quyết định thay thế đưa ra 4 nhóm dựa trên tỷ lệ nắm giữ vốn Nhà nước, gồm 100% vốn điều lệ, từ 75%, 65% và trên 50% tổng số cổ phần.

Với cách phân loại mới, các doanh nghiệp nhà nước trong lĩnh vực buôn bán xăng dầu, lương thực, thuốc, chế biến dầu mỏ và khí tự nhiên, bảo trì hệ thống đường bộ, đường thủy nội địa; quản lý, bảo trì cảng hàng không, sân bay… được đưa vào diện cổ phần hóa nhà nước nắm giữ từ 65% tổng số cổ phần.

Các doanh nghiệp sản xuất thuốc lá điếu, vệ sinh môi trường, chiếu sáng đô thị, khai thác, sản xuất và cung cấp nước sạch đô thị, vận tải đường biển quốc tế, vận tải đường sắt và đường không, tài chính, tín dụng… thuộc nhóm thực hiện cổ phần hóa, Nhà nước nắm giữ trên 50% tổng số cổ phần.

Việc làm rõ tỷ lệ vốn nhà nước trong từng lĩnh vực này thay vì quy định chung chung, theo bà Keiko Saito, Giám đốc danh mục đầu tư và hoạt động Dự án chương trình Việt Nam của Ngân hàng Thế giới (WB) cho rằng, sẽ là cách thúc đẩy đa dạng hóa sở hữu doanh nghiệp của Việt Nam.
Bài viết đã được đăng ký bản quyền (DMCA). Nếu bạn đọc copy nội dung hãy để lại link về bài gốc hoặc ghi rõ nguồn camautravel.vn như một sự tri ân với tác giả.
Copyright © 2023 - 2024 | camautravel.vn | All Rights Reserved. DMCA.com Protection Status