Trung bình mỗi năm, Bộ Công thương xử lý trên 300 vụ vi phạm về chất lượng, giả nhãn hiệu liên quan đến mặt hàng phân bón.
Tình trạng sản xuất, kinh doanh phân bón giả đang ở mức báo động là nhận định của Bộ Công thương trong hội nghị sản xuất và kinh doanh phân bón mới đây. Hàm lượng chất dinh dưỡng thiếu đến 80% đang ngày càng phổ biến. Con số thống kê của Cục Hóa chất (Bộ Công thương) cũng khiến không ít người giật mình: Kết quả kiểm tra, lấy mẫu cho thấy, gần 50% số mẫu không đạt tiêu chuẩn về hàm lượng hữu cơ, 47% mẫu không đúng về hàm lượng đạm, 33% mẫu không đạt về hàm lượng lân dễ tiêu. Đặc biệt, có tới 41% số mẫu vi phạm cả ba yếu tố NPK.
Trong khi doanh nghiệp sản xuất phân bón uy tín phải tốn không ít tiền của, thời gian và chất xám để đầu tư nghiên cứu, đưa ra những sản phẩm phân bón đảm bảo tiêu chuẩn, thì hàng giả – với phương pháp thủ công, chỉ cần máy nghiền đất, tro trấu, cuốc xẻng và dụng cụ đóng bao cũng làm được. Bởi vậy, không chỉ được bán với giá rất rẻ, điều kiện trả chậm cũng được các cơ sở này “hết sức tạo điều kiện” cho người mua.
Cũng cần phải nói thêm rằng, chưa có nước nào lại có nhiều công ty, doanh nghiệp sản xuất phân bón như ở nước ta. Theo thống kê của liên Bộ Công thương – Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, hiện cả nước có hơn 500 đơn vị sản xuất và khoảng 30.000 doanh nghiệp, đơn vị lớn nhỏ kinh doanh mặt hàng phân bón. Tuy nhiên, số lượng lại tỷ lệ nghịch với chất lượng. Thậm chí xuất hiện cả những công ty “sáng nổi, chiều lặn”.
Nguyên nhân, do quy định cấp giấy phép cho một đơn vị sản xuất phân bón quá đơn giản, cộng thêm việc xử phạt vi phạm trong lĩnh vực phân bón “nhẹ như lông hồng”; trong khi sản xuất phân bón giả lại siêu lợi nhuận. Một lô hàng làm giả tiêu thụ trót lọt, chủ nhân thu về cả tỷ đồng, còn nếu “không may” bị phát hiện, mức xử phạt tối đa chỉ 40 – 50 triệu đồng, chẳng thấm tháp gì. Chính vì vậy mới xảy ra nghịch lý nhiều doanh nghiệp “xin được phạt” để được làm phân bón giả!
Phòng còn hơn chống – khẩu hiệu này được xem là khá hiệu quả đối với nhiều lĩnh vực, song đối với ngành sản xuất phân bón, việc phòng tránh phân bón giả gần như ngoài tầm với. Hiện nay, trách nhiệm quản lý chất lượng phân bón được giao cho Thanh tra các Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn. Thế nhưng, hoạt động của lực lượng này không mấy hiệu quả. Nhiều đơn vị thanh tra sau khi có kết quả đã không xử lý rốt ráo, không công bố rộng rãi cho dư luận biết.
Về phía người trực tiếp sản xuất là nông dân – nhiều lớp tập huấn, tuyên truyền đã được triển khai, nhưng vì ham rẻ, vẫn mua phân bón ở những địa chỉ không rõ ràng, hoặc quá tin vào những lời hướng dẫn, giới thiệu của các đơn vị sản xuất kinh doanh phân bón nên họ vẫn rơi vào “mê hồn trận” phân bón giả!
Theo Cục Quản lý Thị trường (Bộ Công thương), trung bình mỗi năm, Cục xử lý trên 300 vụ vi phạm về chất lượng, giả nhãn hiệu liên quan đến mặt hàng phân bón. Tình trạng phân bón giả tràn lan trên thị trường đã và đang khiến cho người nông dân gặp rất nhiều khó khăn. Năng suất sụt giảm, thậm chí mất trắng. Số tiền nông dân bị thiệt hại, cả trực tiếp và gián tiếp lên đến hàng trăm tỷ đồng/năm. Lập lại trật tự trong kinh doanh, sản xuất phân bón – yêu cầu này đã đến hồi cấp bách nhằm bảo vệ quyền lợi hợp pháp cho nhà sản xuất chân chính cùng bà con nông dân.