Tin tức

Mau tháo gỡ khó khăn trong chế biến và xuất khẩu thủy sản

Năm tháng đầu năm 2012, ngành thủy sản Cà Mau ước đạt kim ngạch xuất khẩu hơn 330 triệu USD. Song các nhà máy chế biến và xuất khẩu thủy sản đang đối mặt khó khăn, thách thức từ nhiều phía. Ðáng chú ý, nhiều doanh nghiệp đang tiềm ẩn nguy cơ phá sản.

Trước thực tế, tỉnh Cà Mau tập trung triển khai các giải pháp để giữ vững ngành sản xuất chủ lực này; phấn đấu đạt mục tiêu xuất khẩu thủy sản đạt một tỷ USD năm 2012.

Tự làm khó mình

Theo Thư ký Hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản CASEP Cà Mau Lý Văn Thuận: Những khó khăn kéo dài kể từ năm 2011 đến nay chưa thể giải quyết triệt để đã đẩy nhiều công ty, xí nghiệp chế biến và xuất khẩu thủy sản đứng bên bờ vực phá sản. Trong số 37 nhà máy, xí nghiệp chế biến và xuất khẩu thủy sản trên địa bàn tỉnh hiện chỉ có khoảng 40% số nhà máy hoạt động có hiệu quả, mang lại lợi nhuận. Số còn lại có đến 30% số nhà máy đang hoạt động cầm chừng, chủ yếu duy trì được sản xuất và 30% số nhà máy còn lại với 11 nhà máy, xí nghiệp được xếp vào “danh sách đen” nghĩa là đứng trước nguy cơ phá sản bất cứ lúc nào. Khó khăn hiện nay của ngành chế biến, xuất khẩu thủy sản ngày càng trầm trọng hơn. Tỷ lệ nhà máy, xí nghiệp nằm trong diện hết sức khó khăn, có nguy cơ phá sản hay đóng cửa ngừng hoạt động đang có chiều hướng tăng trong thời gian gần đây. Nguyên nhân làm cho số nhà máy, xí nghiệp chế biến xuất khẩu thủy sản đứng trước bờ vực phá sản hay buộc phải đóng cửa không chỉ xuất phát từ thiếu vốn và lãi suất ngân hàng cao mà còn do việc thiếu hụt nguồn nguyên liệu trầm trọng, thị trường xuất khẩu luôn biến động liên tục, khó lường do tác động của khủng hoảng kinh tế toàn cầu. Một số thị trường chính như Mỹ và Nhật Bản trong thời gian gần đây rất khó khai thác. Hiện nay, bình quân các nhà máy chế biến thủy sản trên điạ bàn chỉ hoạt động khoảng 40% công suất thiết kế.

Một nghịch lý khác là, trong khi nguồn nguyên liệu chưa đáp ứng nhu cầu của nhà máy chế biến có công suất hiện tại, nhưng số lượng nhà máy xây mới tiếp tục mọc lên; trong khi tỉnh đã có chủ trương không cho xây mới nhà máy từ nhiều năm nay. Chỉ riêng năm 2011, đã có ba nhà máy, xí nghiệp được xây mới. Từ đó đẩy các nhà máy chế biến và xuất khẩu thủy sản phải tranh mua, tranh bán hoặc phải nhập nguyên liệu từ nước ngoài, dẫn đến tình trạng chi phí sản xuất đầu vào tăng cao và hiệu quả kinh doanh thấp. Với tốc độ phát triển nguồn nguyên liệu của tỉnh như hiện nay chỉ tăng bình quân 7%/năm thì phải đến năm 2016, sản lượng thủy sản mới đáp ứng được công suất các nhà máy chế biến thủy sản hiện có trên địa bàn. Sự phát triển ồ ạt các nhà máy chế biến thủy sản trong tỉnh và trong vùng khiến các doanh nghiệp chế biến thủy sản tự mình làm khó mình. Nếu không có giải pháp hợp lý ngay từ bây giờ thì việc hàng loạt các công ty, nhà máy chế biến và xuất khẩu thủy sản phải đóng cửa sản xuất trong thời gian tới là điều không thể tránh khỏi. Bên cạnh đó, chất lượng nguồn nguyên liệu đang là vấn đề nan giải hiện nay. Việc này không chỉ xuất phát từ quy trình sản xuất của người sản xuất hay vùng nguyên liệu của tỉnh mà công tác quản lý nguyên liệu đầu vào cũng như trang thiết bị của các nhà máy chế biến còn nhiều hạn chế, dẫn đến lượng hàng thủy sản xuất khẩu không đạt tiêu chuẩn của các doanh nghiệp bị nước ngoài trả về là không nhỏ. Ðiều này không chỉ thiệt hại về kinh tế mà lớn hơn là uy tín hàng hóa của các doanh nghiệp bị sụt giảm, thị trường tiêu thụ bị thu hẹp dần.

Thiếu vốn, thiếu nguyên liệu, thị trường biến động khó lường, lãi suất ngân hàng cao… đó chỉ là phần nổi. Nguyên nhân quan trọng dẫn đến tình trạng khó khăn như hiện nay của các nhà máy chế biến và xuất khẩu thủy sản chính là thiếu sự phối hợp, liên kết. Mặc dù, trong thời gian qua, nhiều hiệp hội hoạt động trên lĩnh vực này ra đời nhưng nhìn nhận một cách khách quan, các tổ chức này dường như chưa phát huy hết vai trò, trách nhiệm của mình. Công việc chính hiện nay là cần bắt tay liên kết nhưng lại không được quan tâm thực hiện. Liên kết, hợp tác ở đây không chỉ có Nhà nước, nhà nông, nhà khoa học và doanh nghiệp là đủ mà nó đòi hỏi phải có sự liên kết vùng, khu vực và trong cả nước. Hoạt động của các hiệp hội, liên minh trong thời gian qua chưa thật sự mang lại hiệu quả như mong đợi. Một phần xuất phát từ công tác quản lý, một phần do các chủ doanh nghiệp chưa mặn mà với liên kết vì lợi ích chung; tình trạng mạnh ai nấy làm, từng doanh nghiệp vẫn sản xuất, kinh doanh theo cách riêng của mình. Một điều bất hợp lý trong việc nâng cao chất lượng nông sản nói chung và đối với mặt hàng thủy sản nói riêng là công tác quản lý các loại hóa chất, kháng sinh, thuốc bảo vệ thực vật trong nuôi trồng còn hạn chế; gây tác động, ảnh hưởng không nhỏ đến môi trường sinh thái… Sự thiếu liên kết không chỉ xảy ra trong doanh nghiệp với doanh nghiệp, người dân với doanh nghiệp… mà ngay trong công tác quản lý của các ngành chức năng còn thiếu chặt chẽ, đồng bộ; đó là một trong những nguyên nhân dẫn đến các doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu thủy sản gặp khó khăn gần đây.

Liên kết phát triển

Theo tìm hiểu của chúng tôi, gần đây, khá nhiều doanh nghiệp thủy sản trên địa bàn tỉnh Cà Mau trả lương công nhân không theo đúng hợp đồng, hoặc nợ lương dẫn đến việc công nhân lâm vào hoàn cảnh khó khăn. Nhiều chủ doanh nghiệp cho biết: Do không đủ nguyên liệu hoạt động lại có thêm quá nhiều khoản nợ phải thanh toán, cho nên phải khất tiền lương của công nhân để xoay xở trong lúc khó khăn… Theo tính toán, trong trường hợp 11 doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu thủy sản trong tỉnh tuyên bố phá sản như dự báo sẽ có hơn bảy nghìn công nhân không có việc làm.

Ðể tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp, tiếp tục đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh, UBND tỉnh Cà Mau chỉ đạo tập trung sản xuất ngư, nông, lâm nghiệp; trong đó trọng tâm là phát triển nuôi tôm công nghiệp và nuôi theo hình thức quảng canh cải tiến năng suất cao, tạo nguồn nguyên liệu đủ cung ứng cho các nhà máy chế biến xuất khẩu thủy sản trong tỉnh. Ðẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính liên quan hoạt động sản xuất, đầu tư, kinh doanh nhằm tiết kiệm chi phí cho doanh nghiệp. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cần chủ động khảo sát, mở rộng thị trường trong và ngoài nước; cơ cấu lại các chi phí để giảm chi phí đầu vào, tiết kiệm năng lượng, vật tư để giảm giá thành sản xuất, nâng cao năng lực cạnh tranh. Mặt khác yêu cầu Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh Cà Mau theo dõi và giám sát hoạt động của các tổ chức tín dụng trên địa bàn tỉnh kịp thời đề xuất với Ngân hàng Nhà nước hỗ trợ, chỉ đạo các ngân hàng thương mại đáp ứng đủ vốn cho các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh vay với mức trần lãi suất theo quy định; ưu tiên đối với khu vực nông nghiệp, nông thôn, doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp sản xuất hàng xuất khẩu; cơ cấu lại nợ để giúp các doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn. Ngoài ra cần phải làm tốt công tác liên doanh, liên kết giúp các doanh nghiệp phát triển. Không chỉ liên kết giữa các doanh nghiệp với nhau, giữa doanh nghiệp với người sản xuất nuôi tôm trong tỉnh mà cần có sự bắt tay, gắn kết chặt chẽ của cả cụm, cả vùng và khu vực. Các tỉnh ven biển Nam Bộ như Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau và Kiên Giang hiện có gần 500 nghìn ha diện tích nuôi tôm; hằng năm chiếm hơn 40% sản lượng và giá trị xuất khẩu thủy sản (sản phẩm tôm) của cả nước. Ðối với giải pháp giúp phát triển nguồn nguyên liệu trong thời gian tới, hiện toàn tỉnh Cà Mau có gần 4,5 nghìn ha diện tích tôm nuôi công nghiệp và phấn đấu đến năm 2015 nâng lên 10 nghìn ha. Nhưng xem ra đây chưa phải là giải pháp tối ưu nếu không có quy trình sản xuất và quản lý giống thủy sản nhằm tiến tới nâng cao chất lượng nguyên liệu đầu vào. Mặc dù, hiện nay diện tích nuôi tôm công nghiệp đang tăng khá nhanh, nhưng phần diện tích đó chỉ phát triển theo hình thức tự phát, phong trào là chính. Những yếu tố cơ bản phục vụ việc phát triển bền vững vùng nuôi tôm công nghiệp như hệ thống thủy lợi, kênh cấp thoát nước, lưới điện, chất lượng con giống, vật tư nông nghiệp… xem ra còn nhiều vấn đề bất cập cần giải quyết bài bản hơn.

Ðể ngành thủy sản Cà Mau phát huy đúng vai trò là ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh, cần kết hợp nhiều giải pháp đồng bộ. Trước hết là sự quản lý, phối hợp của các ngành chức năng trong mọi lĩnh vực, từ đầu tư xây mới nhà máy cho đến nâng cao, đổi mới khoa học công nghệ trong dây chuyền sản xuất và chế biến thủy sản. Vấn đề có tính quan trọng hàng đầu là các doanh nghiệp trong tỉnh, trong vùng cần bắt tay nhau liên danh, liên kết trong hoạt động sản xuất kinh doanh. Có chính sách ưu đãi về nguồn vốn đầu tư để gỡ rối trước mắt cho các doanh nghiệp đang tiềm ẩn nguy cơ phá sản; duy trì và giữ vững sản xuất toàn diện về nuôi trồng, chế biến để bảo đảm mục tiêu của tỉnh xuất khẩu thủy sản đạt một tỷ USD năm 2012.
Bài viết đã được đăng ký bản quyền (DMCA). Nếu bạn đọc copy nội dung hãy để lại link về bài gốc hoặc ghi rõ nguồn camautravel.vn như một sự tri ân với tác giả.
Copyright © 2023 - 2024 | camautravel.vn | All Rights Reserved. DMCA.com Protection Status