Tin tức

Mất 5 tỷ DN mới có thông tin về khai khoáng

Để có được thông tin về khai thác khoáng sản, nhiều doanh nghiệp đã phải chi tới 5 tỷ đồng chi phí không chính thức.

Đây là thông tin được ông Ngô Mạnh Hùng, Phó cục trưởng cục Chống tham nhũng (Thanh tra Chính phủ) khẳng định tại phiên Đối thoại thường niên lần thứ 9 với các đối tác phát triển ngày 25/5 tại Hà Nội với chủ đề: “phòng chống tham nhũng trong quản lý và khai thác khoáng sản”.

 

Theo Thanh tra Chính phủ, trong 3 năm gần đây, cả nước đã thực hiện hàng nghìn lượt kiểm tra, thanh tra hoạt động khoáng sản. Qua thanh tra, phát hiện các dạng sai phạm và sơ hở về cơ chế, chính sách trong quản lý và khai thác khoáng sản, như: sai phạm trong ban hành văn bản, trong hoạt động cấp phép, hoạt động khai thác, vi phạm các quy định về quản lý môi trường trong khai thác khoáng sản…Số tiền mà Thanh tra Chính phủ ra quyết định xử phạt trong 3 năm qua là 12 tỷ đồng. Tuy nhiên, điều đáng chú ý trong báo cáo kết quả khảo sát nguy cơ tham nhũng ẩn chứa trong một số hoạt động quản lý, khai thác khoáng sản, do cục Chống tham nhũng chủ trì là con số chi phí không chính thức mà các doanh nghiệp phải trả khi muốn có thông tin về khai thác khoáng sản.

 

Theo báo cáo, qua khảo sát 110 doanh nghiệp tại các địa phương có mật độ khoáng sản cao, trung bình các doanh nghiệp phải trả mức chi phí không chính thứcđể có thông tin là 178 triệu đồng, tối đa là 5 tỷ đồng. Trong đó, 91% doanh nghiệp phải rả loại chi phí này. Ngoài ra, mức chi phí không chính thức trung bình mà các doanh nghiệp phải trả để có quyết định phê duyệt trữ lượng là 110 triệu đồng, cao nhất lên đến 1,2 tỷ đồng. Đồng thời chi phí để có bản thỏa thuận của cơ sở với chính quyền địa phương là 14 triệu đồng.

 

Giám  đốc ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) Ayumi Konishi bày tỏ, trong khi khai khoáng là ngành quan trọng ở Việt Nam thì việc phải trả chi phí không chính thức là điều đáng quan ngại, ảnh hưởng đến hiệu suất đầu tư và sự tăng trưởng của Việt Nam. Ông nhấn mạnh: “Việt Nam cần phải học văn hóa nói không với tham nhũng”. Còn theo ông Renwick Irvine (Bộ Phát triển quốc tế Anh), một trong những điểm đáng chú ý trong ngành khai khoáng của Việt Nam là sự độc quyền của doanh nghiệp Nhà nước, như tập đoàn Than – Khoáng sản Việt Nam hay tập đoàn Dầu khí Việt Nam, dẫn tới sự tùy tiện trong quản lý và cấp phép. Tình trạng thiếu hành lang pháp lý, thể chế chưa hoàn thiện dẫn đến thiếu sự minh bạch và trách nhiệm giải trình trong ngành này, tạo nên nhiều cơ hội cho tham nhũng.

 

Nhiều  ý kiến cũng bày tỏ sự quan ngại trước tình trạng cấp phép tràn lan trong lĩnh vực này. GS.TS Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên – Môi trường, cho rằng, Luật khoáng sản đã quy định rõ thẩm quyền cấp phép, nhưng một số địa phương vẫn lợi dụng để vượt quá thẩm quyền. Do hiện nay, Việt Nam còn thiếu một quy hoạch tổng thể về các loại khoáng sản với số liệu, trữ lượng thăm dò khai thác của Nhà nước thực hiện. Theo ông Võ, nếu làm càng kỹ việc quy hoạch sẽ phân định càng rõ được khu vực cấp phép thuộc quyền của Nhà nước hay địa phương; đồng thời còn giám sát được sản lượng khai thác của doanh nghiệp sau khi giao mỏ hoặc đấu thầu. Ông Võ cũng cho rằng, chính việc doanh nghiệp giữ kín sản lượng khai thác được là cơ hội” để thông đồng với nhà quản lý làm thất thoát tiền thuế phải đóng cho Nhà nước. Bên cạnh đó, doanh nghiệp khai thác khoáng sản còn “ăn quỵt” chi phí bảo vệ môi trường sau khai thác, cũng như phần đền bù cho cộng đồng sống trong khu vực có tài nguyên.

 

Giám  đốc ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) Ayumi Konishi bày tỏ, trong khi khai khoáng là ngành quan trọng ở  Việt Nam thì việc phải trả chi phí không chính thức là điều đáng quan ngại, ảnh hưởng đến hiệu suất đầu tư và sự tăng trưởng của Việt Nam. Ông nhấn mạnh: “Việt Nam cần phải học văn hóa nói không với tham nhũng”. Theo ông Staffan Herstrom, Đại sứ Thụy Điển tại Việt Nam, tính minh bạch và trách nhiệm giải trình được công nhận là phương thuốc để loại bỏ cội rễ của tham nhũng. Theo đó, Chính phủ Việt Nam cần phải minh bạch trong quản lý nguồn thu của cả doanh nghiệp và Chính phủ; minh bạch trong đấu thầu và cấp giấy phép khai thác để đảm bảo công bằng giữa các doanh nghiệp, đơn vị. Đồng thời, cần tăng cường trách nhiệm giải trình với sự tham gia giám sát của xã hội dân sự, đặc biệt là các cơ quan báo chí. Một mình chính phủ không thể chống tham nhũng được mà cần phải có sự tham gia của mọi người trong xã hội. Đồng tình với ý kiến này, đại sứ Anh Antony Stokes nêu ví dụ, theo đạo luật chống hối lộ của Anh, các công ty đưa hối lộ, dù đang hoạt động ở nước khác, cũng có thể bị đưa ra truy tố tại Anh. Trong khuôn khổ Đối thoại, các đối tác phát triển cũng khuyến khích Việt Nam nhanh chóng đưa ra cam kết tham gia Sáng kiến minh bạch trong ngành khai khoáng (EITI), được coi là một công cụ hữu hiệu chống tham nhũng trong ngành này trên thế giới hiện nay.

 

Tổng Thanh tra Chính phủ Trần Văn Truyền cho biết, thông qua đối thoại này và một số hoạt động khác, Chính phủ Việt Nam sẽ phối hợp với các cơ quan liên quan kiến nghị với Chính phủ về những giải pháp để hoàn thiện quy hoạch khoáng sản ở tầm chiến lược, và hoàn thiện công tác quản lý. “Chúng tôi sẽ bắt đầu từ hoàn thiện pháp luật rồi mới đến hoàn thiện cơ chế điều hành;  đặc biệt tiếp tục nhấn mạnh 3 khâu: hoàn thiện pháp luật, hoàn thiện cơ chế điều hành, và tăng cường kiếm tra, kiểm soát để ngăn chặn các sai phạm”, ông Truyền cam kết.
Bài viết đã được đăng ký bản quyền (DMCA). Nếu bạn đọc copy nội dung hãy để lại link về bài gốc hoặc ghi rõ nguồn camautravel.vn như một sự tri ân với tác giả.
Copyright © 2023 - 2024 | camautravel.vn | All Rights Reserved. DMCA.com Protection Status