Thực tế, doanh nghiệp Việt Nam chưa quan tâm đầu tư nghiên cứu thị trường Ai Cập và các nước trong khu vực Trung Đông, châu Phi.
Kim ngạch trao đổi thương mại giữa Việt Nam và Ai Cập trong một hai năm qua xấp xỉ 200 triệu USD, trong đó chủ yếu là Việt Nam xuất siêu. Con số này thực sự còn thấp so với quy mô dân số và tiêu dùng của hai bên với hơn 80 triệu dân. Đặc biệt, Ai Cập còn là thị trường cửa ngõ vào châu Phi và Trung Đông. Nhiều triển lãm, diễn đàn doanh nghiệp, đoàn thăm và làm việc tại Cairo nhưng hiệu quả vẫn chưa được nâng lên. Làm thế nào để tăng cường kim ngạch xuất nhập khẩu với Ai Cập như mong muốn của lãnh đạo hai nước?
Để hàng hoá của Việt Nam thâm nhập được vào thị trường Ai Cập trước hết mặt hàng đó phải đáp ứng nhu cầu của thị trường này. Với quy mô dân số trên 80 triệu người, Ai Cập thực sự là một thị trường lớn, yêu cầu chất lượng không khắt khe như các thị trường khác, đó là chưa kể tới nhiều mặt hàng có thuế ưu đãi như hải sản. Do đó, có thể nói hàng hoá Việt Nam hoàn toàn có thể xuất khẩu sang Ai Cập. Vấn đề chính là tìm ra nhu cầu của thị trường và đáp ứng tốt.
Hiện nay, Ai Cập và các nước trong khu vực Trung Đông, châu Phi chưa được doanh nghiệp Việt Nam quan tâm đầu tư nghiên cứu thị trường. Điều này thể hiện rõ qua cơ cấu mặt hàng và ngành hàng xuất sang Ai Cập còn hẹp và đơn điệu, tập trung vào một số mặt hàng như nông sản, giày dép, dệt may…
Sau nhu cầu của thị trường là vấn đề giá. Đây thực sự là một vấn đề khó khăn đối với các doanh nghiệp Việt Nam. Nhìn chung, các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam vào Ai Cập nói riêng và khu vực Trung Đông, châu Phi đang chịu sự cạnh tranh quyết liệt từ phía các nước trong khu vực như Thái Lan, Malaysia, Ấn Độ và nhất là Trung Quốc. Do đó chúng ta phải lựa chọn mặt hàng và ngành hàng có lợi thế cạnh tranh phù hợp với nhu cầu của thị trường. Ví dụ hàng hải sản như tôm, cá basa hay cơm dừa, cà phê, săm lốp cao su. Đây là những mặt hàng Ai Cập có nhu cầu tiêu thụ rất lớn trong khi chúng ta lại có thế mạnh và khả năng cạnh tranh.
Các doanh nghiệp Việt Nam khi thâm nhập thị trường Ai Cập cũng cần phải tìm hiểu về các yếu tố văn hoá trong kinh doanh như thanh toán quốc tế, thiết lập các cuộc khảo sát, tham gia hội chợ, hội thảo doanh nghiệp và đặc biệt kiên trì tìm kiếm bạn hàng.
Theo ông Đặng Ngọc Quang – Tham tán Thương mại Việt Nam tại Ai Cập, hiện Bộ Công thương và Chính phủ Việt Nam đang xem xét tới việc hỗ trợ các doanh nghiệp trọng điểm nhằm thúc đẩy chiến lược hướng về thị trường Trung Đông châu Phi.
Ông Quang cũng cho rằng, để thâm nhập được vào thị trường này các doanh nghiệp cần phải kiên trì và đặc biệt tăng cường các hoạt động xúc tiến thương mại, tham gia hội chợ, triển lãm hàng năm tại Cairo.
Trong thời gian qua, không chỉ các doanh nghiệp của Việt Nam mà nhiều doanh nghiệp Ai Cập cũng bắt đầu quan tấm lẫn nhau, quan tâm tới thị trường, ngành hàng. Điều đó có thể thấy dù chịu ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng tài chính nhưng kim ngạch trao đổi thương mại giữa hai nước vẫn ổn định. Với sự ủng hộ của chính phủ, bộ ngành hai nước, năm 2011 chắc chắn kim ngạch hai chiều Việt Nam – Ai Cập sẽ có một bước chuyển đáng kể./.