Hội chợ Quốc tế Đầu tư, Thương mại và Du lịch Hành lang kinh tế Đông Tây – Đà Nẵng 2013 (EWEC – Đà Nẵng 2013) diễn ra từ ngày 8 đến 13-8 được xem là cơ hội để các nước trong khu vực tìm kiếm thị trường đầu tư về lĩnh vực du lịch.
Nhiều doanh nghiệp (DN) du lịch nước ngoài lần đầu tiên góp mặt trong hội chợ lần này đã tạo nên “làn gió” mới cho ngành du lịch.
Chỉ với một gian hàng khá khiêm tốn, Nam Phi được xem là gương mặt mới mẻ tại Hội chợ EWEC – Đà Nẵng 2013. Ông Adriaan du Pisanie, Bí thư thứ nhất chính trị Đại sứ quán Nam Phi tại Việt Nam cho biết, Nam Phi là một điểm đến còn xa lạ với du khách Đà Nẵng cũng như các nước trong khu vực. Tuy nhiên, với phong cảnh đẹp, nền văn hóa đa sắc tộc và các chính sách ưu đãi, Nam Phi hứa hẹn sẽ là môi trường đầu tư du lịch khá hấp dẫn cho các DN của Đà Nẵng trong thời gian tới.
Thái Lan, Lào và Campuchia được xem là những đối tác thân thuộc của Đà Nẵng trên tuyến EWEC. Những năm qua, lượng khách du lịch từ các nước đi theo con đường caravan đến Đà Nẵng tăng đột biến, đặc biệt là khách du lịch Thái Lan. Người Thái được xem là có mức chi tiêu cao hơn hẳn so với các luồng khách Đông Nam Á khác, với khoảng 300 – 400 USD/người/chuyến đi 4 – 5 ngày. Vì vậy, các hãng lữ hành Đà Nẵng luôn nhắm vào thị trường tiềm năng này. Thái Lan tham gia hội chợ EWEC – Đà Nẵng 2013 với 45 DN, trong đó nhiều DN du lịch mới đến từ các tỉnh phía Tây Nam xa xôi như Kanchaburi, Suphaburi… Đại diện Sở Du lịch tỉnh Suphaburi cho biết: “Khách Việt khi tham quan du lịch tại Thái Lan thường đến thành phố Bangkok và các tỉnh nằm ở phía Đông Bắc gần đường bộ Việt – Thái, trong khi các tỉnh ở phía Tây Nam cũng có nhiều cảnh đẹp và tiềm năng du lịch nhưng vẫn còn bỏ ngỏ”. Ngoài ra, không ít DN du lịch của Hàn Quốc, Singapore… cũng tìm đến hội chợ để thăm dò nhu cầu thị trường du khách đến từ nhiều nước khác nhau nhằm mở rộng tầm hoạt động hoặc đặt văn phòng đại diện tại Đà Nẵng.
Tại Hội chợ EWEC – Đà Nẵng 2013, DN du lịch các nước cam kết sẽ tạo điều kiện thuận lợi nhất cho việc lưu chuyển dòng khách. Tuy nhiên, nhiều DN cho rằng, cần phải có người “nhạc trưởng” đứng ra chỉ đạo mới có thể liên kết du lịch một cách bài bản và có hiệu quả trên toàn tuyến EWEC về nâng cao chất lượng tour, tuyến; quảng bá sản phẩm lưu niệm du lịch…
Theo các DN du lịch, cần phải xây dựng một chiến lược chung về chia sẻ thị trường khách, quảng bá du lịch, đồng thời ký kết các hợp đồng liên doanh hợp tác giữa các DN lữ hành – vận chuyển – cung ứng dịch vụ để giảm giá thành sản phẩm. Ông Trịnh Bằng Có, Tổng Thư ký Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng cho biết: “Nam Phi là thị trường du lịch có tiềm năng nhưng còn bỏ ngỏ. Trong thời gian tới, Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng sẽ tổ chức nhóm nhỏ khảo sát về thị trường Nam Phi cũng như sẵn sàng đón các đoàn famtrip từ Nam Phi sang Đà Nẵng để xúc tiến quảng bá du lịch và đưa ra các chính sách ưu đãi về du lịch để thu hút các DN”.
So với các nước trong khu vực Đông Nam Á, khách nước ngoài đến Việt Nam vẫn chưa “mạnh tay” chi tiêu vào dịch vụ mua sắm. Sở dĩ như vậy, theo nhiều đối tác nước ngoài cho biết, Việt Nam giới thiệu, quảng bá về du lịch còn kém so với các nước khác như Indonesia, Malaysia, Thái Lan… Bên cạnh đó, các sản phẩm lưu niệm du lịch của Việt Nam vẫn chưa mang tính đặc trưng riêng cho từng khu vực. Ông Adriaan du Pisanie cho biết, các đoàn khách Nam Phi khi sang làm việc tại Việt Nam rất hài lòng về môi trường du lịch an toàn và thân thiện, đặc biệt tỏ ra thích thú với các sản phẩm lưu niệm du lịch làm bằng gỗ. Đây được xem là cơ hội lớn để các DN kinh doanh đồ gỗ của Đà Nẵng có thể ký kết hợp đồng với các công ty của Nam Phi nhằm tìm đầu ra cho sản phẩm lưu niệm du lịch.
Hy vọng, sau hội chợ lần này, du lịch trên tuyến EWEC sẽ sớm có hướng phát triển tốt, tận dụng triệt để lợi thế, sức mạnh và tiềm năng của mỗi nước để đưa EWEC trở thành tuyến du lịch đường bộ có thương hiệu ở khu vực Đông Nam Á vào năm 2015.