Tin tức

Lấn bấn trong ưu đãi đầu tư FDI

Việc một lần nữa, Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành chức năng xem xét lại cơ chế ưu đãi đầu tư cho Công ty Samsung Electronics Việt Nam (SEV) cho thấy, vẫn còn những lấn bấn trong ưu đãi đầu tư cho các dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI).

Như Báo Đầu tư đã đưa tin, Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải vừa yêu cầu các bộ Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Khoa học và Công nghệ, Công thương nghiên cứu, xem xét cơ chế ưu đãi đầu tư về thuế thu nhập doanh nghiệp đối với phần dự án mở rộng của Công ty Samsung Electronics Việt Nam (SEV). Đồng thời, nghiên cứu việc điều chỉnh tiêu chí về chi phí và lao động dành cho hoạt động nghiên cứu và phát triển (R&D) của công ty này để được hưởng ưu đãi là một doanh nghiệp công nghệ cao.

 

Nhắc lại chuyện ưu đãi cho Samsung để thấy rằng, sau gần 3 năm chính thức đi vào hoạt động, dường như nhà đầu tư này vẫn đang phải “lòng vòng xin xỏ” các cơ chế ưu đãi đầu tư. Nhiều nhà đầu tư lớn khác cũng trong vòng xoáy tương tự. Phải chăng, cơ chế ưu đãi đầu tư đang “có vấn đề”?

 

Chính ông Đỗ Nhất Hoàng, Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cũng đã thừa nhận: “Tuy các chính sách ưu đãi đầu tư thường xuyên được rà soát, sửa đổi bổ sung, nhưng còn dàn trải, chưa tập trung đúng mức vào những ngành, những lĩnh vực và địa bàn cần thu hút đầu tư”.

 

Cũng đã hơn một lần, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã có những đề xuất với Bộ Tài chính liên quan tới việc xem xét lại các cơ chế ưu đãi đầu tư cho các nhà đầu tư nước ngoài. Dường như, luôn có sự lấn bấn giữa cơ quan quản lý về đầu tư và cơ quan quản lý về vấn đề thu – chi ngân sách. Chuyện các địa phương vì lợi ích cục bộ sẵn sàng cấp ưu đãi vượt khung để thu hút đầu tư bằng mọi giá cũng không phải hiếm gặp.

 

Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, GS -TSKH Nguyễn Mại, nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về Hợp tác và Đầu tư, cho rằng, dù đã có những cảnh báo về việc phải hợp lý hóa các quy định về ưu đãi để tránh vượt quá mức cần thiết, lãng phí và dẫn đến bóp méo cơ chế ưu đãi, song thực tế đã chỉ ra rằng, ưu đãi thuế có tác dụng như một lực hút FDI, tuy không đồng đều với các nhà đầu tư.

 

“Nhà đầu tư là doanh nghiệp nhỏ và vừa coi trọng ưu đãi thuế, trong khi nhà đầu tư lớn với chiến lược dài hạn đòi hỏi phải có môi trường pháp lý công khai, minh bạch và ổn định”, ông Mại nói và cho rằng, ưu đãi đầu tư không chỉ có thuế, mà còn bao gồm ưu đãi tài chính và ưu đãi phi tài chính, như đảm bảo nhu cầu ngoại tệ, nhưng Việt Nam chưa quan tâm đúng mức.

 

Nhà đầu tư Formosa của Dự án thép Formosa Hà Tĩnh cũng đã nhiều lần kiến nghị điều này. Theo Formosa, sau khi đi vào hoạt động từ năm 2014, mỗi năm, Dự án cần chi trả khoảng 2,86 tỷ USD ngoại tệ để nhập khẩu quặng sắt, than luyện kim và các loại nguyên liệu. Tuy nhiên, lượng ngoại tệ mà Công ty có được từ tiêu thụ sản phẩm tại nước ngoài chỉ khoảng 1,6 tỷ USD. Với 50% nhu cầu còn lại (khoảng 1,5 tỷ USD/năm), Formosa đã đề nghị Ngân hàng Nhà nước đồng ý trên nguyên tắc sẽ cung cấp đủ, căn cứ theo tỷ giá quy định quy đổi ra USD, để đảm bảo hoạt động sản xuất – kinh doanh của Dự án. Tuy nhiên, đề xuất này chưa được chấp thuận.

 

“Khi hướng đến thu hút FDI vào các tập đoàn kinh tế hàng đầu, cần coi trọng ưu đãi tài chính với các quy định công khai, minh bạch và ổn định”, ông Mại nói.

 

Họ cần những cơ chế minh bạch và ổn định. Nhưng dường như điều này lại hơi thiếu ở Việt Nam. Và vì chưa thực sự minh bạch, chưa có một định hướng rõ ràng, nên luôn có sự lấn bấn trong việc xem xét cơ chế ưu đãi cho các dự án FDI.

 

Có thể là một câu chuyện nhỏ, nhưng việc mới đây, Silver Shores phải nhiều lần kêu khổ vì chuyện phải nộp thuế thêm tới gần 30 tỷ đồng do những thay đổi trong chính sách ưu đãi thuế xuất nhập khẩu cũng có thể là một ví dụ điển hình. Thậm chí, theo thông tin của Báo Đầu tư, Keangnam Vina cũng lâm cảnh ngộ tương tự. Và không chỉ là hai nhà đầu tư này, không ít nhà đầu tư khác cũng đang gặp khó vì cơ chế thay đổi.

 

Khắc phục tình trạng trên ra sao? Theo GS – TSKH Nguyễn Mại, trên cơ sở định hướng mới về thu hút FDI, “cần rà soát các ưu đãi đầu tư để có một hệ thống ưu đãi mới, thích ứng với đòi hỏi của nhà đầu tư và kinh nghiệm quốc tế trong việc thu hút FDI vào công nghệ cao, dịch vụ hiện đại…”. “Chính sách ưu đãi đầu tư cần đảm bảo hấp dẫn nhà đầu tư tiềm năng vào ngành nghề, lĩnh vực theo định hướng mới, đồng thời phải tính toán và được thực hiện trên cơ sở bảo đảm lợi ích quốc gia, hiệu quả kinh tế – xã hội của từng địa phương, chấm dứt tình trạng thu hút FDI theo phong trào, bất chấp chất lượng, hiệu quả”, ông Mại  nhấn mạnh.
Bài viết đã được đăng ký bản quyền (DMCA). Nếu bạn đọc copy nội dung hãy để lại link về bài gốc hoặc ghi rõ nguồn camautravel.vn như một sự tri ân với tác giả.
Copyright © 2023 - 2024 | camautravel.vn | All Rights Reserved. DMCA.com Protection Status