UBND tỉnh Lâm Đồng đang tích cực rà soát các dự án đầu tư chậm triển khai trên địa bàn để có biện pháp xử lý.
Theo thống kê mới nhất của Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Lâm Đồng, trên địa bàn tỉnh hiện có 452 dự án đầu tư còn hiệu lực, có tiến độ triển khai chậm so với giấy chứng nhận đầu tư, tập trung ở các lĩnh vực du lịch, thương mại, nông nghiệp, công nghiệp, thủy điện.
Trong số này, điển hình về chậm tiến độ là 3 dự án có quy mô lớn: Khu Resort Sacom; Sheraton Dalat Resort và Khu du lịch sinh thái Cam Ly – Măng Ling.
Một góc Khu công nghiệp Phú Hội, huyện Đức Trọng (Lâm Đồng)
Dự án Resort Sacom là tổ hợp công trình nghỉ dưỡng, gồm khách sạn 5 sao; 125 căn biệt thự ở bán đảo; 45 căn biệt thự ở khu vực bến du thuyền; nhiều công trình tổ chức hội nghị, vui chơi, giải trí, thể thao cao cấp; sân golf 18 lỗ…
Với tổng vốn đầu tư khoảng 2.250 tỷ đồng, Dự án bắt đầu được thi công từ tháng 8/2008, song đến nay, mới chỉ xây dựng được 8 căn biệt thự và sân golf mới làm xong 9 lỗ.
Theo giấy phép đầu tư, thời hạn hạng mục sân golf phải hoàn thành vào tháng 10/2012 và khu biệt thự vào tháng 11/2014. Song từ đầu năm đến nay, dự án hoàn toàn “bất động”.
Tương tự, Dự án Sheraton Dalat Resort do Công ty TNHH Khu du lịch Đồi Robin làm chủ đầu tư cũng ở tình trạng “bê bết” không kém.
Có tổng diện tích khoảng 17 ha, tổng vốn đầu tư 25 triệu USD, tọa lạc gần trung tâm TP. Đà Lạt, đây được xem là một trong những dự án du lịch trọng điểm của Lâm Đồng.
Dự án bao gồm khu khách sạn nghỉ dưỡng, khu biệt thự cao cấp, khu nhà cao cấp với tổng cộng 150 phòng, cùng các khu dịch vụï, như khu phòng tập thể dục, khu bể bơi, khu spa… Theo giấy phép, Dự án này đi vào khai thác từ năm 2011, song đến nay, mới chỉ thi công được… một đoạn đường nội bộ.
Dự án Khu du lịch nghỉ dưỡng Cam Ly – Măng Ling cũng có tốc độ triển khai chậm không kém. Được cấp giấy phép ngày 30/8/2006, Dự án có diện tích 211 ha thuộc phường 5, TP. Đà Lạt, với tổng vốn đầu tư dự kiến trên 300 triệu USD, do Công ty cổ phần Thương mại – Dịch vụ Cam Ly – Măng Ling làm chủ đầu tư.
Dự án bao gồm nhiều phân khu, như khu nghỉ mát du lịch sinh thái đẳng cấp quốc tế; cụm dân cư và khách sạn; khu thương mại cao cấp…
Đến nay, dự án này vẫn chưa thực hiện xong việc đền bù giải phóng mặt bằng.
Phóng viên Báo Đầu tư đã tiếp cận chủ đầu tư của 3 dự án trên, song chỉ nhận được phản hồi từ ông Đỗ Văn Trắc, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển Sacom-chủ đầu tư Dự án Resort Sacom. Ông Trắc cho biết, dự án chậm tiến độ là do tỉnh chưa nhất quán trong việc thực hiện cam kết với nhà đầu tư về giải phóng mặt bằng, hạ tầng kỹ thuật giao thông… ngoài hàng rào, cũng như chậm giải quyết thủ tục hành chính liên quan đến đất đai và xây dựng. Tuy nhiên, khi đề cập cụ thể hơn về các vấn đề này, ông Trắc đã từ chối trả lời.
Hướng xử lý của tỉnh
Lãnh đạo UBND tỉnh Lâm Đồng cho biết, Lâm Đồng đã có chủ trương rà soát lại tất cả các dự án đầu tư, phân tích nguyên nhân chậm trễ, từ đó có hướng tháo gỡ cụ thể.
Đối với dự án chậm do nguyên nhân khách quan, tỉnh sẽ xem xét cho gia hạn và có sự cân nhắc việc điều chỉnh về công năng, cơ cấu của dự án.
Đối với các dự án vướng mắc về mặt bằng hoặc thủ tục hành chính, tỉnh chỉ đạo các cơ quan chức năng giải quyết dứt điểm. Với các dự án do năng lực của nhà đầu tư không đảm bảo, tỉnh sẽ thu hồi, cơ cấu lại hợp lý và sẽ đưa vào kế hoạch xúc tiến, kêu gọi đầu tư trong thời gian tiếp theo.
Cụ thể, từ đầu năm 2013 cho đến thời điểm này, tỉnh Lâm Đồng đã thu hồi 10 dự án chậm triển khai.
Ông Phan Văn Đa, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Lâm Đồng cho biết, nhiều năm qua, Lâm Đồng chủ trương đồng hành, chia sẻ với doanh nghiệp trong những thời điểm khó khăn.
Đối với các nhà đầu tư đã và đang đầu tư, tỉnh luôn thể hiện sự quan tâm về tiến độ đầu tư, hiệu quả kinh doanh, thị trường, nguồn nguyên liệu, lao động… tỉnh đã cố gắng chỉ đạo giải quyết kịp thời, không để khó khăn về mặt bằng, thủ tục hành chính ảnh hưởng đến chất lượng và tiến độ các công trình, dự án. Với các dự án đã đi vào hoạt động, tỉnh sẽ tiếp tục theo dõi, giúp đỡ, thực hiện đầy đủ chính sách ưu đãi về thuế, về tiền thuê đất theo giấy phép đầu tư.
Ông Nguyễn Xuân Tiến, Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng cho biết, tới đây, tỉnh sẽ hướng trọng tâm để việc thu hút đầu tư có hiệu quả và có chủ trương rà soát cơ chế, chính sách và thủ tục đầu tư.
“Tỉnh sẽ điều chỉnh những cơ chế, chính sách của địa phương không còn phù hợp; bổ sung theo hướng thông thoáng và phù hợp với điều kiện thực tế. Các thủ tục hành chính sẽ được công khai, minh bạch và đơn giản hóa. Mặt khác, tỉnh sẽ đổi mới việc xúc tiến đầu tư theo hướng: quy hoạch quỹ đất, chuẩn bị mặt bằng và đưa ra các tiêu chí cụ thể cho từng dự án để nhà đầu tư tìm hiểu, lựa chọn và quyết định đầu tư”, ông Tiến nói và cam kết, tỉnh luôn thực hiện đầy đủ các quy định của Chính phủ và vận dụng mức có lợi nhất cho doanh nghiệp trong ưu đãi đầu tư.