Tin tức

Kinh tế Việt Nam 2012: Cơ hội đi cùng thách thức

Nhận định nền kinh tế Việt Nam đang dần đi vào ổn định, và sẽ có nhiều chuyển biến tích cực trong năm 2012 khi Chính phủ tiến hành tái cấu trúc nền kinh tế, song các chuyên gia kinh tế cho rằng, dưới tác động của những bất ổn kinh tế thế giới nói chung, năm 2012 kinh tế Việt Nam sẽ vẫn phải đối diện với không ít khó khăn thách thức.

Ông Trương Đình Tuyển, Thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tiền tệ quốc gia cho rằng, tăng trưởng GDP năm 2012 ở mức 6% do Chính phủ đặt ra là không dễ thực hiện, bởi lẽ, áp lực kiềm chế lạm phát sẽ tiếp tục ảnh hưởng đến phát triển chung trong năm 2012. “Sẽ rất khó đạt được tăng trưởng 6% GDP, nếu như chúng ta không chuyển vốn đầu tư vào khu vực kinh tế tư nhân, chuyển phân bổ nguồn lực vào doanh nghiệp nhỏ và vừa và những lĩnh vực ngành nghề có tác động lan tỏa cao”, ông Trương Đình Tuyển nói.

 

Cũng theo ông Trương Đình Tuyển, năm 2012 nếu kiềm chế lạm phát ở mức 9% như mục tiêu đề ra, lãi suất huy động sẽ ở mức 11%, và lãi suất cho vay sẽ dao động quanh mức 13%. “Mức lãi suất cho vay 13% là vẫn còn khó khăn đối với doanh nghiệp, nhưng dù sao cũng nhẹ nhàng hơn 2011”, ông Trương Đình Tuyển nói thêm. 

 

Phát biểu tại Hội thảo “Kịch bản kinh tế Việt Nam 2012: Đâu là cơ hội” vừa diễn ra tại TP.HCM, TS. Lê Xuân Nghĩa, Phó Chủ tịch Uỷ ban giám sát tài chính quốc gia, đã chỉ ra 4 cơ hội mà doanh nghiệp có thể tận dụng được trong năm 2012.

 

Thứ nhất, từ Hiệp định Thương mại Xuyên Thái Bình Dương (TPP), sắp tới có khả năng Mỹ sẽ đầu tư vào Việt Nam nhiều hơn, đa dạng hơn, bởi Mỹ đã có sự chuẩn bị nhằm nâng tầm ảnh hưởng ở khu vực Thái Bình Dương (31 Tập đoàn của Mỹ đã có mặt ở Việt Nam hồi giữa năm 2011). Việc Mỹ tăng cường đầu tư vào Việt Nam sẽ giúp cho thị trường bất động sản, chứng khoán có nhiều cơ hội phục hồi trở lại.

 

Thứ hai, Chính phủ đã thấy được sự khó khăn của doanh nghiệp trong năm 2011 và từ gợi ý trong một số phát biểu của Thủ tướng tại Quốc hội, một trong những trọng tâm của chính sách trong năm 2012 sẽ giảm thiểu những khó khăn cho doanh nghiệp, khôi phục đà tăng trưởng. Dự kiến, năm 2012 sẽ có một Nghị quyết về chính sách của Chính phủ dành cho năm 2012.

 

Thứ ba, đang có chính sách để phục hồi lại thị trường bất động sản, chứng khoán. Bằng chứng là Ngân hàng Nhà nước đưa ra 4 tiêu chí loại bỏ doanh nghiệp bất động sản yếu kém; cho vay mua nhà bằng nhiều hình thức; Ủy ban Chứng khoán đang chuẩn bị tái cấu trúc lại thị trường chứng khoán…

 

Thứ tư, chính sách tiền tệ đang có những điều chỉnh nhất định do Chính phủ đã nhận ra hạn chế từ việc thắt chặt tiền tệ quá mức, từ 30% xuống còn 10% (tính đến hết tháng 11/2011). Việc thắt chặt này đã khiến nhiều doanh nghiệp không dám trả nợ vì sợ ngân hàng không cho vay nữa, đẩy nợ xấu ngân hàng tăng lên.

 

“Nhà nước đã nhận ra khó khăn của doanh nghiệp, và sẽ xử lý cả về chính sách thuế khóa, chính sách tài chính linh hoạt. Có thể đến cuối năm 2012 tình hình sẽ có nhiều chuyển biến tích cực”, TS. Lê xuân Nghĩa nhận định.

 

TS. Trần Du Lịch, Ủy viên Ủy ban Kinh tế Quốc hội cho rằng, từ kinh nghiệm của năm 2011, năm 2012 Chính phủ sẽ thực hiện chính sách tiền tệ linh hoạt, giúp tăng trưởng tính dụng cao hơn, từ đó “gỡ băng” thị trường bất động sản, chứng khoán.

 

“Trong giải pháp sắp tới với mục tiêu kiềm chế lạm phát ở một con số thì chính sách tín dụng sẽ giảm tương ứng với mức giảm lạm phát. Trong chính sách tín dụng, sẽ hỗ trợ cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ, các doanh nghiệp xuất khẩu; các lĩnh vực liên quan đến doanh nghiệp đầu tư nông nghiệp nông thôn. Trong lĩnh vực bất động sản như những dự án đầu tư nhà ở xã hội, những dự án phục vụ cho các công trình đô thị…”, TS. Trần du Lịch cho biết.

 

Ngoài ra, chính sách của Chính phủ trong thời gian tới sẽ tập trung phát triển công nghiệp phụ trợ. Mặt khác, cùng với quá trình tái cấu trúc doanh nghiệp Nhà nước thì sẽ tổ chức lại, tạo điều kiện phát triển các doanh nghiệp trong lĩnh vực mà hiện nay doanh nghiệp Nhà nước thoái vốn, không đầu tư nữa.

 

Liên quan tới việc tái cấu trúc hệ thống ngân hàng, TS. Trần Du Lịch cho rằng, việc tái cấu trúc không chỉ là hợp nhất những ngân hàng yếu, mà làm sao xây dựng các ngân hàng trong tương lai phải là một hệ thống lành mạnh, việc hội nhập đòi hỏi Việt Nam phải có một số ngân hàng lớn tầm cỡ khu vực. Hơn thế, tái cấu trúc để phần lớn các ngân hàng có quy mô đủ sức tương xứng với hoạt động của nó, và tiến tới, khá nhiều ngân hàng phải là ngân hàng đại chúng.
Bài viết đã được đăng ký bản quyền (DMCA). Nếu bạn đọc copy nội dung hãy để lại link về bài gốc hoặc ghi rõ nguồn camautravel.vn như một sự tri ân với tác giả.
Copyright © 2023 - 2024 | camautravel.vn | All Rights Reserved. DMCA.com Protection Status