Tin tức

Kiện chống bán phá giá: Tận dụng để bảo vệ sản xuất

 Hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam đã vấp phải khá nhiều vụ kiện chống bán phá giá (CBPG) ở thị trường nước ngoài. Thế nhưng, việc sử dụng biện pháp này để tự bảo vệ sản xuất trong nước thì các DN Việt Nam gần như vẫn bỏ quên.

Để bảo vệ sản xuất trước áp lực hàng nhập khẩu, CBPG là công cụ hữu ích nhất nằm trong tay DN vì chính họ là chủ thể có quyền khởi kiện. Đây cũng là công cụ có khả năng sử dụng thành công cao (do quyết định cuối cùng thuộc về nước nhập khẩu), là công cụ có hiệu quả cao, lâu dài và miễn phí mà DN có thể tận dụng.

 

Chúng ta có một ví dụ rất cụ thể về việc sử dụng công cụ phòng vệ CBPG những năm trước đây đối với mặt hàng kính nổi. Tư liệu của cơ quan quản lý cạnh tranh cho thấy, năm 2008, lượng kính nổi nhập khẩu vào Việt Nam (mã HS 7005 29 90 00 và 7005 21 90 00) tăng tới 245,28% so với năm 2007. Chỉ trong khoảng 8 tháng đầu năm 2009, lượng kính nổi nhập khẩu vào Việt Nam đã nhiều hơn cả khối lượng nhập khẩu năm 2008. Để cạnh tranh với hàng nhập khẩu, các DN kính nổi trong nước đã phải giảm giá bán không còn lợi nhuận nhưng vẫn bị tồn kho lớn. Trước sức ép sống còn này, các DN ngành kính đã có đơn đề nghị cơ quan quản lý cạnh tranh tiến hành điều tra CBPG đối với kính nổi nhập khẩu.

 

“Luật chơi” trong WTO khuyến khích tự do thương mại, song vẫn cho phép các nước thành viên được áp dụng các biện pháp (công cụ) phòng vệ thương mại (kiện chống bán phá giá, chống trợ cấp, tự vệ) để chống lại hàng hóa nhập khẩu khi nó gây thiệt hại hoặc có nguy cơ gây thiệt hại lớn cho ngành sản xuất tương tự trong nước.

Mặc dù sau khi điều tra, cơ quan chức năng kết luận sự biến đổi ngược chiều của giá dầu F.O trong nước so với thế giới mới là nguyên nhân chính làm cho sản xuất kính nổi trong nước gặp khó khăn… nên biện pháp CBPG đã không được áp dụng,song những tác động từ việc điều tra này cũng đã khiến lượng kính nổi nhập khẩu giảm ngay sau đó và các nhà sản xuất kính nổi trong nước lại có cơ hội tăng tiêu thụ sản phẩm.

 

Cần chủ động

 

Đến nay, tại Việt Nam, cơ quan chức năng mới chỉ chính thức tiến hành 3 vụ điều tra về phòng vệ thương mại do yêu cầu từ phía DN, và vụ kính nổi nhập khẩu vẫn là vụ điều tra CBPG duy nhất.

 

Có nhiều lý do khiến DNViệt Nam vẫn “thờ ơ” với việc sử dụng công cụ CBPG. Song, cái chính là do DN và các hiệp hội chưa hiểu biết đầy đủ về công cụ đặc thù này, chưa chú ý đến bảo vệ thị trường nội địa trước áp lực của hàng hóa nhập khẩu; DN và hiệp hội thiếu sự gắn kết để cùng đi kiện nên khó đáp ứng tiêu chí tư cách của người khởi kiện, thiếu kỹ năng khởi kiện, thiếu thông tin để khởi kiện do phần lớn thông tin cần thiết nằm trong tay các cơ quan quản lý của Nhà nước.

 

Để tự bảo vệ sản xuất, Trung tâm WTO cho rằng, trước tiên các DN và hiệp hội cần chủ động tăng cường nhận thức, hiểu biết đầy đủ về công cụ CBPG và sử dụng khi cần thiết. Bên cạnh đó, cơ quan chức năng cần thiết lập cơ chế hỗ trợ thông tin cho DN khi khởi kiện, trợ giúp cho DN và hiệp hội giảm thiểu rủi ro thất bại khi kiện; phổ cập thông tin về các biện pháp phòng vệ thương mại, những kinh nghiệm và bài học rút ra từ những vụ kiện CBPG từ các thị trường khác nhau, đào tạo kỹ năng phòng vệ thương mại cho DN…
Bài viết đã được đăng ký bản quyền (DMCA). Nếu bạn đọc copy nội dung hãy để lại link về bài gốc hoặc ghi rõ nguồn camautravel.vn như một sự tri ân với tác giả.
Copyright © 2023 - 2024 | camautravel.vn | All Rights Reserved. DMCA.com Protection Status