Theo kế hoạch, ngày 24/4/2011, Hội nghị Đầu tư Việt Nam – Campuchia sẽ được tổ chức tại Campuchia, tạo cơ hội để gỡ bỏ các vướng mắc, thúc đẩy hơn nữa đầu tư giữa hai nước.
Cuối tháng 1 vừa qua, Công ty cổ phần EVN Quốc tế đã được Bộ Kế hoạch và Đầu tư Việt Nam cấp giấy chứng nhận đầu tư ra nước ngoài cho Dự án Thủy điện Hạ Sesan 2 (đầu tư tại tỉnh Stungstreng, Campuchia). Đây là dự án khá lớn, với công suất 400 MW, tổng vốn đầu tư lên tới 800 triệu USD. Theo kế hoạch, Dự án sẽ sớm được khởi công để có thể bắt đầu phát điện vào năm 2016.
Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Thành Huân, Phó tổng giám đốc Công ty cổ phần EVN Quốc tế, cho tới thời điểm này, Dự án vẫn chưa được phía Campuchia cấp phép. Sự chậm trễ của nước sở tại có thể là một trong những nguyên nhân khiến tiến độ của Dự án bị đẩy lùi. Chính vì thế, ông Huân đang kỳ vọng, tại Hội nghị Đầu tư Việt Nam – Campuchia tới đây, những vướng mắc trong quá trình đầu tư của công ty ông sẽ được đề xuất tới Thủ tướng Chính phủ hai nước và sẽ sớm được giải quyết.
Trong khi đó, là một nhà đầu tư tư nhân, Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai, cũng đang gặp một số khó khăn nhất định trong quá trình đầu tư sang Campuchia. Một vị lãnh đạo của Tập đoàn này cho biết, Hoàng Anh Gia Lai chủ yếu đầu tư trong lĩnh vực khoáng sản, trồng cao su tại Campuchia và do đòi hỏi của dự án đầu tư, Tập đoàn phải vận chuyển qua biên giới một lượng khá lớn thiết bị, máy móc. Tuy nhiên, quá trình vận chuyển luôn bị “tắc” ở khu vực biên giới, khiến chi phí đầu tư tăng lên.
Việc giữa hai nước chưa có được các thỏa thuận về giấy phép liên vận, giống như với Lào, đang làm khó Tập đoàn này.
Bên cạnh đó, những quy định liên quan tới chuyển ngoại tệ ra nước ngoài cũng được Hoàng Anh Gia Lai cho là một trong những vướng mắc cần sớm được giải quyết. “Doanh nghiệp chỉ được phép chuyển ngoại tệ ra nước ngoài khi có giấy phép đầu tư. Nhưng ở Campuchia, người dân được sở hữu đất, vì thế, muốn được phía Campuchia cấp phép, thì phải chuyển tiền sang trước để mua đất của dân”, vị đại diện Hoàng Anh Gia Lai nói.
Trong khi đó, Tập đoàn Viễn thông Quân đội Viettel, một trong những doanh nghiệp thành công rất lớn khi đầu tư ở Campuchia lại nhắc tới những khoản thuế, chi phí quá cao.
“Không chỉ có chi phí kinh doanh, đầu tư cao, ở Campuchia còn có những khoản phí trung gian rất lớn. Theo tính toán của chúng tôi, các khoản thuế, phí mà Viettel phải nộp chiếm tới 23% tổng doanh thu, trong khi con số này ở Việt Nam chỉ dưới 10%. Vì thế, chúng tôi muốn kiến nghị Campuchia bỏ bớt các chi phí trung gian”, ông Lê Đăng Dũng, Phó tổng giám đốc Viettel nói.
Rất nhiều những kiến nghị như thế sẽ được các doanh nghiệp đề xuất trực tiếp, cụ thể tại Hội nghị Đầu tư Việt Nam – Campuchia tới đây. Việc Thủ tướng Chính phủ hai nước cùng có mặt và đồng chủ trì hội nghị quan trọng này có thể nói là cơ hội rất lớn để các doanh nghiệp hai bên cùng đề xuất, kiến nghị và tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, nhằm thúc đẩy hơn nữa đầu tư Việt Nam – Campuchia, vốn được cho là vẫn chưa đáp ứng yêu cầu đề ra.
Theo số liệu thống kê, tính đến hết ngày 23/2/2011, các doanh nghiệp Việt Nam có 87 dự án, với tổng vốn đăng ký trên 2 tỷ USD, đầu tư vào Campuchia, và chủ yếu trong lĩnh vực sản xuất, phân phối điện, khí, nước, nông, lâm nghiệp, thủy sản…
Có thể kể một vài những đơn vị đã đầu tư thành công ở Campuchia. Viettel là ví dụ điển hình. Theo ông Lê Đăng Dũng, thì sau hai năm đầu tư, với tổng vốn đăng ký 253 triệu USD và mới chỉ chuyển tiền ra nước ngoài khoảng 40 triệu USD, Metfone – công ty của Viettel ở Campuchia đã trở thành doanh nghiệp viễn thông hàng đầu ở đây, với thị giá xấp xỉ 1 tỷ USD. Năm ngoái, năm đầu tiên kinh doanh có lãi, Metfone đạt doanh thu 162 triệu USD, còn kế hoạch năm nay là 250 triệu USD.
Hãng Hàng không Quốc gia Việt Nam (Vietnam Airlines) cũng là một doanh nghiệp đầu tư thành công ở Campuchia. Sau khi góp vốn để thành lập một hãng hàng không ở đây, Vietnam Airlines đang dự tính mở rộng và tăng vốn đầu tư lên 100 triệu USD.
Trong khi đó, theo ông Nguyễn Thành Huân, bên cạnh Dự án Hạ Sesan 2, Công ty cổ phần EVN quốc tế còn dự định đầu tư một loạt dự án lớn khác ở Campuchia, như Sesan 1, Sesan 5, Thủy điện Sêkông… Tập đoàn Cao su Việt Nam, Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV)… cũng có những kế hoạch tương tự.
Nhu cầu và cơ hội đầu tư vào Campuchia là rất lớn. Những vướng mắc nếu sớm được tháo gỡ, sẽ là cú hích cho đầu tư của Việt Nam vào Campuchia.