Khi việc tái cơ cấu nền kinh tế được xác định là sẽ được khởi động mạnh mẽ trong năm 2011, cũng như trong giai đoạn 10 năm tới, một trong những vấn đề lại được nhắc đến, đó là phải làm sao “lấp đầy” được khoảng trống liên kết vùng.
Thực tế cho thấy, việc liên kết vùng đã và đang dần được đẩy mạnh. Báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư về tình hình thực hiện Kế hoạch Phát triển kinh tế – xã hội 5 năm 2006-2010 cũng đã khẳng định, cơ cấu kinh tế theo vùng, lãnh thổ đã có sự chuyển dịch theo hướng khai thác, phát huy tiềm năng, thế mạnh của từng vùng và tăng cường đầu tư để có bước tăng trưởng nhanh hơn giai đoạn trước. Đặc biệt, các vùng Đông Nam Bộ, Đồng bằng sông Hồng, trong đó có Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và Vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ tiếp tục phát huy vai trò đầu tàu tăng trưởng, tạo động lực thúc đẩy các vùng khác cùng phát triển, tạo ra nguồn thu lớn cho ngân sách nhà nước…
Tuy nhiên, khoảng trống liên kết vùng cũng đã rất nhiều lần được đề cập như là một trong những điểm yếu của nền kinh tế Việt Nam.
Thiếu liên kết vùng, thiếu tầm nhìn chiến lược, lại cộng thêm tư duy thành tích, tư duy nhiệm kỳ…, nên nhiều khi, các địa phương mạnh ai nấy làm, đầu tư theo phong trào, kém hiệu quả, đầu tư không dựa trên lợi thế so sánh và cả lợi thế cạnh tranh của mình. Việc nhiều địa phương đua nhau phát triển sân bay, cảng biển, mà cho tới nay, Việt Nam vẫn rất ít cảng biển đủ sức tiếp nhận tàu trọng tải lớn, không nhiều sân bay đáp ứng được nhu cầu vận chuyển trong vùng, có thể coi là ví dụ điển hình. Tương tự, đua nhau xây dựng nhà máy xi măng, nhà máy thép, sản xuất bia, rồi trồng mía đường…, song kết quả không như mong muốn.
Không ít lần, các chuyên gia kinh tế đã nhắc tới câu chuyện 63 không gian kinh tế của 63 địa phương, trong khi đáng lẽ, Việt Nam phải là một không gian kinh tế thống nhất, phải phát huy được lợi thế của từng địa phương, từng vùng, liên kết và bổ sung lẫn nhau.
Việt Nam đang xây dựng các Quy hoạch Phát triển kinh tế – xã hội của các vùng kinh tế. Trong Kế hoạch 5 năm 2011-2015, các định hướng phát triển các vùng như Đông Nam Bộ, Tây Nguyên, Đồng bằng sông Hồng, sông Cửu Long… cũng đã được đề cập. Vấn đề là, phải làm sao xác định cho trúng tiềm năng có thật của từng địa phương, từng vùng tập trung khai thác thế mạnh đó, chứ không nên chạy theo phong trào. Và nữa, quan trọng hơn, phải luôn quan tâm đến yếu tố liên kết vùng, để làm sao Việt Nam thực sự là một nền kinh tế thống nhất.